Văn hóa nghệ thuật

Yêu thiên nhiên yêu chính mình

Cập nhật lúc 09:52 30/10/2012

 

-Đức Kitô là một.
-Hôm qua cũng như hôm nay.
-Là An-pha và Ômêga.
-Nghĩa là khởi nguyên và tận cùng.
-Người làm chủ thời gian.
-Và muôn thế hệ.
-Van tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng.
-Vạn vạn tuế. Amen.
          Rồi ánh sáng cứ lan dần trên các cây nến nhỏ của cộng đoàn con cái Chúa đang tham gia Nguồn Sáng này và giọng hát cứ lớn dần lên của chủ sự công bố Tin Mừng Phục Sinh: ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ! Và Cộng đoàn đáp: Tạ ơn Chúa ! Sau cùng, hòa nhập ánh sáng đèn điện rực rỡ khắp nơi nơi!
          Khi ấy thân xác tôi được hòa nhập thân xác Chúa Kitô đang chôn cất trong mồ, Người sống lại nâng tôi lên với Người.
          Quả thật, tôi có cảm giác, chân tôi đang chạm đất, nhưng tay tôi vươn tới Trời. Vậy là cả thế giới đông tây kim cổ Tam tài ở trong tôi: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.Tôi miên man suy nghĩ mọi cảnh vật thiên nhiên đang rung động quanh tôi, tôi chợt nhớ nhà bác học vật lý Volta – ai sử dụng điện, bình điện, Pin mà không biết đến Volta, chính là nhà Vật lý danh tiếng người Italia – đã giúp tôi giải đáp mọi lý lẽ nhân sinh. Ông trả lời cho người bạn cũng là nhà bác học, hồ nghi về sự có Chúa. Ông mạnh mẽ khẳng định: “Khoa học chỉ làm cho tôi thấy Chúa hiện diện khắp nơi. Ngài là Nguyên Nhân Tiên khởi, Đấng ra Luật không sai lầm, Đấng Tạo hóa, Lý Do Cuối Cùng của tất cả: đó là CHÚA.
          Bước theo các nhà khoa học, các bậc thánh nhân, đã xác tín chân lý ngàn đời đó, nơi bất cứ tạo vật nào và không có tạo vật nào nhỏ đáng xem thường, như Thánh Phaxicô sinh thời đã là bậc đại trí thức, nhà quý tộc, nhà động vật học, thực vật học, thân thiện với thiên nhiên, đã gọi các loài cá là “Bạn” và các loài cá đồng cảm với thánh nhân nhảy lên ca tụng Đấng Tạo Hóa. Chỉ một bóng cây, một con suối nhỏ róc rách dưới chân, một trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc, đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái, dưới một gốc cây có tán lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tán lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ: từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đấy một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi”.
          Không bức tranh nào họa cảnh thiên nhiên tuyệt vời, diễm lệ và sinh động bằng Sáng Thế Ký:
Thiên Chúa phán:
- “Phải có ánh sáng”.
- “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước”.
- “Khối nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, chỗ cạn là đất, khối nước tụ lại là “biển”.
- “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi”.
- “Đất sinh thảo mộc, có mang hạt giống tùy theo loại”.
- “Phải có ngày và đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ ngày và năm”.
- “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc và loài chim phải bay lượn trên mặt đất dưới vòm trời”.
- “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại”.
          Sau cùng, Thiên Chúa phán:
- “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để, con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
          Thế là trời đất và mọi thành phần đã hoàn tất”.
          Không bao lâu, nguyên tổ loài người, Adam, Eva đã hủy hoại trật tự thiên nhiên, gây hậu quả nghiêm trọng cho nhân loại ngay từ ban đầu.
          Cây trái cấm, dù thế nào,còn xanh, non, hay đèo đẹt, ma qủy vẫn bảo trái chín, ngon lắm, đẹp lắm, bà ăn đi bà sẽ biết tất cả tốt xấu và bằng Thiên Chúa liền.
          Từ đó, ngày nay ma quỷ cũng bảo và tiếp tay cho kẻ xấu, kẻ thời cơ “đục nước béo cò” phá hủy muôn vàn trật tự môi trường thiên nhiên, đe dọa cuộc sống con người.Không có nơi nào gọi là yên ổn thực sự. Ngày xưa Augustinô đã phải thú nhận với Chúa, sau khi trở lại “Không nơi nào còn được hạnh phúc, luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”.
          Con người giết nhau bằng mọi thủ đoạn độc hại từ môi trường. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm thế giới có trên 2 triệu người chết vì bệnh tiêu chảy, phần lớn là nạn nhân của thực phẩm nhiễm bẩn.
