Ông Phaolô Huỳnh Kim Lập (bên phải) luôn nhiệt tình trong hoạt động từ thiện - xã hội. |
Từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp Điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế là đồng bào Công giáo cùng Nhân dân Quảng Ngãi đang từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung đang hình thành giúp nông dân có thu nhập cao và làm giàu từ chính sản phẩm nông nghiệp làm ra. Cụ thể như ở giáo xứ Châu Me (huyện Nghĩa Hành), giáo xứ Bàu Gốc (huyện Mộ Đức), giáo xứ Phú Hòa (huyện Sơn Tịnh).
Tại huyện Nghĩa Hành, từ số ít hộ giáo dân Công giáo tham gia trồng cây ăn trái đem lại giá trị kinh tế cao, đến nay huyện Nghĩa Hành đã thành vùng chuyên canh cây ăn trái với gần 600 ha, chủ yếu là sầu riêng, bưởi, chôm chôm, chuối ngự.
Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo cùng Nhân dân đã phát huy thế mạnh kinh tế biển để đẩy mạnh nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Kinh tế thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đa phần đồng bào Công giáo. Trong đó đánh bắt thuỷ hải sản theo hướng hiện đại, bền vững gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm, điển hình như tại các giáo xứ: Bình Hải, Bình Thạnh, huyện Bình Sơn; giáo xứ Lý Sơn, huyện Lý Sơn.
Người Công giáo không chỉ năng động với các mô hình phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ người khác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống. Các giáo xứ làm tốt mô hình này gồm: Giáo xứ Quảng Ngãi (thành phố Quảng Ngãi và một phần của huyện Tư Nghĩa), giáo xứ Châu Me (huyện Nghĩa Hành), giáo xứ Bàu Gốc (huyện Mộ Đức), giáo xứ Phú Hòa (huyện Sơn Tịnh), giáo xứ Châu Ổ (huyện Bình Sơn),…
Bên cạnh thi đua làm giàu chính đáng, những năm qua Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng các Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh và quý chức việc của Hội đồng giáo xứ hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo; góp phần hiệu quả vào phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động. Trong đó các giáo xứ, giáo họ đã đóng góp hơn 1.500 ngày công và 625 triệu đồng để cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước xây dựng hoàn thành 30km đường bê tông nông thôn.
Sống bác ái Tham gia từ thiện xã hội đối với người Công giáo là truyền thống tốt đẹp xuất phát từ cái tâm và đức tin Công giáo. Cộng đoàn Công giáo và các tổ chức của Giáo hội tại Quảng Ngãi thường xuyên chung tay vào lĩnh vực này. Trong đó, các nữ tu dòng Mến Thánh giá Qui Nhơn, cụ thể là Cô nhi viện Phú Hòa đã chăm sóc và nuôi lớn thành người hơn 130 trẻ em sinh ra bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, khuyết tật. Có em đã vào trường đại học, một số em trưởng thành và xây dựng gia đình, có việc làm ổn định. Hiện nay Cô nhi viện Phú Hòa đang cưu mang hơn 30 trẻ em.
Ông Huỳnh Kim Lập - Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Grroup (bên phải) cùng ông Bùi Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Ngãi trao quà tết cho đại diện Cô nhi viện Phú Hòa. |
Hưởng ứng mời gọi của Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, cộng đoàn giáo dân, các hội bác ái, tổ chức và doanh nghiệp chung tay góp tiền và hiện vật quy thành tiền là 2,371 tỷ đồng để giúp đỡ gia đình gặp khó khăn khắc phục hậu quả bão lũ. Tiêu biểu trong sự chung tay này có Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân (Thiên Tân Group) do giáo dân Huỳnh Kim Lập làm Chủ tịch HĐQT đã ủng hộ 1,650 tỷ đồng (Thiên Tân Group cũng đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác với tổng số tiền từ năm 2016 đến nay lên tới hàng chục tỷ đồng), Hội Bác ái Tín thác Lòng Thương xót Chúa TP. Hồ Chí Minh 366 triệu đồng, Hội Con Đức Mẹ Phú Cường TP.Hồ Chí Minh 306 triệu đồng và chị Kim Ánh (tại TP. Hồ Chí Minh) 24 triệu đồng,… Bên cạnh đó, Ban Bác ái giáo xứ Quảng Ngãi mời gọi ủng hộ được hàng trăm xuất quà để hỗ trợ cho các gia đình đặc biệt khó khăn về kinh tế; người neo đơn không nơi nương tựa, những gia đình bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt với tổng giá trị 450 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Nghĩa, từ thiện xã hội đã trở thành nét đẹp thường xuyên của đồng bào Công giáo sinh sống tại tỉnh nhà và những tấm lòng nơi xa quê. Trong hoàn cảnh thiên tai, hoạn nạn thì tình bác ái ấy lại được phát huy mạnh mẽ và lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần tích cực vào lối sống đạo mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ dẫn trong Thư chung năm 1980: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm.