Thầy Ký lâu nay được nhân dân trong huyện biết đến với cái tên “Phố thị của nông thôn mới”. Danh hiệu đó hội tụ cả những thành công về phát triển kinh tế, văn hóa trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới mà bằng trực quan cũng có thể quan sát thấy. Song từ trước khi đạt được những khởi sắc về kinh tế, Thầy Ký đã được mệnh danh là “miền đất học” với rất nhiều gia đình hiếu học, dù nghèo. Theo dòng chảy thời gian, tinh thần hiếu học đó đã được bồi đắp cho tới tận hôm nay với những con số biết nói: Theo điều tra năm 2009- 2010, Thầy Ký có 185 người đã tốt nghiệp đại học trở lên, trong đó có 2 tiến sỹ, 6 thạc sỹ, 6 bác sỹ, 1 luật sư, 42 kỹ sư, 72 giáo viên; 56 người tốt nghiệp cao đẳng; 243 người đang học cao đẳng, đại học và trên đại học. Hiện số người có trình độ đại học, số sinh viên đều đã tăng thêm nhiều. Tỷ lệ sinh viên so với dân số ở Thầy Ký lên tới 8%- 10%, trong khi tỷ lệ của cả nước là 1,8% (năm 2011). Nhiều năm liền, tỷ lệ thi đỗ đại học, cao đẳng ở Thầy Ký đạt gần 100%, một số em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia như Nguyễn Thị Hải Yến, Cao Vĩnh Duy.
Theo ông Nguyễn Năng- Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Thạnh An, những thành tích nói trên xuất phát từ sự quan tâm của các gia đình và giáo xứ Thánh Gia đối với sự nghiệp giáo dục ở làng quê này. Từ những năm 1950 các cụ Bùi Công Thận, Nguyễn Văn Rõng, Nguyễn Văn Đản đã mở các lớp học miễn phí cho con em Thầy Ký. Các cụ là người Công giáo không chỉ rao giảng Lời Chúa mà còn dạy chữ cho thế hệ sau bằng cả tâm huyết của mình. Từ những cú hích ban đầu của các cụ, nhiều thế hệ đã vượt khó vươn lên học hành, trở thành điển hình trong phong trào hiếu học ở Thầy Ký như tiến sỹ Bùi Tiến Khôi, tiến sỹ Nguyễn Văn Sáng, bác sỹ Nguyễn Thượng Sơn…
Để bồi đắp truyền thống ham học, ngày nay giáo xứ Thánh Gia (giáo xứ toàn tòng ở Thầy Ký) thường tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài như thánh lễ khai giảng năm học mới; họp mặt sinh viên, tuyên dương, khen thưởng những em đạt kết quả cao trong học tập, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn học hành tiến bộ… Đặc điểm đáng mừng là cán bộ ấp đều là người Công giáo tâm huyết với công tác khuyến học nên biết rất rõ hoàn cảnh từng gia đình, nếu học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ lại phối hợp với hội khuyến học, với giáo xứ kịp thời có sự quan tâm giúp đỡ.
Ấp Thầy Ký
Cán bộ địa phương cho biết, hầu hết các hộ ở ấp Thầy Ký đều trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi. Vì vậy, để lo cho con ăn học, nhiều gia đình đã làm thêm các việc khác, thậm chí là cầm cố đất đai để con học thành tài. Thực tế đã có những câu chuyện đáng cảm phục về gia đình Công giáo vượt khó nuôi con học hành như gia đình các ông: Phạm Văn Phát, Hoàng Văn Nhơn, Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Văn Hỡi…
Ông Phạm Văn Phát đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải vất vả cày cấy 15 công ruộng để nuôi 4 người con học đại học và phổ thông. Vợ ông là bà Vũ Thị Băng ngày nào cũng phải thức khuya, dậy sớm đẩy xe đi bán từng cốc nước đậu nành. Bà cho biết, mấy năm nay, tiền bán lúa sau thu hoạch, tiền cầm bằng khoán vay ngân hàng, vợ chồng bà đều tập trung cho các con học hành.
