Gương điển hình

Phòng khám từ thiện Hy Vọng

Cập nhật lúc 16:21 23/06/2023
Sơ Maria Trần Thị Lý, hiện phụ trách Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy Vọng tại ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh do các nữ tu Dòng Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ thành lập. Sơ Lý và các nữ tu luôn tận tâm phục vụ với mong muốn đem lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân nghèo.
 Phòng khám Hy vọng đã thắp lên hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo.
Phòng khám Hy vọng đã thắp lên hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo.
Sơ Maria Trần Thị Lý năm nay 73 tuổi nhưng còn nhanh nhẹn lắm. Trong bộ tu phục màu xám tro, niềm nở tiếp tôi tại phòng tiếp đón bệnh nhân. Sơ kể:
“Phòng khám chuyên về Y học cổ truyền này đã có từ năm 1985, trước đây hiện diện tại trạm Y tế phường 11, quận Bình Thạnh và điều trị cho bệnh nhân nghèo trong khu vực. Trăn trở về lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Hãy đi ra đến những vùng ngoại biên để xây dựng nền văn minh tình thương...”, năm 2015, chị em chúng tôi đã quyết định lựa chọn một nơi hiện diện mới đó là về Củ Chi để phục vụ cho bà con dân nghèo tại đây.
Củ Chi - một vùng “ngoại ô” có nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được chia sẻ. Với tư cách Trưởng phòng Chẩn trị y học cổ truyền Hy Vọng, sơ Lý cùng với các nữ tu khác của cộng đoàn Đức Mẹ Lên Trời chăm sóc chữa trị cho các bệnh nhân nghèo và người khuyết tật, đa phần là các bệnh phong tê thấp, thoái hóa cột sống cổ và lưng, thoái hóa khớp, viêm xoang mãn tính; di chứng tai biến mạch máu não và tai nạn giao thông, trẻ em bại não, trẻ em tự kỷ và chậm phát triển, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh v.v… bằng phương pháp châm cứu và thuốc nam. Do theo đông y nên phòng khám sử dụng thuốc nam thành phẩm và nhiều phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, dưỡng sinh, diện chẩn”.
Sơ Lý trao cho tôi tập ghi cảm tưởng của các bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân được phục hồi sức khỏe và ghi lại tâm tình tri ân:

Nữ tu Trần Thị Lý chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo tại Phòng khám Hy vọng.
Nữ tu Trần Thị Lý chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo tại Phòng khám Hy vọng.
“Tôi đã điều trị tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy Vọng độ 3 tháng. Nay bệnh đã được bình phục. Tôi nhận thấy Phòng khám trị bệnh rất nhiệt tình và có kết quả. Tôi mong rằng Phòng khám tiếp tục trị bệnh cho bà con trong thời gian dài. Tôi chân thành cám ơn quí sơ tại Phòng khám Hy Vọng.” (bệnh nhân Huỳnh Văn Giáp xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi).
“Anh em chúng tôi ngụ tại huyện Hốc Môn đã đến điều trị bệnh di chứng tai biến mạch máu não, yếu nửa người tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy Vọng độ 4 tháng. Hiện nay bệnh của chúng tôi đã thuyên giảm được 90%. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các sơ đã tận tình cứu chữa, mong các sơ được ân sủng chiếu rọi của Thiên Chúa và mong sẽ có ngày chúng tôi đền đáp công ơn này để Phòng Chẩn trị có điều kiện cứu giúp cho nhiều người…” (Bệnh nhân Tạ Quốc Đại và Nguyễn Đức Minh).
“Tôi bị bệnh thoái hóa cột sống cổ đã đến điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y, nay tôi đã hết đau và bệnh đã khỏi. Tôi được các sơ đón tiếp vui vẻ, thái độ chăm sóc ân cần cũng giống như người thân trong gia đình. Tôi rất mừng và xin cảm ơn các sơ Phòng khám Hy Vọng, mong các sơ luôn mạnh khỏe để tiếp tục sứ mạng giúp người, giúp đời.” (Bệnh nhân Vũ Huy Nam, Tân Phú Trung).
Cùng với việc khám, chữa bệnh, phòng khám còn trồng nhiều loại cây thuốc quý để phục vụ việc điều trị một số bệnh. Sơ Lý vận động các tấm lòng góp sức cùng phòng khám thực hiện các chương trình an sinh như: tặng quà, học bổng cho học sinh, thẻ BHYT cho bệnh nhân khó khăn, hỗ trợ tiền làm vốn cho khoảng 30 chị em phụ nữ khó khăn để chăn nuôi, bán vé số. Mỗi trường hợp từ 1 - 10 triệu đồng và duy trì được khoảng 4 năm. Trong năm 2022, cộng đoàn dòng cũng vừa hoàn thành công trình “Nước uống tinh khiết hy vọng”, giúp người lao động được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Sơ Lý tâm niệm: “Tôi có duyên được theo nghề y, chọn sống đời phục vụ, làm việc thiện lành, mỗi ngày được nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên là niềm vui lớn nhất. Tôi sẽ tiếp tục chăm lo sức khỏe cho người bệnh khi mình vẫn còn sức khỏe”. Niềm vui ở tuổi 72 của sơ là hàng ngày vẫn cần mẫn với những công việc quen thuộc như tiếp nhận bệnh và điều trị bệnh, hỗ trợ tập dưỡng sinh, vật lý trị liệu, châm cứu… cho bệnh nhân.

