Suy tư - Chia sẻ

Đức Giêsu đến để giải thoát và ban ơn cứu độ

Cập nhật lúc 16:27 06/06/2024
Chúa nhật X Thường niên, năm B; Bài đọc 1: St 3,9-15 Bài đọc 2: 2Cr 4,13-5,1; Tin Mừng: Mc 3,20-35
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em.


Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay nhắc nhở chúng ta về sự phá hoại của ma quỷ hay còn gọi là Satan. Sự phá hoại của Satan bắt đầu từ khi nguyên tổ loài người được dựng nên trong Vườn Địa Đàng, vẫn còn kéo dài cho tới hôm nay và cho tới tận thế. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một sự bảo đảm rằng thế lực của ma quỷ cho dù mạnh tới cỡ nào thì cũng sẽ phải khuất phục dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Đấng phát xuất từ Chúa Cha, đến để cứu chuộc và giải thoát con người khỏi sự cám dỗ và kìm kẹp của ma quỷ.
Bài đọc trích sách Sáng Thế thuật lại cho chúng ta câu chuyện ông bà nguyên tổ trong Vườn Địa Đàng sau khi ăn “trái cấm”. Khi bị Thiên Chúa chất vấn về tội đã phạm, Adam đã đổ lỗi cho Evà, còn Evà thì đổ lỗi cho con rắn đã xúi dục. Mặc dù thực tế là Adam và Evà đã bất tuân phục lệnh truyền của Thiên Chúa, nhưng Người đã không nguyền rủa hai ông bà mà đã nguyền rủa con rắn, bởi chính con rắn, hình ảnh của Satan là đầu mối của sự sa ngã này. 
Lời Chúa cho chúng ta biết sự phá hoại của Satan vẫn còn tiếp tục: Thiên Chúa phán với con rắn “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Câu này được xem là “tiền Tin Mừng”, là lời tiên báo của Thiên Chúa về một Đấng sinh bởi người nữ sẽ chiến đấu với thế lực của Satan. Cho dù Satan vẫn luôn tìm cách để làm hại con người, nhưng chung cuộc dòng giống của người nữ sẽ chiến thắng. Lời tiên báo đó nơi những trang đầu trong sách Sáng Thế của Cựu Ước được ánh sáng Tân Ước soi chiếu và chỉ cho chúng ta Đấng sẽ đập tan mọi mưu mô của ma quỷ và sẽ chiến thắng nó không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô.
Thánh Máccô cho chúng ta thấy sự phá hoại của Satan mà Thiên Chúa đã nói trong sách Sáng Thế giờ đây nó đang tiếp tục phá hoại nơi công việc của Chúa Giêsu. Trước những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm để chữa lành bệnh nhân, cùng với sự ngưỡng mộ có phần kích động của đám dông dân chúng, người nhà của Chúa Giêsu cho rằng Người đã mất trí và tìm cách đưa Người về. Mặt khác, đối với người Dothái đương thời, bệnh tật của con người đều là do ma quỷ phá hoại, một hình thức quỷ ám. Cho nên các kinh sư đã xuyên tạc phép lạ của Người, họ nói rằng việc Chúa Giêsu chữa được bệnh tật là vì Người dùng thế quỷ vương Bêendebun mà trừ quỷ. 
Đáp lại những lời bịa đặt của các kinh sư, Chúa Giêsu cho thấy đó là lời tố cáo vô lý. Quả thật, Satan không thể chống lại Satan. Nước nào, nhà nào chia rẽ, thì sẽ đi tới chỗ diệt vong; Satan cũng vậy. Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ để minh chứng cho điều người tuyên bố: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3,27). Người mạnh ở đây chính là ma quỷ và nhà của nó là người bị quỷ ám. Cướp sạch nhà nghĩa là tước đoạt quyền lực của ma quỷ trên nạn nhân. Chúa Giêsu cho thấy Người vượt trên ma quỷ. Chẳng những Chúa Giêsu không bị quỷ chi phối, không theo phe quỷ, Người còn chống quỷ; quỷ là kẻ mạnh, Đức Giêsu còn mạnh hơn quỷ nữa và Người khẳng định: thế lực của Satan sẽ sụp đổ.
Quả thực, Lời Chúa Chúa nhật hôm nay cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào sự toàn thắng của Thiên Chúa trên các thế lực ma quỷ. Điều cần thiết đối với mỗi người chúng ta là thái độ mở ra đối với ơn Chúa, để nhận ra quyền năng hoạt động của Thiên Chúa nơi con người và trong lịch sử. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29). Ngày hôm nay, tội phạm đến Thánh Thần đó là cố ý gán ý đồ xấu cho các hành động tốt của người khác, của Giáo hội hay các nhóm khác. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là tội cố tình, từ chối quyền năng của Chúa Thánh Thần, nguồn ơn tha thứ. Đó là sự cố chấp phạm tội trọng, không chịu ăn năn hối cải. Sự cố chấp, hay không chịu ăn năn khiến người phạm tội không bao giờ tìm kiếm sự tha thứ, không còn tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Cho dù Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ như ánh mặt trời vẫn luôn tỏa sáng, nhưng sự tự do mà Thiên Chúa ban cho con người khiến họ cứ nhắm nghiền mắt hay cứ ở mãi trong bóng tối thì Thiên Chúa cũng không cưỡng ép chúng ta điều gì, kể cả sự thứ tha. Một khi đã từ chối ơn tha thứ thì cũng có nghĩa là từ chối hạnh phúc Nước Trời.
Phó tế Gioan Baotixita Nguyễn Duy Thái
Thông tin khác:
Bí tích yêu thương (24/05/2024)
Đức Mẹ dạy tôi: Hãy cùng vơid Mẹ nói lời xin vâng (24/05/2024)
Tình yêu cứu độ nơi Ba Ngôi Thiên Chúa (24/05/2024)
Dổi mới của tôi là trở thành con người sám hối (24/05/2024)
Thánh Thần, Đấng đổi mới canh tân (13/05/2024)
Tâm sự của một người thầy (13/05/2024)
Sống chứng nhân và nhân chững về Chúa Kitô (03/05/2024)
Trái tim Chúa Giêsu đã dạy tôi (03/05/2024)
Yêu như Thầy yêu (24/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log