Nằm cạnh bờ biển xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), Ba Làng gồm các họ lẻ: Sung Mãn, Sung Thượng, Ngoại Hải và Như Xuân. Giáo dân đều sinh sống tập trung ở những ngôi làng nhỏ, trong phạm vi chừng 03 cây số ven biển, quanh năm nghe tiếng sóng. Các nhà thờ họ chỉ cách nhau dăm phút đi bộ, trong đó có nhà thờ xây dựng từ thế kỷ 19.
Tìm về với những giá trị độc đáo của Ba Làng, có nhiều tài liệu cho thấy, núi Do Xuyên nằm cách nhà thờ Ba Làng vài cây số là nơi giáo sỹ Bồ Đào Nha đặt chân đến Việt Nam lần đầu. Dọc đường biển về phía Nam chừng 10 cây số là nơi vua An Dương Vương dừng ngựa chém công chúa Mỵ Châu, do vậy người dân kể rằng, vùng biển này ngọc trai rất nhiều và đẹp nên có tên gọi là vùng Lạch Bạng (Bạng nghĩa là trai ngọc)…Theo sử liệu Công giáo, vào năm 1627, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và cha Marquez trên đường giảng đạo đã đặt chân lên Cửa Bạng thuộc làng Do Xuyên, nay thuộc xã Hải Thanh. Sau 2 tháng giảng đạo, các cha đã rửa tội được 32 người. Từ số giáo dân ít ỏi đó, đến nay Ba Làng đã trở thành xứ đạo trưởng thành về quy mô, nền nếp, về cuộc sống đạo- đời với số giáo dân lên tới hơn 7800 người chiếm gần 50% dân số của xã Hải Thanh. Giáo xứ không chỉ duy trì mà ngày càng sốt sáng với những sinh hoạt Công giáo truyền thống như ngắm Mùa Chay, thi kinh bổn dịp Mùa Chay, kiệu tháng hoa Đức Mẹ, kiệu kính thánh Giuse…
Vào ngày 30 tháng 5 hàng năm, giáo xứ tổ chức rước kiệu kết thúc tháng hoa Đức Mẹ. Bốn nhà thờ nằm dọc ven biển đồng loạt đổ chuông, các đội trống khởi âm, bắt đầu cung nghinh kiệu Đức Mẹ theo con đường ven biển hướng về nhà thờ Ba Làng. Đi đầu là cờ Hội Thánh, tiếp đến là Thánh giá nến cao, đội trống… Kiệu Đức Mẹ đặt trên vai các cô gái thướt tha trong tà áo dài, nhẹ nhàng tiến vào trung tâm sân nhà thờ. Dàn kèn đồng vang những bản nhạc ngợi ca Thiên Chúa, ngợi ca mẹ Maria. Các giáo họ cùng chung một điệu trống, chung một lời kinh, tiếng hát… Không gian như đắm trong văn hóa Ki tô giáo, lòng người thêm sốt sáng mà quyên đi những đua chen thường nhật.
Kết thúc cuộc rước kiệu là những vãn hoa của gần 1000 con hoa. Cả sân nhà thờ như một vườn hoa đẹp rực rỡ sắc màu. Các em thiếu nhi tâm hồn trong trắng dâng lời ca, đóa hoa; các hiền mẫu trong tà áo dài, uyển chuyển trong điệu hoa đã đánh thức những mỹ cảm sâu kín trong tâm hồn giáo hữu để họ tiếp tục sống đức tin trên hành trình đời sống xã hội sao cho vẹn toàn cả đạo- đời.
Tác giả tại nhà thờ Ba Làng- Gp Thanh Hóa
Sau ngày rước kiệu sốt sáng đó, mỗi người trở về với cuộc sống lao động thường nhật với ý thức sâu sắc về bổn phận người giáo dân và trách nhiệm công dân như Giáo hoàng Benedict XVI đã nhắn nhủ: Người giáo dân tốt cũng phải là người công dân tốt. Lời nhắn nhủ của Giáo hoàng cùng với sự tương đồng giữa đạo đức Ki tô giáo với văn hóa dân tộc đã thêm phần để giáo dân Ba Làng “sống tốt đời đẹp đạo” hơn. Mười năm qua, Ba Làng không có người nào vi phạm pháp luật, cũng không xảy ra trộm cắp, tệ nạn xã hội không còn cơ hội xâm nhập vào đời sống khu dân cư. An ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm, tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết, chính quyền chẳng phải bận tâm giải quyết khiếu kiện, khiếu nại.
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng họ đạo tiên tiến, gia đình văn hóa”, đám cưới, đám ma ở Ba Làng tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, trật tự... Giáo dân còn hình thành những tục lệ nhân văn sâu sắc như góp tiền để làm quà tặng người già, người nghèo, người ốm đau bệnh tật hoặc cứu trợ đồng bào bị thiên tai... Các gia đình, giáo họ và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con em, coi tri thức là chìa khóa để mở cánh cửa hướng tới tương lai. Các quỹ khuyến học khuyến tài ra đời và hoạt động hiệu quả. Các trường học trên địa bàn xã, từ mầm non đến trung học cơ sở đều đã xây dựng khang trang. Năm học 2005, Ba Làng có 18 người đỗ đại học và cao đẳng. Các năm sau, đều có nhiều em thi đỗ đại học, cao đẳng.
Ông Nguyễn Văn Lệ, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ cho biết, cha xứ rất quan tâm động viên, tạo điều kiện cho các em học hành. Bộ mặt kinh tế của ở Ba Làng đã khá giả, nhiều hộ giàu nên cũng có thêm điều kiện cho văn hóa, giáo dục phát triển. Nhiều công ty, xưởng sản xuất của người Công giáo đang góp phần làm giàu cho quê hương, xứ đạo như Công ty TNHH Châu Tuấn của vợ chồng anh Tuấn- chị Châu; Công ty TNHH Tuyến Hòa của gia đình anh Tuyến; xưởng sửa chữa tàu, thuyền của ông Nguyễn Thanh Châu… Có hàng chục công ty của người Công giáo chuyên sản xuất nước mắm, chế biến thủy, hải sản quy mô lớn. Khai thác, chế biển thủy, hải sản là thế mạnh nhiều tiềm năng ở xã Hải Thanh (chiếm tới 80% tỷ trọng kinh tế).
“Năng động trong cơ chế thị trường cùng với niềm tin Kitô giáo trong tình đoàn kết yêu thương và chia sẻ của người Công giáo đang góp phần quan trọng vào sự bình an, hạnh phúc của mỗi gia đình và làm giàu đẹp cho quê hương, xứ đạo”. Đó là nhận xét chung của ông Nguyễn Văn Lệ- Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Ba Làng và ông Đặng Song Chào- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hải Thanh.