Gương điển hình

Nơi trú ngụ của những “thiên thần” bất hạnh

Cập nhật lúc 01:26 10/12/2010

Những sinh linh bé nhỏ

Hồng Ngọc cứ khua tay lia lịa, cái đầu lắc mạnh, đôi mắt nhắm tịt mỗi khi có người hỏi chuyện. Em không nói được, mặt em bị méo vẹo, tay chân teo tóp… Năm nay Hồng Ngọc đã 11 tuổi mà chỉ nặng chừng 9 cân. Em bị bố mẹ bỏ rơi, một người lạ đã đưa em đến Cô nhi viện Thánh An. Khi vào đây, em đã bị mù bẩm sinh nhưng rất hiếu động và thích bắt chuyện dù ngôn ngữ của em chỉ là gật đầu, lắc đầu, khi không đồng ý thì khua tay lia lịa rồi úp mặt vào bờ vai chị thiện nguyện. Hòan cảnh của bé Bích Loan lại thương cảm hơn, mới chào đời em đã bị ai đó chắc là người mẹ lạnh lùng bọc trong một chiếc túi nilon đặt gần cổng nhà thờ, đó là vào một ngày giáp tết Nguyên Đán. Khi được các nữ tu đưa vào Cô nhi viện Thánh An, cơ thể em bị thâm tím vì lạnh. Chị Hiên làm thiện nguyện ở Cô nhi viện cho biết, các em vào đây đều có hoàn cảnh thương tâm, có em được đón nhận kịp thời, có em chỉ bé như cái chai bị đựng trong bao tải bỏ giữa trời, khi chi em thiện nguyện phát hiện thì đã chết vì lạnh, vì đói, vì ngạt thở… 15 năm trước, có trường hợp người phụ nữ bị ảnh hưởng chất độc màu da cam sinh lần lượt 03 đứa con nhưng cả 3 đều có hình dạng kỳ dị, người lạ mới nhìn cũng thấy sợ. Người phụ nữ đó không thể nuôi chúng nên đã cho 3 đứa con vào cũi đưa đến cậy nhờ Cô nhi viện.

Hồng Ngọc trong vòng tay bà Cúc. Ảnh: An Luých

Ở Cô nhi viện có biết bao nhiêu em sống lay lắt với các căn bệnh bẩm sinh, phải nằm liệt giường quanh năm suốt tháng, thỉnh thoảng có em gắng gượng gào lên như u uất, có em chỉ ú ớ chỉ trỏ vì không có khả năng giao tiếp bằng lời. Những nét mặt ngáo ngơ vô hồn của những em mắc bệnh đao bẩm sinh, những tiếng đập dường rầm rầm của những em bị bệnh thần kinh... Đó là hình ảnh sự sống ở Cô nhi viện Thánh An, ấy vậy mà các chị thiện nguyện hàng ngày vẫn gắn bó yêu thương chăm sóc các em nhưng khi được hỏi về đồng tiền lương, các chị cho biết, nếu làm để lấy lương thì chúng tôi đã chẳng ở đây. Chúng tôi làm việc bác ái thì đâu có tính công. Chị Tươi chăm sóc các em ở Cô nhi viện Thánh An gần 10 năm nay nhớ lại câu chuyện của bé Quyên: "Vào một ngày cuối tuần mùa đông, như thường lệ, giờ cầu nguyện ở nhà thờ kết thúc, mọi người đã ra về hết nhưng có một em nhỏ khoảng 8 tuổi bị mù vẫn đứng ở cửa nhà thờ. Mọi người hỏi mãi chỉ biết em nhỏ tên là Quyên. Mãi sau này khi đã chắc chắn mình không bị bỏ rơi, Quyên mới dám kể, mẹ mới mất còn lại hai cha con đều hỏng mắt, nhà nghèo. Không nuôi được con, cha đưa em đến nhà thờ và dặn, ai hỏi cũng không được nói là có cha thì mới được nuôi ăn".

Nhắc đến cơ duyên gắn bó với Cô nhi viện, chị Tươi cho biết: "Trong lần đi cùng Đoàn Thanh niên đến thăm Cô nhi viện, tôi đã rất xúc động và không thể quên hình ảnh những em nhỏ khuyết tật nhưng vô cùng đáng yêu này. Ngay khi gặp các em, tôi như cảm thấy số phận mình sẽ gắn bó với nơi đây". Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị Tươi đến Cô nhi viện Thánh An tình nguyện chăm sóc các em nhỏ. Từ hồi đó đó đến nay cũng đã chục năm trời. Bà Trần Thị Cúc gắn bó với em trong hoàn cảnh đặc biệt hơn, bà được Cô nhi viện đưa về nuôi từ thủa lọt lòng, 60 năm nay gắn bó với Cô nhi viện Thánh An, biết bao đứa trẻ khuyết tật được bà chăm bẵm, nhưng đôi tay bà cũng an táng cho bao em nhỏ bị bỏ rơi đã chết vì quá yếu. Bà Cúc hi vọng một ngày những đứa trẻ bà đang chăm nuôi sẽ được cha mẹ chúng tìm lại. Bà ngậm ngùi: Như tôi năm nay 60 tuổi mà chẳng biết quê mình ở đâu, ai sinh ra mình? Có cháu ở Cô nhi viện hỏi tôi: Dì có mẹ không? Có cháu nghe người này người khác kể chuyện về quê, cũng bắt chước rủ tôi về quê nhưng hỏi quê cháu ở đâu thì…

