Gương điển hình

Kính nhớ linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (1898-1954)

Cập nhật lúc 16:49 01/09/2022
Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực sinh ngày 21/11/1898, quê làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo xứ Bạch Liên, giáo hạt Bạch Liên, giáo phận Phát Diệm.
Là linh mục đầu tiên tham gia cách mạng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đảm nhiệm vị trí trọng yếu Phó Chủ tịch Ban thường trực Quốc hội, sát cánh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và là Linh mục trong số rất hiếm linh mục tham gia hoạt động ở Quốc hội được sự cho phép của đấng bản quyền, Giám mục Francois Chaize Thịnh. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 68 ngày linh mục về với Chúa (5/10/1954), xin ôn lại những năm tháng lịch sử mà linh mục để lại cho Đạo và Đời.
 
Lễ Dâng hương, dâng hoa Kỷ niệm 67 năm ngày mất của cố linh mục Phêrô.
Lễ Dâng hương, dâng hoa Kỷ niệm 67 năm ngày mất của cố linh mục Phêrô.

Một cuộc đời kính Chúa yêu nước cao cả và trọn vẹn 
Từ thiếu thời cụ Phạm Bá Trực được gia đình gửi vào chủng viện của giáo phận Tây Đàng Ngoài. Năm 1916, theo chủ trương của Tòa Thánh, mỗi giáo phận cử 1 hay 2 chủng sinh xuất sắc để gửi sang Rôma đào tạo chức sắc cao cấp cho giáo hội. Do học thông minh và đạo đức, linh mục được Giám mục Hà Nội là Pierre Jean Marie Gendreau tuyển chọn và gửi đi học trường Truyền giáo ở Rôma.

Sau 9 năm du học, Cụ đỗ 3 bằng Tiến sĩ về Giáo luật, Thần học, Triết học Hạng A; được Tòa Thánh thụ phong linh mục, thăng hàm Giáo sư khi mới 27 tuổi; được Tòa Thánh bài sai trở về Việt Nam; trở thành Giáo sư người Việt Nam đầu tiên và duy nhất giảng dạy tại Đại chủng viện Hoàng Nguyên - Đàng Ngoài từ năm 1925 đến năm 1929, góp phần đào tạo những linh mục đầu tiên cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Linh mục còn còn là nghĩa phụ, bác họ, đã dìu dắt bước đi đầu tiên, nuôi dạy cháu Phạm Đình Tụng, Người được Tòa Thánh tấn phong Đức Hồng y.

Khi là giáo sư giảng dạy tại Đại Chủng viện Hoàng Nguyên - Đàng Ngoài, linh mục tỏ rõ lòng yêu nước và tinh thân phản kháng sự bất công của thực dân Pháp, khẳng khái, mạnh mẽ lên tiếng “Đứng trước Chúa không có sự phân biệt mầu da”. Linh mục đã cùng giáo sư người Ý có tên Việt là Chí Linh đấu tranh cho các quyền Độc lập - Tự do - Dân chủ. 

Từ năm 1929 đến năm 1945, linh mục về Khoan Vĩ, Lý Nhân (Hà Nam) coi sóc bổn đạo và vận động đồng bào lương giáo tham gia các hoạt động yêu nước.

Sau ngày Độc lập 2/9/1945, linh mục lên Làng Chuông, Hà Đông bắt liên lạc và trực tiếp gặp Hồ Chủ tịch tại Bắc Bộ Phủ, càng hăng hái tham gia phong trào cách mạng, tích cực cổ vũ đồng bào Công giáo hưởng ứng chính sách đoàn kết toàn dân và tự do tín ngưỡng của Chính phủ.

Trong cuộc bầu cửa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/01/1946, linh mục vinh dự được nhân dân Hà Nam bầu là đại biểu của mình. Uy tín của linh mục càng được khẳng đinh khi linh mục được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội (11/1946).

