Nội dung bài viết này tôi dành trọn tình cảm để viết về tấm gương thầy giáo Trần Văn Tuấn (Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định), nhưng thiết tưởng cũng xin kể đến một câu chuyện có mối liên hệ. Năm ngoái, cũng vào dịp này, dịp mà giáo hội Công giáo kỉ niệm nhiều ngày lễ trọng, cách riêng, có ngày kính Thánh Gio an Vianney cha sở họ Ars, ở một giáo xứ bé nhỏ, ít giáo dân thuộc miền Dombes nước Pháp, tấm lòng Ngài đơn sơ nhưng đã nên Thánh, Đức Thánh Cha đã dành nhiều mỹ từ mời gọi các linh mục noi gương Ngài... Vào dịp ấy, tôi bỗng nhận được một cuộc điện thoại của người bạn đồng ngũ đã gần hai mươi năm, từ ngày cậu ấy ra quân, chúng tôi không liên lạc với nhau. Nội dung cậu ấy mời về dự chầu Thánh Thể giáo xứ Lác Môn (Bùi Chu), nơi sinh ra cậu ấy và còn là nơi có địa danh Dâu Bảy, được xem là nơi các thừa sai Phương Tây truyền đạo đầu tiên trên đất nước ta; cái mà cậu ấy nhấn mạnh, thúc dục, hấp dẫn, gây trí tò mò với nghiệp làm báo chúng tôi là tin “Phép lạ”, xương Thánh tử đạo chôn nhiều năm nay cải lên máu vẫn còn đỏ tươi. Thật lạ lùng!
Câu chuyện nghe thiêng liêng, hấp dẫn như vậy không có cớ gì để tôi từ chối... Khi về với giáo xứ Lác Môn, tôi được đắm mình chiêm ngắm ngôi thánh đường mới được chỉnh trang, soi bóng xuống hồ nước thật nên thơ; và đoàn đoàn các giáo dân không chỉ trong giáo phận Bùi Chu mà còn ở rất nhiều nơi đổ về bởi thông tin như kể trên. Con đường liên xã Trục Hùng chỗ nào cũng đông nghịt và quá tải, các dịch vụ như ảnh, phim các thánh bày bán la liệt. Cũng rất vất vả rồi tôi cũng vào được đến gian Cung Thánh đề chiêm ngắm xương các thánh thế nào. Khi tận mắt chứng kiến xương Thánh qua quan tài kính thì quả thực có màu đỏ sẫm, nhưng với tôi thì không thể chắc kia là máu Ngài (Thánh Đỗ Tựu, người con quê hương) vì tôi không có chuyên môn pháp y để kết luận, chỉ xác tín, thành kính kia là xương thánh đã ngã xuống vì giáo hội mà thôi... Tôi tìm gặp một người có trách nhiệm đứng đầu tại địa phương, vị ấy can “Ông chớ viết gì vội nhé, câu chuyện chưa ngã ngũ, thời gian sẽ trả lời”. Vâng, tôi hiểu ý vị ấy, đặc biệt nghề báo đã giúp tôi đi cũng nhiều, nghe cũng lắm... thấy quá có nhiều nơi nói về phép lạ. Xin thưa, phép lạ là dấu chỉ thiêng liêng đâu có đơn giản nay hiện ra ở nơi này, mai nơi kia. Chuyện người đứng đầu địa phương đã “can” chớ viết gì vội, để thời gian sẽ chứng minh và trả lời tới giờ này càng tỏ ra có cơ sở. Đúng là sau một năm ồn ã, và cả tin tức “bắn” lên trên internet, đến giờ này đã cơ bản trả lời rằng không, nếu có các cơ quan hữu trách của giáo hội đã phải vào cuộc làm việc nhiệt thành theo trách phận của mình.

