Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo ở xã Xuân An - Nghi Xuân, chị Bạch Thị Hường hiểu được nỗi khổ của người nông dân, chị suy nghĩ và bàn với chồng, quyết tâm chuyển nghề sang thu mua sản phẩm lạc, từ việc thu mua nhỏ lẻ chị đã quyết định vay vốn Ngân hàng để thu mua lạc với số lượng lớn, công ty TNHH Châu Tuấn cũng ra đời từ đó. Từ 2003- 2008, khi cơ chế thị trường có nhiều thuận lợi, chị mở rộng các điểm giao dịch, không những trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Inđônêxia, Thái Lan, Sincapo, Trung Quốc... với 32 đối tác. Doanh thu giai đoạn này đạt gần 80 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm 3 tỷ đồng.
Cùng với sự phát triển của Công ty, chị đã giải quyết được số lượng lớn nhân công không có việc làm. Uu tiên cho những người nghèo, không phân biệt Lương- Giáo, ai có nhu cầu việc làm là chị cho làm đơn và ký hợp đồng lao động. Bình quân mỗi năm có 350 lao động (trong đó chị em nữ chiếm 80%, hộ nghèo chiếm 70%). Những khi cao điểm lên đến 500 lao động, lương bình quân từ 1.500.000đ - 2.000.000đ người/tháng.
Không chỉ dừng lại ở thu mua và xuất khẩu lạc, chị đã còn xây dựng Nhà máy sản xuất bao bì các loại. Về cơ sở vật chất, chị đã đầu tư vào nhà máy 50 tỷ đồng vốn cố định để xây dựng xưởng, mua máy móc, thiết bị. Doanh thu từ nhà máy bao bì là 40 tỷ/năm. Lương công nhân từ 2.000.000đ - 2.500.000đ người/ tháng. Trong 5 năm qua, Công ty đã đóng góp ngân sách Nhà nước 20 tỷ đồng.
Mặc dù bộn bề với công việc kinh doanh, nhưng chị luôn tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện nhân đạo do địa phương và MTTQ Việt Nam tổ chức. Chị luôn mong muốn làm sao để mọi người đều có việc làm, có thu nhập, xã hội không còn người nghèo khổ, người tàn tật, già cả, cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa phải được cưu mang, chăm sóc, khoảng cách giàu nghèo phải được rút ngắn lại.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, thì hoạt động từ thiện là công việc chị luôn chú ý và quan tâm vì đây là đạo lý của người Việt Nam, là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà chị cũng là một thành viên. Tại địa phương, thời gian qua chị đã hỗ trợ xây 3 ngôi nhà Đại đoàn kết. Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" chị đã hỗ trợ các tổ dân phố trong thị trấn Xuân An gần 100 triệu đồng làm đường bê tông, hỗ trợ xã Xuân Hồng - nơi thường bị ngập lụt 50 triệu đồng; hỗ trợ xã Xuân Lĩnh, Xuân Lam 150 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, sinh hoạt cho người dân.
Chị đã hỗ trợ quỹ khuyến học thị trấn Xuân An 50 triệu đồng, hỗ trợ các cháu bị xơ hoá cơ Đenta của huyện phẫu thuật chỉnh hình 10 triệu đồng, ủng hộ quỹ "Ngày vì người nghèo" 30 triệu đồng. Gần đây, chị đã ủng hộ Hội nạn nhân chất độc da cam huyện làm một ngôi nhà cho bác Nguyễn Viết Chung nạn nhân chất độc da cam xã Xuân Trường cả tiền mặt và nguyên vật liệu trị giá 30 triệu đồng. Ngôi nhà khánh thành vào dịp "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" năm 2009. Không chỉ giúp đỡ người nghèo trong huyện, trong những đợt thiên tai, lũ lụt vừa qua chị đã đến với đồng bào Hương Khê, Hương Sơn, thăm hỏi và động viên những người gặp nạn với số tiền và quà trị giá 100 triệu đồng, đồng thời làm cho bà Bùi Thị Hoàng, thị trấn Phố Châu một ngôi nhà Đại đoàn kết trị giá 30 triệu đồng.
Sau gần 10 năm thành lập Công ty, từ hai bàn tay trắng, đến nay chị đã có nhà máy, có xưởng với trên 700 công nhân, thời kỳ cao điểm có đến gần 1.000 người. Ngoài đầu tư tái sản xuất, còn tích luỹ mỗi năm trên 500 triệu đồng. Dự định sắp tới của chị là sẽ mở thêm 1 siêu thị với diện tích khoảng 3.000 m2 và một số loại hình kinh doanh khác để có thêm việc làm cho nhiều người, kinh tế phát triển chị sẽ lại giúp đỡ được nhiều người hơn. Tất cả để thực hiện tâm nguyện: "Kính Chúa yêu nước", "Sống tốt đời đẹp đạo" của một người Công giáo, và làm tròn bổn phận của người công dân tiếp tục giúp đỡ những người còn nghèo khó./.