Phóng viên: Thưa linh mục, người Công giáo và đồng bào cả nước đang đón chờ năm mới Tân Mão. Nhìn lại một năm qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã để lại những dấu ấn quan trọng nào?
Linh mục Pet. Nguyễn Công Danh: Trước hết đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, Năm Thánh 2010 được khai mạc trọng thể tại giáo xứ Sở Kiện thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội ngày 24/11/2009. Tiếp theo là Đại hội Dân Chúa diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh từ ngày 21- 25/11/2010 và kết thúc bằng Đại lễ bế mạc Năm Thánh tại linh địa La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế từ ngày 4- 6/1/2011. Theo tôi, đỉnh cao Năm Thánh 2010 là Đại hội Dân Chúa, qua Đại hội Dân Chúa, một Sứ điệp của Đại hội đã được gửi đến cộng đồng Dân Chúa.
Ảnh: T L
Năm 2010 cũng là dịp kỷ niệm 30 năm Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, là những tư tưởng lớn, những giáo huấn mang tính chủ đạo, hướng dẫn các thành phần Dân Chúa chọn lựa một đường lối sống dấn thân và phục vụ tha nhân ngay trong lòng dân tộc Việt Nam. Đồng thời năm 2010 cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức cố Tổng Giám mục Phao lô Nguyễn Văn Bình- vị Tổng Giám mục đầu tiên của Tổng Giáo phận Sài Gòn- Tp Hồ Chí Minh, ngài đã có những đóng góp quan trọng đối với Thư chung 1980.
Đối với Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trong năm 2010 đã có những hoạt động quan trọng sau:
Hội nghị thi đua Toàn quốc biểu dương gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong đồng bào Công giáo, tổ chức tại Hà Nội ngày 4/11/2010. Có gần 400 đại biểu là những cá nhân Công giáo điển hình tiên tiến, xuất sắc từ khắp miền đất nước cùng về tham dự hội nghị. Tại hội nghị, có 4 linh mục được trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 2 tập thể và 3 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 22 tập thể và 33 cá nhân được tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 46 tập thể và 46 cá nhân được tặng Bằng khen của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Nhân dịp này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng tổ chức lễ ra mắt “Quỹ vì trẻ em khuyết tật”. Quỹ được thành lập theo Quyết định số 1074/QĐ- BNV ngày 16/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật.
Ảnh: An Luých
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam còn phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Tọa đàm khoa học về 30 năm Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Cuộc tọa đàm đã tiếp tục khẳng định, Thư chung 1980 là thông điệp quan trọng không chỉ với Giáo hội mà còn có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn, đặc biệt đã tháo gỡ cho người Công giáo không còn phải băn khoăn khi phải lựa chọn giữa bổn phận người tín hữu và nghĩa vụ công dân. Đối với phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam thì Thư chung 1980 chính là cẩm nang cho các hành xử Đạo và Đời. Đây chính là những chỉ dẫn mục vụ sáng suốt để người Công giáo vượt qua nhiều khó khăn, thử thách hòa mình cùng dân tộc và đạt được những thành quả to lớn như hôm nay.
Phóng viên: Đại hội Dân Chúa đã xác tín rằng “Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình… Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa, xã hội cũng như kinh tế chính trị”. Xin linh mục cho biết ý nghĩa nổi bật của Sứ điệp Đại hội Dân Chúa và mối liên hệ với Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam?
Linh mục Pet. Nguyễn Công Danh: Theo tôi, Sứ điệp Đại hội Dân Chúa có mấy điểm nhấn sau:
Sứ điệp mời gọi người tín hữu “phải đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam” (Sứ điệp số 3).
Đại hội cũng xác tín rằng “để thực sự là Hội Thánh của Chúa Kitô Nhập thể và Nhập thế, Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Trong hơn 4 thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Hội Thánh đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước” (Sứ điệp số 4).