Nỗi lòng người cha chung

Cô nhi viện Thánh An đang nuôi dưỡng hơn 100 người gồm người già yếu lớn lên từ Cô nhi viện, 90 em nhỏ trong đó quá nửa các em bị bại liệt, thần kinh, bị đao bẩm sinh và các dạng khuyết tật khác, còn lại các em đang đi học từ tiểu học tới trung học phổ thông hoặc đang được các cho tập nghề. Các em đến Cô nhi viện Thánh An với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi. Có ngày, Cô nhi viện nhận tới 3 trẻ sơ sinh, đứa thì bị bỏ ở bờ sông, đứa ở cửa nhà thờ… Với từng ấy các em, nhưng chỉ có 30 chị thiện nguyện vừa chăm các em vừa đảm nhiệm công việc cấy lúa, chăn nuôi lợn, gà, dệt chiếu để có lương thực, thực phẩm nuôi các em. Cô nhi viện có tất cả 8 phòng được chia theo từng nhà riêng biệt. Có nhà dành cho những em bình thường không khuyết tật, nhà dành cho trẻ tâm thần, bại não, thiểu năng trí tuệ và phòng cho trẻ khuyết tật chân tay, sứt môi…

Linh mục Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Cô nhi viện Thánh An, người cha chung của các em cho biết, Cô nhi viện thành lập từ năm 1852, với mục đích nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật bị bỏ rơi từ 12 tuổi trở xuống, có thời điểm Cô nhi viện nuôi dưỡng tới 2000 em. Trải qua nhiều biến cố, vượt qua bao khó khăn Cô nhi viện Thánh An tiếp tục duy trì cho tới ngày nay, phần chính là nhờ sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm gần xa. Để chi phí cho hơn 100 người ăn hàng ngày, Cô nhi viện phải chi tối thiểu 5 triệu đồng cho nhà bếp đi chợ (bình quân riêng tiền ăn mỗi tháng hết 15 triệu, mỗi năm hết 180 triệu), chưa kể nhiều thứ chi tiêu khác.

Linh mục Oanh- người cha chung của các em mồ côi, khuyết tật

ở Cô nhi viện Thánh An. Ảnh: An Luých

Linh mục Oanh kể, có một cô bé mồ côi sống tại Cô nhi viện Thánh An rất ham học nhưng không có giấy khai sinh nên em chỉ đứng ngoài lớp nghe lỏm rồi về tự mày mò nhờ các sơ dạy viết chữ. Cảm động trước sự hiếu học của cô bé, các sơ đã giúp em mượn khai sinh của một người đã chết để đi học. Đáng tiếc là "kế sách" đó đã gây ra một vài rắc rối. Nhưng do sự cố gắng của Cô nhi viện và chính quyền địa phương, mọi chuyện đã được ổn thỏa. Linh mục cho biết thêm, trước đây, do các em là trẻ mồ côi không cha mẹ lại từ khắp các nơi đưa về nên việc cấp giấy khai sinh cho các em gặp không ít khó khăn. Năm 1993, linh mục đã thuyết phục chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em được đến trường. Kết quả, cùng lúc 45 em được hưởng niềm vui đến lớp. Các em được miễn học phí.

Cha Oanh đã tận tâm, cùng những người thiện nguyện cố gắng nuôi dưỡng các em, nhưng rồi đây các em sẽ đi đâu về đâu, sẽ làm gì để nuôi sống bản thân, để lập nghiệp? Các em mồ côi từ nhỏ, không quê quán, nhiều em lại khuyết tật, không còn khả năng lao động, ruộng đất không có, vốn liếng cũng không… Nỗi lòng này cha Oanh đã dãi bày với các cấp chính quyền và với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong dịp bà về thăm và chúc mừng Giáng sinh Cô nhi viện năm 2009. Trong lúc còn muôn vàn khó khăn, nhiều âu lo, cha tha thiết kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ vật chất, tinh thần để góp phần cùng Cô nhi viện giúp các em vơi đi những bất hạnh mà vui đón Giáng sinh và năm mới với những ấm áp thương yêu và chia sẻ. 

Bài, ảnh: An Luých
Thông tin khác:
MỘT NÔNG DÂN CÔNG GIÁO SÁNG CHẾ MÁY PHÁT ĐIỆN (06/12/2010)
Trở về Ba Làng (30/11/2010)
Giáo dân Vinh Kim tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội (25/11/2010)
QUÉT RÁC KHÔNG CHỈ LÀM ĐẸP CHO ĐỜI… (19/11/2010)
NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP CỦA NỮ DOANH NHÂN CÔNG GIÁO (12/11/2010)
Có một người Công an viên Công giáo như thế (08/11/2010)
Vừa là giáo dân tốt, vừa là nhà doanh nghiệp thành đạt (24/10/2010)
Linh mục Viễn và mái ấm cho cha mẹ già bị bỏ rơi (23/10/2010)
Người công giáo Sơn Giang ( Hương Sơn) đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng quê hương (13/10/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log