          Thực phẩm bẩn (ô nhiễm) đã trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe và vệ sinh phòng bệnh. Ngộ độc thực phẩm là một vấn nạn toàn cầu.
          Thời gian qua, thông tin về các vụ nhập lậu gia súc, gia cầm, bộ phận hư thối xuất hiện ngày càng nhiều. An toàn thực phẩm đang là vấn đề thời sự nóng bỏng. Hiểm họa do thực phẩm bẩn luôn rình rập mỗi người mỗi ngày trên bàn ăn, bàn nhậu, trong nhà, ngoài đường phố, nơi cửa hàng ăn uống.
          Hủy hoại rừng sinh thái, gần như hàng đêm trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đưa tin nạn phá rừng với quy mô lớn, gọi là lâm tặc, hoặc có tổ chức, hoặc cá nhân, quản lý nhà nước vẫn làm ngơ hoặc đầu hàng, càng đưa tin, vụ việc lớn càng nhiều, năm này qua năm khác cứ tranh cãi để kẻ hở này kẽ hở nọ; rút cuộc rừng vẫn chảy máu, thân cây chừng mấy người ôm nằm ngổn ngang, cắt nhỏ lẻ từng khúc y như xẻ thịt bán lẻ ở các chợ đầu mối, hoặc bán dạo trong xóm.
          Theo thống kê, riêng tại Việt Nam trong vòng nửa thế kỷ, từ 1943-1993 có khoảng 5 triệu hecta rừng tự nhiên bị mất, nghĩa là tốc độ phá rừng hằng năm ở Việt Nam khoảng 100 ngàn hecta.
          Ai cũng biết, rừng chính là lá phổi, là thành trì bảo vệ thiên nhiên, chứa đựng tài nguyên vô cùng phong phú của nhân loại, bảo vệ sự sống yên ổn cho con người. Thế mà con người cứ phá, đã làm giảm sự đa dạng sinh thái và làm môi trường bị suy thoái. Rừng cung cấp đa dạng sinh thái, là nơi trú ẩn của các loài động vật, rừng tạo ra những cây thuốc hữu ích cho cuộc sống con người. Các biotope của rừng là nguồn không thể thay thế của nhiều loại thuốc mới (taxol), nạn phá rừng có thể hủy hoại sự biến đổi gen.
          Rừng nhiệt đới là hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, 80% đa dạng sinh học của thế giới được tìm thấy ở rừng nhiệt đới. Sự phá hủy các khu vực rừng dẫn đến thoái hóa môi trường và giảm đa dạng sinh học. Ước tính chúng ta mất đi 137 loại thực vật, động vật và côn trùng mỗi ngày do phá rừng mưa, con số này tương đương với 50.000 loài mỗi năm.
          Trước nạn phá rừng ở Brazil, dọc theo Amazon, đa số dân sống trong cảnh nghèo đói, dốt, không nhận ra những tác hại của nạn phá rừng, nên nhiều ông chủ giầu có dễ thao túng, dân không biết đấu tranh. Tuy nhiên, cũng có những tộc trưởng, khi còn nhỏ, được đi học ở một ngôi trường truyền giáo, họ học được nhiều điều mà dân làng không biết. Một ông tộc trưởng nói với dân làng: “những kẻ đốn rừng đang gây cho khu rừng mưa nhiệt đới của chúng ta một điều tệ hại. Bà con không thấy những con thú rừng đang chạy trốn ngọn lửa à? Điều này sẽ xảy đến cho chúng ta: chẳng bao lâu chúng ta cũng sẽ bị buộc phải di chuyển vào sâu trong rừng hơn. Ông tộc trường giáo dục dân làng: “Những khu rừng mưa nhiệt đới giống như miếng bọt biển khổng lồ hút nước. Hơi nước thoát ra từ lá cây bay vào không trung và tạo thành mây; các đám mây trút xuống những cơn mưa truyền sức sống. Nếu người ta đốn cây thì đất sẽ khô cằn, cây cối hấp thụ khí carbonic và thải ra khí oxy để sống. Ông tiếp tục giải thích cho dân làng: “Nếu chúng ta giữ lại cây cối, lá cây sẽ tiếp tục thải ra khí oxy. Điều này sẽ tạo thêm khí oxy cho con người và động vật trên trái đất để sống. Các cây gỗ cứng của chúng ta cần ít nhất 200 năm, chúng ta phải giữ gìn chúng. Tất cả dân làng đều nghe ông tộc trưởng, cùng tham gia trong cuộc đi bộ phản đối xung quanh lều trại của những kẻ đốn rừng.
          Đúng như vậy, người dân tại khu rừng phải ra đi như những con thú rừng.
          Những người dân địa phương chúng ta sẽ làm gì, nếu những người đốn rừng lại theo kịp tới nơi định cư của chúng ta?
