Thánh nữ sinh ngày 25/8/1905 tại Glogowiec, Ba Lan trong một gia đình nông dân có tới 10 người con mà chị là thứ ba.
Thân phụ của chị là ông Stanley Kowaska rất có lòng mộ đạo, sùng mến Thánh Thể và Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ông cũng nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái trong cuộc sống và tuân giữ đức tin. Thân mẫu của chị là bà Mariana, rất cần cù chịu khó lao động và nuôi dưỡng các con. Chị chịu Bí tích Thanh tẩy ngày 27/8/1905 tại nhà thờ Swinice Warckie và được đặt tên là Helen.
Năm lên 7 tuổi, chị nhận được ơn gọi tu trì nhưng song thân chị không ủng hộ vì cho đó là ý nghĩ nông nỏi của trẻ con. Khi 9 tuổi, chị được xưng tội và chịu lễ lần đầu. Chị đã cảm nhận được rõ Thiên Chúa ngự trong tâm hồn mình. Chị đi một mình suy tư trên đường vắng. Thấy vậy, một người hàng xóm bảo: Sao cháu không đi với mọi người cho vui? Chị đáp: Cháu đâu đi một mình, cháu đi cùng Chúa Giêsu. Chi bắt đầu ghi nhật ký. Trang nào cũng có nói về Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Trang 1037 chị viết: “Chúa ngự trong Mình Thánh là cho tất cả chúng tôi. Từ nhà Tạm, tôi kín múc sức mạnh năng lực, can đảm, ánh sáng. Ở đó, tôi tìm đến sự an ủi trong lúc đau khổ. Nếu như không có Thánh Thể, tôi không biết làm gì để tôn vinh Thiên Chúa”. Ngày 30/10/1928, Helen được Đức cha Vincent Tymicanriecki ban Bí tích Thêm sức. Năm 12 tuổi, chị bắt đầu đi học vì trước đó nhà trường bị đóng cửa vì chiến tranh. Chị được vào thẳng lớp 2 vì biết đọc chữ. Chị học rất giỏi nhưng cũng vì vậy, nhà trường đề nghị chị nghỉ học để nhường chỗ cho trẻ khác vì trường không đủ chỗ cho học sinh. Chị về nhà và đi giúp việc cho gia đình khác ở xa nhà để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Năm 18 tuổi, chị ngỏ ý muốn đi vào tu viện nhưng thân phụ chị phản đối vì sợ phải đóng nhiều tiền học phí. Chị bảo: Con đâu cần tiền. Chúa Giêsu sẽ dẫn con vào nhà dòng. Một ngày vui của làng, chị và các em đang ở chỗ hội làng. Chúa hiện ra với chị và nói: Cha còn phải chịu đựng con đến bao giờ? Con còn từ chối Cha đến bao giờ nữa? Chị vội chạy vào nhà thờ cầu nguyện: Lạy Chúa, Người muốn con làm gì đây? Chúa truyền cho chị phải đi trình cha xứ. Cha Giacôbê sẽ chỉ dẫn cho. Chị đi gặp cha xứ trình bày. Ngài gửi chị cho một gia đình đạo đức để cầu nguyện. Sau đó xin vào dòng tu nữ. Nhưng nơi nào cũng từ chối vì thấy chị không có trình độ văn hóa. Tháng 8/1/1924, chị gõ cửa dòng Đức Mẹ nhân lành nhưng cũng bị nhà dòng từ chối. Nghĩ suy một lúc, bà Bề trên bảo chị: Nếu chị xin được chủ nhà đồng ý thì tôi nhận. Chị nghĩ, chủ nhà là Chúa Giêsu nên quỳ ngay xuống cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa có nhận con không? Chị nghe tiếng trả lời: Cha nhận con trong trái tim Cha. Chị thuật lại. Nữ tu Bề trên bảo: Nếu Chúa nhận rồi, thì tôi cũng nhận chị. Chị được ở ngoài 1 năm để thử thách. Ngày 1/8/1925, chị trở thành nữ tu với tên gọi là Faustina. Nhưng ở trong tu viện ít có giờ cầu nguyện trước Thánh Thể mà chị phải dọn vườn, bảo vệ, nấu ăn… chị đã định xin chuyển dòng. Nhưng Chúa hiện ra với vẻ mặt đau khổ, các vết thương rỉ máu. Chị hiểu ý Chúa muốn ở lại để loan báo Lòng Thương Xót của Chúa. Chúa mặc khải với chị nhiều lần và cha giải tội là Joseph Andrasz đã yêu cầu chị viết ra. Chị lo sợ không biết ráp các con chữ làm sao. Nhưng chị đã viết ra 600 trang mà không có lỗi chính tả nào. Cả cuốn sách toát lên thông điệp: Chúa muốn loài người tín thác vào Chúa. Bức ảnh Lòng Thương Xót cũng được vẽ theo mô tả của chị. Chị qua đời ngày 5/10/1938 vì bệnh lao phổi. Đức Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho chị năm 1993 và hiển thánh ngày 30/4/2000. Ngài cũng chính thức lấy chủ nhật thứ 2 Phục sinh là đại lễ kính Lòng Thương Xót. Rất nhiều đền thánh kính Lòng Thương Xót được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới và ở Việt Nam. Đền thánh Bác Trạch (Thái Bình) cũng được rất đông tín hữu về kính viếng (ảnh Trên). BÍCH HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com