Không còn lưu trữ về tiểu sử của Giáo hoàng Clemente. Chỉ biết rõ ngài có quốc tịch Rôma, là nhà trí thức, viết văn hay và cũng là nhà hùng biện. Cha ngài là Plustin, dòng dõi Giacop.
Ngài được sinh tại Rôma và được giáo dục theo tinh thần Do thái giáo. Trong cuốn sách “Chống lạc giáo” của thánh Irene có viết như sau: “Sau khi thành lập Giáo hội, hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đã truyền ngôi Giáo hoàng cho Đức Lino. Đức Anactali kế vị Đức Lino. Sau Đức Alactali là Đức Clemente. Ngài là vị Giáo hoàng thứ ba kể từ các thánh Tông đồ. Đức Clemente được giao tiếp với các Tông đồ, được nghe các Tông đồ giảng dạy và được chứng kiến các công việc các ngài làm”. Ngài lên ngôi Giáo hoàng khoảng năm 88-89 và ở trên ngai khoảng 10 năm dưới thời vua Domitien.
Ngài để lại một số bức thư rất giá trị thể hiện quyền giáo huấn, giảng dạy của Giáo hoàng. Đức Giám mục Denys ở Corintho (170-175) trong một lá thư gửi Đức Giám mục Soler ở Rôma rằng: “Vậy hôm nay, chúng tôi đã cử hành ngày của Chúa và chúng tôi đã đọc thư của ngài. Chúng tôi sẽ giữ mãi nó để đọc hàng ngày như lời cảnh báo, cũng như bức thư thứ nhất mà Clemente đã viết cho chúng tôi”. Như là một chứng nhân, Clemente kể lại chuyện Tông đồ Phêrô chịu tử đạo tại Rôma, chuyện vua Nero bắt bớ các tín hữu Kitô giáo tra tấn làm vui, rồi chuyện tổ chức của Giáo hội, hòa giải giữa các cộng đoàn… Những văn bản này rất có giá trị trong thời Giáo hội sơ khai. Trong một lá thư, ông viết: “Ai mạnh hãy lo cho yếu. Người giàu hãy giúp đỡ người nghèo và người nghèo hãy ca tụng Thiên Chúa vì Ngài muốn giúp cho các nhu cầu của họ. Người không ngoan hãy tỏ ra khôn ngoan không phải chỉ trong lời nói mà cả việc làm. Người khiêm tốn đừng nói gì về mình và đừng tìm cách phô diễn hành động của mình. Người lớn không thể tồn tại mà không có người nhỏ và người nhỏ cũng không thể tồn tại mà không có người lớn. Thân thể không thể bỏ qua sự phục vụ của những chi thể nhỏ hơn”.
Khi vua Trajano nổi tiếng bức hại đạo Công giáo được báo tin rằng, Clemente vẫn là thủ lĩnh của đạo, vẫn hằng ngày giảng dạy và lôi cuốn tín hữu, vua lập tức cho bắt Clemente đày khổ sai. Ngài bị bắt làm ở hầm mỏ bên kia bờ Bắc Hải. Tại đây có hơn 2.000 Kitô hữu cũng phải lao động quần quật trong cảnh bị đói khát nhất là thiếu nước trầm trọng. Một số người đã chết khát. Clemente lên đồi, quỳ xuống cầu nguyện xin Chúa đoái thương những người tù khốn khó. Một con dê nhảy đến trước mặt ông và lấy chân chỉ xuống đất. Ngài lấy cây gậy cắm xuống. Một dòng nước ngọt chảy lên tràn trề. Những người tù khổ sai được tin, vui mừng khôn xiết. Họ đã được cứu sống. Câu chuyện đến tai vua. Vua liền ra lệnh bắt Clemente cột đá vào cổ rồi ném xuống biển. Lạ thay, khi nước rút, người ta tìm thấy xác ngài vẫn đang quỳ xuống đất để cầu nguyện. Nhà thờ mang tên Clemente |
Tại Rôma có một ngôi nhà thờ cổ kính mang tên Clemente. Những năm bách hại đạo, nơi đây trở thành nơi cầu nguyện bí mật của tín hữu. Ngôi nhà thờ cũng bị khám xét và đốt phá nhiều lần. Tuy vậy, đó vẫn là địa điểm họp Công đồng dưới triều Giáo hoàng Zosimus (417) và Synmachus (499). Năm 867, thánh Cyrilo đã cho xây một nhà thờ lớn và đón thi hài Giáo hoàng Clemente từ Bắc Hải về nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ cổ nhất ở Rôma. Đức Hồng y Anastastus đã vận động quyên góp để xây một vương cung thánh đường kính Giáo hoàng Clemen. Nơi này đã là địa điểm bầu Hồng y Rainecius lên ngôi Giáo hoàng lấy hiệu là Paschal II năm 1099. Ngôi nhà thờ này được xây dựng từ năm 1099 đến năm 1120 thì hoàn thành. Trong lòng vương cung thánh đường vẫn chứa ngôi nhà thờ thánh Cyrilo trước đây. Nhà thờ thiết kế như kiểu nhà nguyện của dòng tu. Hai bên có ghế dọc và ở giữa thì không có kê ghế (ảnh dưới). Thời Anh quốc, các tu sĩ dòng Đaminh bị loại ra khỏi vòng pháp luật, Đức Giáo hoàng Urban VIII đã cho họ đến tỵ nạn trong nhà thờ này.
BÍCH HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com