Từ ngày 19/12/1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, linh mục lên chiến khu Việt Bắc cùng Quốc hội và Chính phủ, mang hết tâm huyết làm việc, kết hợp hài hòa giữa đạo đức bác ái theo lời Đức Chúa với truyền thống yêu nước thương dân của Dân tộc ta.

Tháng 5/1947, linh mục được bầu là Phó Ban Thường trực Quốc hội (tương đương Phó Chủ tịch Quốc hội hiện nay). 

Năm 1951, tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, linh mục được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc và Ủy viên Hội Hữu nghị Việt - Hoa.
 
Bên mộ linh mục Phôrô tại nhà thờ An Huy, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Bên mộ linh mục Phôrô tại nhà thờ An Huy, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Một trí thức có nhiều tác phẩm giá trị gắn Đạo với Đời
Trong công việc của đạo và đời, linh mục Phêrô Phạm Bá Trực là một học giả với 3 luận án Tiến sĩ xuất sắc về Giáo luật, Thần học và Triết học; một dịch giả với tác phẩm nổi tiếng “Linh hồn của mọi công tác Tông đồ” (L’ame de tout Apostolat); một giáo sư của đại chủng viện Hoàng Nguyên Sở Kiện Đàng ngoài trực tiếp đào tạo linh mục ở Việt Nam; một người chăn chiên trực tiếp tại nhiều xứ đạo thuộc nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc; một nhà viết sách, viết báo và biên soạn nhiều ấn phẩm lý luận về Công giáo và xã hội vừa mang đậm tính lịch sử vừa có giá trị lâu bền. 

Vào dịp lễ Giáng sinh năm 1948, Linh mục viết bài “Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt” đăng trên báo Sự Thật, nêu rõ “Chúa Cơ Đốc sinh ra cũng chỉ có ý cứu vãn nhân loại cho khỏi sự bóc lột, hà hiếp lẫn nhau, cứu nhân loại khỏi xiềng xích, để mọi người không phân biệt trắng vàng, đều nên anh em với nhau…Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt cho đến khi tống cổ quân xâm lăng ra khỏi nước ta…”. 

Ngày 01/6/1951, linh mục viết “Lời kêu gọi ngụy binh Công giáo”, đăng trên báo Cứu Quốc, nhấn mạnh: “Ta hãy nhớ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ghi: Tôn trọng tôn giáo và tự do tín ngưỡng; Chính cương của Mặt trận Liên Việt cũng có quy định: Tôn trọng tự do tín ngưỡng và việc phụng lễ của tôn giáo. Thế là Chính phủ và Mặt trận không có chủ trương gì hại đến tôn giáo lại còn bênh vực tôn giáo”. 

Ngày 15/01/1952, sau khi cùng phái đoàn Liên Việt đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên về nước, linh mục viết thư kêu gọi đồng bào Công giáo tích cực tham gia kháng chiến đăng trên báo Cứu quốc chứa lời khuyên: “Chúng ta hãy tỏ mình là người Công giáo chính tông, tỏ rõ sự thánh thiện và công chính của đạo Công giáo là đứng kề Chúa và Tổ quốc phải là trên hết. Chúng ta hãy chứng tỏ mình là người có đạo, người công dân yêu Tổ quốc, lấy việc làm mà dẫn chứng. Tức là phải tham gia vào mọi công việc cứu quốc, kiến quốc và sẵn sàng vì Chúa mà thực hiện các chính sách của Chính phủ kháng chiến do Cụ Hồ lãnh đạo. Ta hãy thành thực đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân để đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thăng lợi cuối cùng”. 
Linh mục Phạm Bá Trực có câu nói nổi tiếng: “Đứng trước Chúa, không có sự phân biệt màu da”.
Linh mục Phạm Bá Trực có câu nói nổi tiếng: “Đứng trước Chúa, không có sự phân biệt màu da”.

