Gương điển hình

Thánh Phanxicô Xaviê bổn mạng các xứ truyền giáo

Cập nhật lúc 07:09 19/11/2021
Thứ sáu ngày 3/12 cùng với tín hữu toàn cầu hiệp dâng thánh lễ mừng kính thánh Phanxicô Xaviê - Bổn mạng các xứ Truyền giáo - một nhân vật lịch sử gắn liền với việc truyền bá Tin Mừng, đồng thời đánh dấu 480 năm (1541 - 2021) thánh nhân bước chân xuống tàu khởi hành đi đến vùng đất châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cuộc đời truyền giáo của thánh Phanxicô Xaviê là một cuộc hành trình dài đầy gian nan và thử thách.
 
Năm 1904, Giáo hoàng Piô X đã phong thánh Phanxicô Xaviê làm “Thánh bổn mạng các xứ truyền giáo”. Ảnh: CTV
Năm 1904, Giáo hoàng Piô X đã phong thánh Phanxicô Xaviê làm “Thánh bổn mạng các xứ truyền giáo”. Ảnh: CTV

Phanxicô là tên, còn Xaviê là họ. Ngài sinh ngày 7/4/1506 tại xứ Navarre thuộc giáo phận Pampelun, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc.

Năm 1525, Phanxicô được học Triết và Thần học ở Paris, thủ đô nước Pháp, rồi trở thành giáo sư Đại học tại đó, cùng quen biết với thánh Inhaxiô Loyola (1493 - 1556 ). Trong thời gian này, thánh Inhaxiô đang vận động lập dòng Đức Chúa Giêsu (dòng Tên). Thấy Phanxicô Xaviê (1506 - 1552) hiền lành, có nhiều khả năng, nhưng lại là con người ham mê công danh, tha thiết với chức quyền và vật chất, nên thánh Inhaxiô ngoài việc cầu nguyện ra còn phải ra sức thuyết phục dần dần, sau đó đã chuyển hướng cuộc đời Phanxicô qua câu Kinh Thánh: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?” (Mt 16. 26). Ngày 15/8/1534, Phanxicô và 6 người đầu tiên đã khấn nguyện gia nhập dòng Tên tại Manmartre. Kể từ giờ, Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt thánh nhân, nên vào tháng 6/1537, ngài lãnh chức linh mục tại thành Venice, để rồi trở thành khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo của dòng Tên (S.J.) sau này.

Tháng 3/1540, linh mục trẻ Phanxicô hăng hái nhận lãnh sứ mạng nơi Đức Giáo hoàng Phaolô III, ra đi đem ánh sáng Tin Mừng đến cho dân tộc Ấn Độ, theo lời yêu cầu của vua John III nước Bồ Đào Nha. Khởi sự xuống tàu ngày 7/3/1541 và phải mất 13 tháng lênh đênh trên biển, mãi đến 6/5/1542 mới cập bến thành Goa. Linh mục Phanxicô liền bắt tay vào làm việc, vừa lo học tiếng, vừa làm quen với phong tục tập quán của xứ Ấn Độ. Trong năm tháng đầu tiên, ngài giảng dạy và phục vụ cho bệnh nhân tại các nhà thương. Ngài đi ra phố xá, để quy tụ trẻ em lại dạy dỗ. Tiếp đến, tới nhữnglàng chài lưới xa xôi miệt mài rao truyền Tin Mừng cho dân chúng miền Tây Ấn và nhiều lần tới đảo Ceylon (Sri Lanka) cùng tiếp xúc với cư dân ở Amboyna, Ternate, Baranura và một số đảo nhỏ khác.

Tính đến thời điểm tháng 4/1549, thánh Phanxicô lên thuyền đi Nhật Bản với các bạn đến gần cửa biển Việt Nam (Cochinchina). Nhiều sử gia cho rằng ngài đã ghé Cửa Bạng (Thanh Hóa - Việt Nam).

Sau thời gian hơn 11 năm miệt mài với nhiệm vụ, đã đi hơn 80.000 cây số, đời sống thánh nhân là một cuộc hành trình loan báo Tin Mừng cho lương dân không ngừng. Bước chân ngài len lỏi qua các thành thị sầm uất, cũng như tới vùng nông thôn hẻo lánh xa xôi để rao giảng Phúc Âm từ Ấn Độ qua Malacca (Mã Lai), đến Moluccas (Indonesia), rồi tới Nhật Bản. Các nơi này, số người tin theo Chúa rất nhiều. Riêng tại Ấn Độ, ngài đã đem về hàng trăm ngàn linh hồn, rửa tội cho nhiều bậc quân vương. Dù vậy, thánh nhân luôn ấp ủ một tâm hồn khiêm nhường hiếm có. Ngài thường quỳ gối để viết thư trình bày công việc với thánh Inhaxiô là Bề trên của mình.

