Tỉnh Bắc Giang có gần 25.000 người theo đạo Công giáo, 56 cơ sở thờ tự Công giáo, trong đó số hộ làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ chủ yếu. Song vài năm gần đây, các hộ đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đưa giống cây trồng mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng nên bình quân lương thực đầu người ở mức khá cao, từ 400- 500kg/năm, có nơi đạt tới 900kg/năm. Nếu như trước đây, một số nơi bà con Công giáo dân còn độc canh cây lúa, đời sống kinh tế nhiều khó khăn thì nay những hộ này đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Điển hình là giáo họ Hòa An (huyện Tân Yên) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây rau màu thực phẩm ngắn ngày như dưa chuột bao tử, cà chua bi, ngô ngọt, dưa hấu, bí xanh, hành, tỏi, ớt xuất khẩu cho thu nhập hơn 70 triệu đồng/ha và chuyển đổi 12 ha ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo mô hình cá- lúa, đem lại lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm. Ở huyện Lạng Giang, các hộ Công giáo thuộc họ đạo thôn Tây phấn đấu xây dựng cánh đồng 80 triệu đồng/ha; giáo họ thôn Cầu Chính có mô hình trồng hoa cảnh, thu nhập hơn 10 triệu đồng/sào. Tại giáo họ Ngọc Liễn (huyện Hiệp Hòa) nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng hành, tỏi, ngô ngọt. Nhiều hộ Công giáo huyện Lục Ngạn trồng vải thiều, na dai, hồng nhân hậu, cây lấy gỗ, măng tre bát độ, kết hợp chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, nuôi cá ao, mở mang thêm các loại hình dịch vụ vận chuyển hàng hóa, kinh doanh mua bán các sản phẩm như tre, gỗ… nên đa số các gia đình đã có cuộc sống kinh tế khá giả. Tiêu biểu như gia đình các ông: Vũ Tiến Mạnh, Nguyễn Bá Thừa, Nguyễn Văn Sơn... Ở giáo họ Mai Thượng, Đồng Công (huyện Hiệp Hòa) có nhiều hộ làm kinh tế giỏi như hộ ông Nguyễn Văn Sinh, ông Nguyễn Quang Khoa, ông Âu Văn Đào, ông Phạm Bá Độ, ông Nguyễn Hồng Lương....
Mô hình nuôi trồng thủy sản, thủy cầm, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh. Gia đình giáo dân Thân Văn Hạt (thôn Thiết Nham, xã Minh Đức, huyện Việt Yên), ông Nguyễn Văn Sinh (thôn Minh Đức, xã Nhâm Sơn, huyện Yên Dũng) với mô hình nuôi trồng thủy sản, thủy cầm, chăn nuôi lợn, mỗi năm thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Ở làng Cống (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang) có mô hình nuôi cá lồng, sản lượng cá hàng năm đạt hàng chục tấn. Nuôi cá lồng đang trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở làng Cống.
Mô hình kinh doanh vận tải đường sông của ông Nguyễn Văn Đá (giáo xứ Nguyệt Đức)
Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng bào Công giáo còn đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề. Tại giáo xứ Nguyệt Đức (huyện Việt Yên) phát triển nghề vận tải đường thủy, góp phần chủ yếu để làm giảm hộ nghèo ở Nguyệt Đức từ 23% năm 2010 xuống còn 13% năm 2011, không còn hộ đói; một số hộ có mức thu nhập khá cao như hộ ông Nguyễn Văn Đá, Nguyễn Văn Ước, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Bồng… Ở thành phố Bắc Giang, nhiều hộ đã chuyển hướng từ kinh tế nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ thương mại và sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp như cơ khí, đồ mộc, trong đó ông Phạm Đình Ngọc, bà Trần Thị Dung, ông Nguyễn Văn Bảo là những cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực này… Ông Bảo có xưởng sản xuất kinh doanh đồ mộc cao cấp thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Kinh tế có bước phát triển, cùng với sự quan tâm của chính quyền, mặt trận về công tác xóa đói giảm nghèo nên tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu ngày càng tăng. Theo báo cáo của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bắc Giang, đến nay đồng bào Công giáo không con hộ đói, hộ nghèo còn 13% (theo tiêu chi mới), hộ khá và trung bình chiếm hơn 66%, hộ giàu chiếm 20,3%.
Sống Tin Mừng theo tinh thần “Yêu thương và phục vụ”, trong 5 năm qua đồng bào Công giáo tỉnh Bắc Giang bằng nhiều hình thức khác nhau đã ủng hộ hàng tỷ đồng cùng nhiều vật dụng, lương thực cho những nơi, những người cần được sự giúp đỡ. Tiêu biểu là các xứ đạo ở huyện Yên Thế đã quyên góp hàng triệu đồng, 5.248 kg gạo và hàng trăm ngày công lao động giúp đỡ các hộ nghèo và cùng với Mặt trận Tổ quốc, chính quyền xây dựng 6 nhà đoàn kết trị giá 90 triệu đồng tặng hộ nghèo. Giáo xứ Đạo Ngạn (huyện Việt Yên) có bệnh xá tình thương do hội Con Đức Mẹ Hiệp Nhất quản lý với tiêu chí “Từ thiện cho những người cần lòng từ thiện” đã tổ chức khám chữa bệnh và tư vấn miễn phí cho hàng nghìn lượt người. Hội chữ thập đỏ giáo họ Đại Lãm (huyện Lục Nam) ủng hộ hơn 30 triệu đồng theo chương trình “Địa chỉ cho tấm lòng từ thiện” trên Đài Truyền hình Bắc Giang. Giáo họ Nguyệt Đức (huyện Việt Yên) với tấm lòng tương thân, tương ái đã giúp đỡ bà Nguyễn Thị Diêm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một con thuyền trị giá hơn 5 triệu đồng và vận động cộng đoàn giáo dân quyên góp ủng hộ 16 triệu đồng giúp gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên bị gió lốc làm đắm thuyền chết 2 cháu nhỏ.
Hội Con Đức Mẹ hiệp nhất chăm sóc trẻ khuyết tật tại nhà tình thương Hương La (giáo xứ Tử Nê)
Đặc biệt, linh mục Nguyễn Huy Tảo đã tích cực vận động giáo dân và các nhà hảo tâm tặng hàng nghìn xuất quà, tổng trị giá hàng tỷ đồng cho người tàn tật, trẻ em mồ côi, người mù, người bị bệnh phong, đồng bào dân tộc Tày (thôn Trại Trầm, xã Tam Dị, huyện Lục Nam). Bà Nguyễn Thị Minh Thu- Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bắc Giang đã trích tiền lương hưu của mình giúp đỡ các cháu học sinh nghèo tiền học phí và các đồ dùng học tập trị giá gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, đồng bào Công giáo còn tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, gia đình liệt sỹ nghèo.
Với những kết quả trên, đồng bào Công giáo Bắc Giang đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đồng thời khẳng định đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Phát triển kinh tế song song với phát huy tinh thần thần bác ái trong hoạt động từ thiện và ý thức trách nhiệm công dân qua việc chấp hành pháp luật là đặc điểm nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Lâm Văn Cách nhận xét.
An Luých