          Nạn phá rừng vô tổ chức không những ảnh hưởng môi sinh mà còn trực tiếp tác động tới kinh tế: thiệt hại về rừng và các yếu tố khác của tự nhiên có thể làm tồi tệ thêm mức sống của người nghèo trên thế giới và làm giảm 7% GDP của thế giới tới năm 2050, đây là một báo cáo tổng kết trong Hội nghị về Đa dạng sinh học tại Bonn.
          Phá rừng tác động rất lớn tới môi trường, đang làm thay đổi khí hậu và địa lý: phá rừng là một nhân tố đóng góp cho sự nóng lên của trái đất và được coi là một trong hững nguyên nhân chính làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Rừng nhiệt đới bị phá hủy là tác nhân của 20% lượng khí nhà kính. Theo Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu, việc phá rừng chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, đóng góp 1/3 lượng khí thải carbon dioxit do con người gây ra.
          Từ thất bại của nguyên tổ loài người, Adam-Eva trong vườn địa đàng, con người trong thế kỷ 20 càng muốn rời xa Thiên Chúa. Họ nghĩ rằng khoa học đang thay thế Thiên Chúa để tác động trên các thụ tạo khác và mở ra viễn ảnh huy hoàng của quyền năng trí tuệ con người. Tuy nhiên, thập niên70 chứng kiến cuộc khủng hoảng môi sinh đến mức báo động toàn cầu. Con người càng cố gắng chinh phục trái đất và chế ngự nó; sản xuất và tiêu thụ càng nhiều, con người càng tạo ra những gánh nặng cho môi sinh.
          Vì vậy, “khủng hoảng môi sinh chỉ ra sự mù tối của chúng ta: chúng ta không thấy thế giới quanh ta thực sự hành động như thế nào. Chúng ta sống trong sự đối nghịch hiển nhiên, lờ đi những định luật cơ bản của vật chất và năng lượng, lờ đi quy luật tồn tại của thiên nhiên. Con người là thủ phạm của thảm trạng môi trường hiện nay” (Nhận định của 2500 nhà bác học và chuyên gia về môi trường đến từ 135 quốc gia trên thế giới, và tham dự Hội nghị Quốc tế về môi trường, nhóm họp tại Paris, 2007)
          Trong sứ điệp Ngày Hòa bình thế giơi 1/1/2007, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI   nói: “Thái độ vô tâm đối với môi trường làm tổn thương cuộc sống chung của nhân loại và ngược lại. Mối tương quan chặt chẽ bất khả phân ly giữa sự hài hòa với thiên nhiên và sự bình an giữa con người với nhau luôn luôn là một điều quá minh nhiên. Nhưng cả hai sự bình an và hiền hòa đó phải được bắt nguồn từ sự bình an với Thiên Chúa”.
          Giáo huấn xã hội Công giáo gởi đến cho con người một quan điểm phát triển và độc đáo về các vấn đề môi sinh.
          Như trên đã nêu, bắt nguồn từ Sáng Thế Ký, Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo muôn loài, muôn vật và con người trong vũ trụ. Nên toàn thể vũ trụ là nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Trái đất, một góc rất nhỏ, được chúc phúc riêng biệt của vũ trụ, đó là ngôi nhà của nhân loại.
          Tôn kính Đấng Tạo Hóa hiện diện và hành động trong tự nhiên, điều này có thể làm cơ sở cho việc con người có trách nhiệm đối với môi trường. Vì vậy, “nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là tôn trọng vạn vật hơn là chỉ chăm sóc chúng”
          Thi sĩ Lord Tennyson và một người bạn đang đi dạo trong vườn hoa. Bạn là Kitô hữu, hỏi thi sĩ:
- Anh có khi nào nghĩ về Đức Kitô không?
          Tennyson đưa tay ngắt một bông hoa rực rỡ tỏa hương bên đường, nói:
- Như mặt trời đối với đóa hoa thế nào, thì Đức Kitô đối với tôi cũng vậy!
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Ra mắt hợp xướng “BÀI TRƯỜNG CA NĂM THÁNH” (21/10/2012)
Giả hình (02/10/2012)
Vatican II ảnh hưởng gì tới Giáo hội Việt Nam ? (21/09/2012)
Khát giữa dòng nước lũ (05/09/2012)
TIN HAY KHÔNG TIN? (05/09/2012)
LƯỢC SỬ NGÀY LỄ ĐỨC MẸ LINH HỒN VÀ XÁC VỀ TRỜI (14/08/2012)
TRÁI TIM (11/08/2012)
BÊN MỘ CHỊ SÁU (26/07/2012)
Đời sống đạo - đời nơi chân sóng Cô Tô (24/07/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log