Một linh mục được Nhà nước rất mực tri ân và tôn vinh
Linh mục Phêrô Pham Bá Trực qua đời vì bệnh tim tại Đại Từ, Thái Nguyên ngày 5/10/1954 ở tuổi 56. Lễ tang linh mục được tổ chức theo nghi lễ quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên Việt Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Liên lạc kháng chiến Liên khu III Vũ Xuân Kỷ có điếu văn bày tỏ lòng thương nhớ và lời tri ân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn luôn quan tâm và thể hiện tình cảm đặc biệt với linh mục Phêrô Phạm Bá Trực. Trong điếu văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi linh mục là “người đại biểu chân chính”, “một nhà tận tụy ái quốc” và là “người bạn thân” của mình. Người viết: “Từ ngày nhân dân tin cậy Cụ làm đại biểu Quốc hội và Quốc hội cử Cụ vào Ban Thường trực, Cụ đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng. Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam”.

Cụ Tôn Đức Thắng thay mặt Quốc hội và Mặt trận Liên Việt ca ngợi linh mục Phêrô Phạm Bá Trực là “một vị nhân sĩ có đức, có tài”, là “lá cờ đầu”, “người hướng dẫn mẫu mực, sáng suốt” của phong trào Công giáo yêu nước, người hội tụ dủ tinh thần “kính Chúa yêu nước” cho mọi người Công giáo noi theo, đồng thời tri ân linh mục “sốt sắng giúp Chính phủ và Mặt trận Liên Việt định ra chính sách cụ thể đối với tôn giáo, nhằm tôn trọng và bảo hộ tự do tín ngưỡng, bảo hộ thánh đường, đoàn kết tôn giáo, mưu lợi ích cho giáo dân.

Linh mục Vũ Xuân Kỷ thay mặt Ủy ban Liên lạc Công giáo kháng chiến Liên khu III (tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo) xem “Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực là anh cả, là tấm gương tiêu biểu của người Công giáo kính Chúa yêu nước”, và khẳng định “Cha mất, nhưng tấm gương “Kính Chúa yêu Nước” của cha sống mãi trong lòng người Công giáo”.

Lễ an táng linh mục được tổ chức tại Nhà thờ An Huy, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vào lúc 9 giờ 30 ngày 7/10/1954.

Phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 12/10/1954 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trù trì, xét truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và ngày 30/8/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho linh mục Phêrô Phạm Bá Trực.

Ngày 20/11/1954, thánh lễ cầu nguyện cho linh mục Phêrô Phạm Bá Trực đã được tổ chức trang trọng ở nhà thờ Lớn Hà Nội với sự có mặt của các lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Công giáo và Nhà nước cùng hơn 4000 giáo dân.

Ngày 28/11/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã cùng tổ chức hội thảo khoa học tri ân “Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)”. 

Tên linh mục Phêrô Phạm Bá Trực đựợc đặt cho ba con đường, một tại tỉnh Quảng Ninh, một tại tỉnh Thái Nguyên và một nữa tại thành phố Hải Phòng. Đây là một trong nhiều biểu thị vinh danh một nhà tu hành xuất sắc đã giành trọn cuộc đời “kính Chúa yêu nước”.    
Dương Quang Minh
Thông tin khác:
Kiến tạo những "nhịp cầu" đạo - đời (02/09/2022)
Tân học tinh hoa với chuyện đời: Kính nhớ linh mục Phêrô Võ Thành Trinh (1/8/1916-21/8/1991) (15/08/2022)
Phục vụ các tù nhân để tìm lại những người đã lạc hướng (08/08/2022)
TP. Vũng Tàu: Đồng bào Công giáo chung sức xây dựng Thành phố biển xanh, sạch đẹp (05/08/2022)
Đại hội đại biểu Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc huyện Nga Sơn lần thứ III (31/07/2022)
Người Công giáo huyện Hương Sơn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (29/07/2022)
Giáo dân quận Hoàn Kiếm tích cực thi đua yêu nước (21/07/2022)
Việt Nam đứng thứ 4 tại Olympic Toán học quốc tế năm 2022 (15/07/2022)
Hà Nội: Người Công giáo huyện Sóc Sơn, sống tốt đời - đẹp đạo (07/07/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log