Ông Hoàng Văn Nhơn có 3 người con đã tốt nghiệp đại học, đứa con út đang học cấp 3. Con cả ông Nhơn là Hoàng Minh Tú, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Y Cần Thơ, được giữ lại trường công tác. Người con kế tiếp là Hoàng Thị Ngọc Thi tốt nghiệp loại giỏi Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc tại công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Người con thứ 3 mới tốt nghiệp đại học đã có việc làm. Hiện ông Nhơn còn nuôi 2 con ăn học. Vợ chồng ông Nhơn làm ruộng, cuộc sống khó khăn. Nhiều năm liền, tiền kiếm được bao nhiêu phải dành dụm cho con cái học hành nên ông chẳng sắm sửa được gì trong nhà. Có lúc, ông cắm cả bìa khoán 15 công ruộng để lo tiền học cho con nhưng vợ chồng ông vẫn thấy hạnh phúc vì có con học giỏi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đàm nuôi 6 người con ăn học thành đạt. Bà Vàn- vợ ông Đàm cho biết, sau giải phóng đất nước, gia đình bà có 20 công ruộng nhưng cũng không đủ để nuôi 8 người con ăn học. Vợ chồng bà phải cầm bằng khoán ruộng tại ngân hàng để vay tiền, tận dụng mọi đất đai để trồng thêm cây thuốc lào kiếm thêm thu nhập. Hàng năm, cứ tới mùa lũ, chồng bà lại đi chở đất về bán cho bà con trong ấp nâng nền nhà. Khi chồng đột ngột qua đời. Bà một mình tiếp tục nuôi 4 người con đang học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Thương mẹ ngày ngày vất vả, người con trai thứ 4 và thứ 5 sau khi học xong cấp 3 đã ở nhà cùng mẹ nuôi các anh và em ăn học. Năm tháng vất vả rồi cũng trôi qua, 6 người con của bà đều ra trường, người thành bác sĩ, người là kỹ sư… Các con đều có hiếu nên cuộc sống của bà hiện tại chẳng thiếu thứ gì.
Ông Hỡi, trước đây cũng thuộc diện gia đình nghèo nhất nhì ấp. Năm 1993, người con trai thứ ba của ông là Nguyễn Minh Cảnh thi đậu đại học. Năm 1995, ông phải bán 10 công ruộng và ngôi nhà để dành 8 cây vàng hằng tháng chu cấp cho Cảnh ăn học. Số tiền còn lại, ông vào tận cuối ấp mua 10 công đất, cất chòi sinh sống. Khi Cảnh ra trường, có việc làm ổn định. Không còn phải chu cấp cho con, ông Hỡi bán 10 công ruộng cuối ấp, trở ra mua lại 7 công ruộng và dựng nhà ở ngoài này. Hiện nay căn nhà khang trang của ông Hỡi có đầy đủ tiện nghi. “Toàn bộ đồ đạc và ngôi nhà này đều một tay thằng Cảnh làm nên. Thấy căn nhà cũ xập xệ, nó gởi tiền về xây tặng ba mẹ ngôi nhà mới. Vợ chồng tui già rồi ở thế nào chẳng được. Vậy mà nó vẫn gởi tiền về xây nhà mới cho bằng được”, ông Hỡi tâm sự.
Vượt qua khó khăn để thành đạt là một truyền thống đáng tự hào của con em ấp Thầy Ký. Điều này không chỉ góp phần làm đẹp quê hương, xứ đạo mà còn thể hiện sự đền đáp công ơn cha mẹ, thầy cô đã phải cố gắng rất nhiều cho con ăn học và tận tình dạy bảo. Rất nhiều gia đình ở Thầy Ký, sau những năm dài chăm lo cho con cái học hành, nay các con đều thành đạt nên kinh tế gia đình có bước phát triển mới, chất lượng cuộc sống nâng lên, nhiều ngôi nhà mới khang trang được xây dựng. Dọc theo hai bên đường từ thị trấn Thạnh An về kênh Thầy Ký đã điểm thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang. Đường vào ấp rải nhựa, ngõ xóm tráng bê tông lại có thêm các cột đèn chiếu sáng. Thầy Ký đã thực sự khởi sắc…. Với những đầu tư cho giáo dục và sự năng động phát triển kinh tế theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đến nay hầu hết các gia đình ở Thầy Ký đã thoát nghèo, có mức sống khá, một số người trở nên giàu có. Thầy Ký được công nhận là ấp văn hóa và được huyện đánh giá là ấp điển hình trong việc xây dựng nông thôn mới.
Thiên Băng