Gương điển hình

Người Công giáo Việt Nam tích cực tham gia công tác giáo dục nghề nghiệp và hướng nghiệp

Cập nhật lúc 10:21 22/09/2022
Dân tộc Việt Nam được thế giới biết đến là một dân tộc “Khéo tay hay làm”. Ngay từ khi lập quốc người dân biết lao động, học tập lẫn nhau để mưu sinh và làm cho đất nước giàu mạnh.
Với phương châm “Thăng tiến con người toàn diện”, Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đào tạo các học sinh trở thành những con người có ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và Giáo hội, là những người thợ có tay nghề cao và có đạo đức nghề nghiệp.
Với phương châm “Thăng tiến con người toàn diện”, Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đào tạo các học sinh trở thành những con người có ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và Giáo hội, là những người thợ có tay nghề cao và có đạo đức nghề nghiệp.
Vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi nền giao thương thế giới phát triển, các vị thừa sai cũng quan tâm ngay đến việc dạy nghề và tìm ra những nghề mới, để cho những người có đạo biết làm việc tự nuôi sống mình và cống hiến cho xã hội. Đến Công đồng Vatican II (1962-1965), Tuyên ngôn về giáo dục được ban hành: “Thánh Công đồng chung đặc biệt quan tâm đến vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người, và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ngành giáo dục đối với sự phát triển của xã hội hiện nay.”
“Mục tiêu của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người như một nhân vị, hướng đến lý tưởng của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên”.
Ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành đã ghi rõ: “Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn”. 
Người Công giáo tích cực tham gia công cuộc giáo dục nghề nghiệp và hướng nghiệp
Trong nhiều năm qua, người Công giáo Việt Nam đã được hướng dẫn bởi Luật Giáo dục nghề nghiệp và bởi giáo huấn của Giáo hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc: 
Tay làm, hàm nhai
Tay quai, miệng trễ
(ca dao)
Do đó, rất tích cực tham gia công tác dạy nghề nghiệp và hướng nghiệp.
Từ các thôn làng và các xứ đạo, cha mẹ truyền nghề cho con. Các giáo xứ tổ chức những lớp huấn nghệ, giúp nhau học nghề này nghề nọ rồi sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ. Từ đó tình tương thân trương trợ khởi sắc và cùng giúp nhau phát triển. Đặc biệt, các dòng tu có đặc sủng về giáo dục, nhất là giáo dục nghề nghiệp, đã đưa khoa học kỹ thuật vào công cuộc đào tạo nghề nghiệp, có trường, có lớp rất quy mô và đem lại hiệu quả cao cho nhiều thế hệ.
Dòng Don Bosco hiện nay đang có tới 3 trường trung cấp nghề và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, số học sinh rất đông. Các học sinh ra trường đều có tay nghề vững chãi và được các công ty, doanh nghiệp đón nhận.
Dòng Gioan Lasan cũng là một dòng có đặc sủng về giáo dục và giáo dục nghề nghiệp: đã có nhiều cơ sở giáo dục cho các thanh thiếu niên nghèo những nghề thông thường như sửa xe đạp, xe máy, sửa chữa công cụ công nghiệp, cơ khí… thu hút nhiều học sinh nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, đến học để có nghề trong tay hầu mưu sinh cho mình và giúp đỡ gia đình.
Ngoài ra còn rất nhiều dòng nữ như: Dòng Đaminh, Dòng Mến Thánh Giá… Dòng nào cũng tích cực tổ chức các lớp học nhà trẻ, mẫu giáo và những lớp hướng nghiệp các thanh thiếu niên nam nữ vì hoàn cảnh không đến trường, cũng được học các nghề may, thêu, làm đẹp, chăm sóc các cụ già cao tuổi…
Tất cả những hoạt động của các dòng tu này đã tạo nên mảng rất lớn về hướng nghiệp khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và hằng năm tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh thiếu niên nam nữ có nghề nghiệp để mưu sinh.
Mục tiêu đào tạo và hướng nghiệp
“Thăng tiến con người toàn diện”, nhắm đến 3 giá trị cốt lõi: Đạo đức - Kiến thức - Công nghệ.
Nghiên cứu mục tiêu giáo dục nghề nghiệp của Luật Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và Tuyên ngôn Giáo dục nghề nghiệp của Công đồng Vatican II (1962-1965), người ta có thể nhận ra một nét rất rõ ràng về một con người toàn diện là con người có thể chất và tinh thần:
Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu là “đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ”.
Tuyên ngôn Giáo dục Công giáo là “đào tạo con người như một nhân vị”.
Do đó, giáo dục nghề nghiệp là nhằm phát triển con người có kiến thức, có nghề nghiệp, tích cực sản xuất để mưu sinh và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nhân loại, làm giàu cho đất nước.
Giáo dục nghề nghiệp là đào tạo một nhân vị biết tự tay lao động sản xuất để nuôi bản thân mình, người thân và góp phần phục vụ cho tha nhân, đóng góp vào sự giàu có của cả đất nước. 



Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc 

Là ngôi trường Công giáo đầu tiên tham gia về giáo dục nghề nghiệp do Tòa Giám mục Xuân Lộc điều hành, đào tạo là Ban Bác ái Xã hội - Caritas giáo phận. Về tổ chức, sinh hoạt, chương trình giáo dục và đào tạo… tuyệt đối thực hiện đúng quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dưới sự hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong hệ đào tạo cao đẳng. Việc chiêu sinh không phân biệt đạo, đời, tất cả đều sống hòa hợp dưới mái trường, cùng nhau tích cực học tập, nghiên cứu và làm việc.
Các em sinh viên, học sinh ra trường đều có công ăn việc làm, được các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nhiều doanh nghiệp đón nhận. 
Các công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động đã đánh giá cao về tác phong đạo đức, chăm chỉ làm việc, rất đúng giờ, chú tâm lắng nghe sự chỉ dẫn của các kỹ thuật viên công ty, chịu khó học hỏi thêm để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm. Mỗi năm được bồi dưỡng thêm qua những lớp ngắn ngày tại trường. Các sinh viên, học sinh của trường hòa mình vào lao động sản xuất tại các công ty doanh nghiệp, dễ dàng hội nhập, vận hành rất khéo léo các dây chuyền sản xuất, được các công ty động viên khen thưởng.
Để kết luận, chúng tôi xin mượn diễn đàn này để bày tỏ tâm tình cảm tạ sâu lắng của giáo dân giáo phận Xuân Lộc nói chung, và của chúng tôi, những người được giao nhiệm vụ xây dựng, điều hành tổ chức trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc,
Xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo và các ban, ngành đoàn thể tại tỉnh Đồng Nai đã tin tưởng và cho phép trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được thành lập và hoạt động trong suốt 10 năm qua. Nhờ đó trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong ngành giáo dục nghề nghiệp. 
Chúng tôi cũng xin bày tỏ ước nguyện, sau hội nghị này, với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, sẽ có thêm nhiều trường Cao đẳng Giáo dục nghề nghiệp của Công giáo và các tôn giáo bạn, đóng góp vào công cuộc giáo dục nghề nghiệp và hướng nghiệp của nước nhà.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy
Thông tin khác:
Chúa là hạnh phúc (22/09/2022)
Kính nhớ linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (1898-1954) (01/09/2022)
Kiến tạo những "nhịp cầu" đạo - đời (02/09/2022)
Tân học tinh hoa với chuyện đời: Kính nhớ linh mục Phêrô Võ Thành Trinh (1/8/1916-21/8/1991) (15/08/2022)
Phục vụ các tù nhân để tìm lại những người đã lạc hướng (08/08/2022)
TP. Vũng Tàu: Đồng bào Công giáo chung sức xây dựng Thành phố biển xanh, sạch đẹp (05/08/2022)
Đại hội đại biểu Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc huyện Nga Sơn lần thứ III (31/07/2022)
Người Công giáo huyện Hương Sơn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (29/07/2022)
Giáo dân quận Hoàn Kiếm tích cực thi đua yêu nước (21/07/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log