Gương điển hình

Cuộc sống của người Công giáo miền xuôi lên Bảo Thắng (Lào Cai)

Cập nhật lúc 15:23 21/08/2010

 

Là người lâu năm làm công tác mặt trận, vừa nghỉ hưu nhưng vẫn say mê công việc nên ông Mẫn rất thông thạo địa bàn và gần gũi với người dân Bảo Thắng. Ông đưa tôi tới thôn Làng Chưng, (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng), nơi sinh sống của 27 hộ theo đạo Công giáo, trong đó có gia đình ông Nguyễn Xuân Hiền mà chúng tôi đến thăm. Gặp lại người cán bộ vừa tận tụy vừa thân thiện, lại biết tôi cũng là người đồng hương, đồng đạo ở tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), anh Hiền vui vẻ tiếp chuyện. Anh kể: hồi những năm 70 của thế kỷ trước, gia đình tôi và nhiều người khác theo chính sách đi xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng, Nhà nước đã rời quê hương Hà Nam Ninh lên Làng Chưng này sinh sống, lập nghiệp. Trong khoảng chục năm đầu, đời sống khó khăn lắm, giao thông đi lại bất tiện, nhiều gia đình chỉ quanh quẩn mãi trong chuyện lo cơm no, áo ấm thế nhưng vẫn còn giữ được đạo, dù có lúc đức tin bị mai một. Ngày nay với cơ chế thị trường, sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương, cuộc sống kinh tế đã khấm khá nhiều, đời sống đạo cũng thể hiện sinh động hơn. Anh cho biết, với mô hình phát triển kinh tế VACR (vườn- ao- chuồng- rừng), các gia đình ở Làng Chưng đều có đồi quế vài chục năm tuổi, hệ thống ao, chuồng trại chăn nuôi quy mô. Nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả, làm được nhà kiên cố, sắm được xe máy, điện thoại, con cái học hành tiến tới là nhờ phát triển mô hình VACR...
 
Với bàn tay siêng năng và những tính toán năng động trong cơ chế kinh tế thị trường, các gia đình Công giáo đã góp phần quan trọng cùng nhân dân địa phương nhanh chóng đưa Làng Chưng thành vùng quê trù phú và thanh bình. Làng Chưng đã xây dựng được hương ước, quy ước và từ khi thực hiện hương ước, quy ước các hủ tục đã dần bị loại bỏ khỏi đời sống thôn bản, các đám hiếu hỉ tổ chức văn minh, gọn nhẹ hơn và có sự chia sẻ, chung vui của cả người lương và người giáo. Năm 2009, Làng Chưng được xã chọn làm điểm xây dựng mô hình thôn "không tệ nạn xã hội".
Ông Lương Ngọc Cấp- Phó Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Lào Cai cho biết: Bảo Thắng hiện nay có 02 họ đạo đã được tỉnh công nhận là họ đạo Phố Lu và họ đạo Tằng Loỏng. Họ đạo Phong Niên còn đang trong quá trình xem xét, nếu đủ các điều kiện cần thiết và hợp với quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng- Tôn giáo, tỉnh sẽ công nhận. Bảo Thắng có hơn 1000 người Công giáo do linh mục Phạm Văn Thành và linh mục Nguyễn Văn Cường coi sóc, tất cả đều là người dân tộc Kinh, có quê gốc từ tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Họ lên đây sinh sống và mang theo cả tôn giáo lên. Trong quá trình sinh sống và thể hiện đức tin tôn giáo, người Công giáo Bảo Thắng, nhìn chung đều chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Về các cơ sở thờ tự, ông Lương Ngọc Cấp chia sẻ: Các họ đạo đều chưa có nhà thờ, nhà nguyện kiên cố mà thường mượn nhà của giáo dân để tổ chức các sinh hoạt tôn giáo. Nếu linh mục quản nhiệm có đơn đề nghị xây dựng, tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện trên cơ sở tôn trọng các quy định của pháp luật và quy hoạch đã được phê duyệt.
 
Theo ông Trần Minh Tuyến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Thắng thì đời sống kinh tế của các gia đình Công giáo ở Bảo Thắng đang có bước phát triển nhanh. Với họ đạo Tằng Loỏng thì có nhiều cơ hội hơn vì nằm gần khu công nghiệp và khu kinh tế Tằng Loỏng đang trong quá trình xây dựng. Hầu hết các hộ đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh tăng vụ, phát triển ngành nghề. Nhiều hộ khá, giàu đã nhiệt tình giúp đỡ những hộ nghèo về vốn không lấy lãi; tạo việc làm để cùng nhau phát triển kinh tế. Đến nay đời sống của người Công giáo và nhân dân huyện Bảo Thắng đã được nâng lên rõ rệt, bình quân thu nhập đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm, không còn hộ đói, hộ khá và hộ giàu chiếm trên 60%, số hộ nghèo chỉ còn dưới 1%.
 
Về phong trào thi đua Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, người Công giáo trên địa bàn huyện luôn gương mẫu thực hiện các nghĩa vụ công dân, các quy ước, hương ước của xã và khu dân cư về thực hiện nếp sống văn minh gắn liền với việc tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm. Đặc biệt trong năm 2008, tại thôn Khe Khoang, thị trấn Tằng Loỏng hàng chục hộ theo đạo Công giáo nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy gang thép Việt - Trung đã gương mẫu thực hiện bàn giao mặt bằng cho Nhà nước đúng thời gian quy định. Thực hiện lời dạy về nhân đức bác ái trong đạo là yêu người như chính mình vậy và truyền thống "lá lành đùm lá rách", người Công giáo huyện Bảo Thắng còn tích cực ủng hộ quỹ vì người nghèo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai bão lụt, cùng nhau xây dựng quê hương, họ đạo thêm giàu đẹp.
An Luých
Thông tin khác:
LINH MỤC HIẾN LÀM DÂN VẬN KHÉO (12/08/2010)
NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU – Một Trí thức Công Giáo tiêu biểu. (10/08/2010)
CỘNG ĐOÀN LÒNG THƯƠNG XÓT GIÁO XỨ CHÍ HÒA (07/08/2010)
Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo ở Bình Dương: xuất hiện hàng trăm cách làm hay (03/08/2010)
Nghệ An: Gia đình giáo dân làm kinh tế giỏi (29/07/2010)
NGƯỜI ĐẢNG VIÊN CÔNG GIÁO ĐI ĐẦU TRONG THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH (29/07/2010)
ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO LÂM ĐỒNG PHÁT HUY TINH THẦN SỐNG “TỐT ĐỜI, ĐẸP ĐẠO” (25/07/2010)
Gương hai chú cháu ở giáo xứ Phạm Pháo đều là liệt sỹ (25/07/2010)
Giáo xứ Tân Phước - một điển hình tiên tiến (25/07/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log