Giáo viên Tuấn nhận danh hiệu biểu dương
Thưa bạn đọc, vào đề như kể trên có vẻ hơi dài dòng phải không, giờ xin nói đôi điều về thầy giáo Đa Minh Tuấn luôn nhiệt tâm với công tác giảng dạy.
Tuấn sinh năm 1979 tại giáo xứ Lác Môn, giáo xứ có sự kiện vừa kể trên, lớn lên học tại trường làng, Tuấn chăm chỉ cố gắng tất cả các mặt; nay nhớ lại, nhiều người còn kể, chuyện kinh sách ngắm nguyện Tuấn luôn sốt sắng, nhưng không phải vì thế mà Tuấn sao nhãng việc học hành, kể cả ngày hè Tuấn dành thời thời gian đi lễ, nghe giảng bao nhiêu thì đêm về Tuấn bật đèn làm bạn cùng sách... Qua ba cấp học phổ thông, Tuấn luôn được các thầy cô và bạn bè quý mến vì đức tính siêng năng, khiêm tốn. Kết thúc ba khóa học Tuấn đỗ vào đại học chuyên ngành ngữ văn. Việc Tuấn đỗ đại học ở một cùng quê Công giáo Lác Môn là rất hiếm hoi, nhưng chẳng khiến ai nấy làm lạ là vì ai cũng biết rằng Tuấn đã có quá nhiều cố gắng ngay từ khi còn là học sinh cấp một, tuy không ngạc nhiên nhưng ai cũng mừng rỡ vì số con em trong xã, đặc biệt trong xứ đỗ vào đại học chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Sau khóa học, một vài nơi vẫy gọi, mời Tuấn về làm việc, song Tuấn đã từ chối và làm theo đúng lời hứa ban đầu với lòng mình “trở thành nhà giáo và về dạy lại con em vùng giáo quê mình”. Tuấn cầm tấm bằng cử nhân ngữ văn gõ cửa phòng giáo dục huyện, ngay từ lời chào ban đầu, từ lãnh đạo phòng, các thầy cô quản lý Trường THPT Trực Ninh B đã mê ngay cậu “nho sinh” vừa mới ra trường. Và kể từ đó (năm 2003 ) đến nay, cậu “nho sinh” đã là thầy giáo yêu nghề, yêu học trò tha thiết. Tiền nhân đã dậy có trí thì nên, vừa mới về trường ngay năm học đầu, năm học 2002-2003, thầy Tuấn đã đạt danh hiệu “Lao động giỏi” do Sở GD ĐT Nam Định cấp; năm học 2003-2004, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” do Sở GD ĐT Nam Định cấp; năm học 2004-2005, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” do Sở GD ĐT Nam Định cấp và giấy khen của tỉnh Đoàn Nam Định là “Cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên”, rồi giáo viên giỏi cấp tỉnh do Sở GD ĐT Nam Định cấp. Năm học 2005-2006, lại đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” do Sở GD ĐT Nam Định cấp, giấy khen của tỉnh Đoàn Nam Định “Cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên”. Năm học 2006-2007, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” do Sở GD ĐT Nam Định cấp, giấy khen của Sở GD ĐT Nam Định “Có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện đổi mới GDPT và GD Mầm non trong 5 năm 2002-2007”, giấy khen của tỉnh Đoàn Nam Định “Cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên”. Năm học 2007-2008, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” do Sở GD ĐT Nam Định cấp, bằng khen của TW Đoàn “Cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên” và giải nhì hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh huyên Trực Ninh, giải khuyến khích hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định. Năm học 2008-2009, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” do Sở GD ĐT Nam Định cấp, giấy khen của tỉnh Đoàn Nam Định “Cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên”...
Thầy giáo Đa minh Tuấn là một thầy giáo trẻ, có năng lực tâm huyết với nghề, không ngừng học hỏi, tích luỹ tri thức, kinh nghiệm chuyên môn, trau dồi vốn sống, kĩ năng sống... là tấm gương cho thế hẹ trẻ vùng giáo noi theo.