Trong thời gian hơn hai năm rưỡi làm việc ở Nhật, ngài đã nghe nhiều về một quốc gia ở phương Đông của Thiên tử, dân số nhiều vô kể, có cánh đồng lương dân bao la, đang chờ đón thợ gặt. Thánh nhân nhất định phải tới hoạt động nơi đây. Với sự giúp đỡ của nhiều tín hữu, nên ngài đã rời thị trấn Goa vào tháng 4/1552, nhờ tàu Bồ Đào Nha đưa đến một đảo nhỏ ở Thượng Xuyên (Sancian) gần bờ biển Trung Quốc. Trong khi đang tìm cách tốt nhất để xâm nhập địa lục, ngài bị bệnh. Và khi con tàu rời bến, bệnh tình càng trở nên trầm trọng hơn. Nhưng ngài vẫn quyết ở lại trên đảo, trong một túp lều nhỏ thô sơ người ta dựng tạm cho. Trong hoàn cảnh tồi tệ đó, ngài đã trút hơi thở cuối cùng.

Chúng ta hãy nghe tu sĩ Antôn, người duy nhất ở lại bên thánh Phanxicô lúc qua đời, kể lại những ngày cuối của ngài trên đảo Thượng Xuyên: “Vào những ngày cuối cùng ấy, cha Phanxicô thổ huyết nhiều đến nỗi ngài không thể nuốt được gì nữa... Nhưng ngài đã chịu đựng tất cả trong sự kiên nhẫn lạ thường. Rồi ngài mất dần sự tỉnh táo và trong cơn mê sảng, ngài thốt lên những lời rời rạc và yếu đuối, nhắc đến công việc truyền giáo. Điều ấy chứng tỏ rằng ngài đang nghĩ đến các anh em ngài trong dòng Chúa Giêsu... Ngước mắt lên trời, và với một tâm tình hết sức vui vẻ, ngài lớn tiếng tâm sự với Chúa chúng ta, bằng tất cả các thứ tiếng mà ngài đã học được. Rồi sau đó, chìm vào thinh lặng trong suốt ba ngày liền, cho đến khoảng trưa ngày thứ năm, ngài không nhận ra được ai nữa và không ăn uống được gì. Nhưng lâu lâu lại thều thào lên tiếng: “Ôi Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót con”. Rồi ngài lại kêu lên: “Lạy Đức Trinh nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, xin nhớ đến con cùng”... Những lời này được nhắc đi nhắc lại trong suốt đêm thứ sáu, cho tới sáng thứ bảy 3/12/1552. Ngài ra đi trong an bình...” mà lòng vẫn còn mơ ước vào Trung Hoa để truyến giáo.

Xác thánh nhân được bỏ vào quan tài đưa về thành Goa (Ấn Độ). Dọc đường, đi qua những nơi đang có dịch bệnh ghê gớm, ngài làm phép lạ và các bệnh nhân liền khỏi. Thi hài được kính trọng lưu giữ tại Goa trong ngôi thánh đường xưa kia thuộc dòng Tên. Đến năm 1614, theo lệnh của linh mục Claudius Acquaviva, Bề trên Tổng quyền, đã lấy cánh tay phải của thánh nhân, được tháo tới khuỷu tay và mang về Rôma, đặt ở một bàn thờ trong thánh đường Chúa Giêsu của dòng Tên.

Đúng 70 năm sau, vào năm 1622, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV đã tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh cùng với thánh Inhaxiô. Cách riêng, năm 1904, Đức Giáo hoàng Piô X đặt thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy các xứ Truyền giáo của Giáo hội hoàn vũ.

Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Bác sĩ trẻ học tập và làm theo lời bác (18/11/2021)
Thánh Giôsaphát, Giám mục tử đạo (17/11/2021)
Tình người trong dịch bệnh (16/11/2021)
Chuyện thôn giáo Bình Yên làm theo lời Bác (14/11/2021)
Người giáo dân có đôi tay kì diệu (13/11/2021)
Người mẹ của trẻ em bị lãng quên ở Honduras (12/11/2021)
Giáo dân ở Cam Lâm làm tốt mô hình về an ninh trật tự (11/11/2021)
Ba nữ anh hùng và ba nhà thơ lớn (10/11/2021)
Cơm không đồng nhưng đầy tình yêu thương tại nhà thờ Kinh Long Hội (03/11/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log