 
Ngoài việc khám, chữa bệnh từ thiện, các nữ tu tại phòng khám còn hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người bệnh nghèo, hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, cùng nhiều hoạt động cộng đồng khác.
Ngoài việc khám, chữa bệnh từ thiện, các nữ tu tại phòng khám còn hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người bệnh nghèo, hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, cùng nhiều hoạt động cộng đồng khác.

Hiện nay, ngoài việc chẩn trị, bốc thuốc, quý sơ còn trồng một số cây thuốc quý và các loại thuốc nam khác nhau để đưa vào việc điều trị một số bệnh thông thường. Đồng thời cũng khuyến khích bà con nông thôn trồng thêm cây thuốc để sử dụng và có thể giảm bớt kinh phí trong điều trị. Mỗi khi chữa trị cho bệnh nhân, các nữ tu luôn khuyến khích và tư vấn cho họ sử dụng những cây thuốc nam có sẵn trong vườn nhà. “Vì đối tượng của phòng khám là bệnh nhân nghèo, nên cây thuốc nam là một lựa chọn phù hợp nhất, do nó vừa rẻ, dễ tìm lại an toàn. Tuy điều trị bằng thuốc Nam có mất thời gian nhưng về lâu dài rất tốt cho cơ thể”, sơ Lý trải lòng. 
Tuần làm việc với bệnh nhân của phòng khám kéo dài từ thứ Hai cho đến thứ Sáu. Mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng trên 100 bệnh nhân đến điều trị. Hiện tại, có 7 nữ tu trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cùng với 4 thiện nguyện viên. Dù lượng bệnh nhân đông nhưng các sơ luôn thể hiện sự nhiệt tình và tận tâm, từ tốn với người bệnh, nên các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cởi bỏ được mặc cảm, họ mở lòng hơn trong chia sẻ về bệnh tình cũng như hoàn cảnh riêng, nhờ đó mọi người có được sự gắn bó như một đại gia đình. Đối với những người nghèo, có một nơi khám bệnh miễn phí đỡ đần cho họ rất nhiều khoản chi phí. Phòng khám này mở ra cũng vì mục đích đó. Phòng khám hoạt động từ năm 2015 đến nay đã điều trị cho 5352 bệnh nhân với hơn 200.000 lượt điều trị. Ngoài việc điều trị, quý sơ còn giúp mua bảo hiểm y tế cho một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
“Qua những việc làm nho nhỏ nêu trên, chị em chúng tôi luôn cố gắng tận tâm phục vụ và nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao. Với sứ vụ chữa lành cho người đau yếu, bệnh tật, chúng tôi mong muốn là những “niềm hy vọng” cho các bệnh nhân nghèo trên đất Củ Chi với phương châm: “trao yêu thương - trao sức khỏe”. Đó là những lời tâm tình đơn sơ của người nữ tu, một gương điển hình của Hội Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây sơ được mời báo cáo điển hình trong Đại hội đại biểu người Công giáo huyện Củ Chi xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 và được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì những đóng góp vào cuộc vận động “Vì người nghèo”.
FX. Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình lần thứ I (23/06/2023)
Nhân lên những tấm gương 'mến Chúa, yêu người' (14/06/2023)
Ban Thường trực UBLLCG toàn quốc quyết định tổ chức Hội nghị mở rộng UBLLCG toàn quốc (02/06/2023)
Có một ngôi nhà mang tên Hướng Thiện (02/06/2023)
Chuẩn bị thành lập tổ chức của phong trào yêu nước trong đồng bào Công giáo (02/06/2023)
Hiệp hành tại Củ Chi hôm nay (18/05/2023)
UBLLCG được đánh giá cao trong nỗ lực dấn thân đồng hành cùng dân tộc (18/05/2023)
Chủ tịch nước gặp mặt 133 tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ (14/05/2023)
Thầy thuốc người Công giáo giàu tình yêu thương và chia sẻ (10/05/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log