Về mối liên hệ giữa Sứ điệp Đại hội Dân Chúa và Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, với nội dung số 3 và số 4 của Sứ điệp vừa trích dẫn trên đây là một cách diễn nghĩa và triển khai cụ thể hơn nội dung các số 8, 9 và 10 phần B Thư chung 1980, phần nói về Hội Thánh trong lòng dân tộc:
Số 8: Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô
Số 9: Gắn bó với dân tộc và đất nước
Số 10: Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
Phóng viên: Đất nước ta đang đổi thay nhanh chóng trong một thế giới cũng không ngừng biến chuyển. Định hướng của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đối với phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
Linh mục Pet. Nguyễn Công Danh: Qua Hội nghị thi đua Toàn quốc biểu dương gương điển hình, tiên tiến trong đồng bào Công giáo chúng ta thấy toàn cảnh một bức tranh muôn hình muôn vẻ, với sự có mặt của các thành phần trong giới Công giáo: Linh mục, nữ tu, giáo dân, người cao tuổi, người trẻ tuổi, doanh nhân, nông dân…với nhiều cách thể hiện đa dạng và phong phú, những việc làm của họ rất thầm lặng nhưng đó là những hành động để đất nước này, dân tộc này ngày càng đẹp hơn, nhân bản hơn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng phát biểu tại hội nghị: “Chúng ta thực sự vui mừng cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện, bộ mặt xứ đạo ngày càng khang trang, đồng bào ngày càng phấn khởi, yên tâm giữ đạo và chu toàn bổn phận công dân; khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào Công giáo với các tầng lớp nhân dân khác được củng cố và tăng cường”.
Từ những thành quả và lời động viên quý báu trên, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thành quả, thế mạnh đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục vận dụng những sáng kiến trong công tác vận động đồng bào Công giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và kịp thời biểu dương những gương sáng tiêu biểu để nhân rộng mô hình tại các địa phương và rút kinh nghiệm thực tế. Như vậy, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước sẽ thiết thực và chất lượng hơn.
Phóng viên: Suy nghĩ của linh mục về quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam- Tòa thánh Vatican trong những năm từ 2007 tới nay, những tác động của quan hệ đó?
Linh mục Pet. Nguyễn Công Danh: Từ đầu năm 2007 đến nay, mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican đang có bước phát triển mới tốt đẹp hơn, thể hiện qua các cuộc gặp trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đức Thánh cha Benedict XVI tại Vatican hồi tháng 1/2007, giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đức Thánh cha Benedict XVI tại Vatican hồi tháng 12/2009.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đức Giáo hoàng Benedict XVI.
Ảnh: Tư liệu
Đặc biệt, tại cuộc họp thứ 2 của Nhóm làm việc hỗn hợp Việt Nam- Tòa thánh Vatican từ ngày 23- 24/6/ 2010, Việt Nam đã nhắc lại chính sách trước sau như một về việc tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng cũng như các quy định pháp lý bảo đảm cho việc thực thi quyền tự do này. Phái đoàn Tòa thánh cũng nhắc lại rằng, Giáo hội qua các giáo huấn mời gọi các tín hữu trở thành những công dân tốt và hoạt động cho công ích của nhân dân. Hai bên đã thỏa thuận bước đầu rằng, Đức Thánh cha sẽ bổ nhiệm một vị đại diện không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam. Thực hiện thỏa thuận đó, Đức Thánh cha vừa bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện Tòa thánh không thường trú đầu tiên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Sứ điệp Đại hội Dân Chúa mới đây cũng nhắc lại huấn từ của Đức Thánh cha với Hội đồng Giám mục Việt Nam rằng: …“Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Theo tôi, đây là những điều kiện thuận lợi tác động tích cực tới đời sống đạo của người Công giáo Việt Nam, tiếp tục dấn thân phục vụ đất nước và phục vụ Giáo hội.
Phóng viên: Nhân dịp Tết Tân Mão, linh mục có tâm tình gửi tới đồng bào Công giáo cả nước?
Linh mục Pet. Nguyễn Công Danh: Trong bầu không khí đầm ấm, linh thiêng của thời điểm chuyển giao thời gian năm mới và năm cũ, theo truyền thống văn hóa, tôn giáo, dân gian, chúng ta dành những khoảnh khắc linh thiêng này để tri ân cảm tạ “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đối với Thiên Chúa, các bậc tiền nhân, ông bà, cha mẹ với niềm biết ơn vô hạn. Tiếp đến là lời cầu chúc tràn đầy ý nghĩa của chúng ta dành cho nhau, tay trong tay, đoàn kết yêu thương, xứng đáng là con- dân đất nước của dòng máu Lạc Hồng, những người con trong cùng một bọc Mẹ Việt Nam mà chúng ta vẫn quen gọi nhau là đồng bào, trong đó có người Công giáo Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn linh mục!
An Luých (thực hiện)