Suy tư - Chia sẻ

Chúng ta được trở nên thụ tạo mới

Cập nhật lúc 07:17 05/01/2022
“Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người”. (Ga 3,22-30) Ảnh: CTV
“Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người”. (Ga 3,22-30) Ảnh: CTV

Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép Rửa là gạch nối giữa hai giai đoạn quan trọng: Sống ẩn dật và rao giảng công khai. Sau ba mươi năm sống âm thầm với gia đình tại Nagiarét, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa cũng là gạch nối giữa hai mùa Giáng sinh và Thường niên. Chính tại dòng sông Giođan bé nhỏ, Chúa Giêsu đến để khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép Rửa bởi Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu đã chọn dòng nước nhỏ này, không giống như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước cùng với đoàn người chịu phép Rửa của Gioan Tẩy Giả.

Trong đêm Giáng sinh, nhân loại đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ. Dường như chưa bao giờ đủ đối với một tình thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Thiên Chúa lại hạ mình xuống thêm một lần nữa, hạ mình xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép Rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Thiên Chúa đã xóa bỏ khoảng cách xa vời giữa con người với Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà muôn dân hằng mong đợi. “Ngày hôm nay, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13). Đấng chúng ta mong đợt nay đã đến ở trong, ở với và ở cùng với nhân loại.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa, là một khởi đầu cho một chuỗi những liên đới với tội nhân. Ngài đã chấp nhận đứng chung với tội nhân để gánh lấy hậu quả của tội lỗi nhân gian. Hậu quả của tội lỗi và đau khổ, là sự chết. Chúa Giêsu đã gánh lấy tội nhân loại khi phải sống kiếp người đầy thăng trầm và khổ đau. Ngài gánh lấy tội nhân loại khi bị kết án, tẩy chay loại trừ. Ngài còn gánh lấy tội nhân gian khi bị chết treo trên Thập giá để đền thay tội lỗi nhân gian. Ngài hiến dâng mạng sống mình thành của lễ giao hòa với Chúa Cha. Qua cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài mà chúng ta được giao hòa với Chúa Cha, được gọi Thiên Chúa là Cha, và được thừa hưởng phần phúc thiên đàng do công phúc của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu thành Nagiaret là Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng đã mặc lấy thân xác con người. Ngài đã trở nên giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Ngài tự nhận mình là tội nhân khi hòa mình vào dòng người tới nhận phép Rửa của Gioan. Hành động này  như muốn dạy con người chúng ta hãy biết liên đới trách nhiệm với tha nhân. Liên đới để giúp nhau thăng tiến. Liên đới để sống cảm thông chia sẻ với nhau. Tình liên đới sẽ giúp con người chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nếu cuộc đời ai cũng sống tình liên đới với Thiên Chúa, sống hiệp thông có trách nhiệm với mọi người thì cuộc đời đẹp biết bao. Con người sẽ không có thái độ sống dửng dưng với nhau nhưng biết chia sẻ giúp đỡ nhau và chắc chắn sẽ không có những phận đời cô đơn buồn tủi. Nếu cuộc đời ai cũng cảm thấy có trách nhiệm với cả những lỗi lầm của người khác thì xã hội sẽ thăng tiến biết bao. Vì ai cũng nỗ lực sống chu toàn bổn phận của mình, sống gương mẫu và chắc chắn sẽ không làm gì để gây gương mù gương xấu cho tha nhân. Tình liên đới của con người luôn là mối dây hiệp nhất yêu thương để con người luôn gắn kết với Thiên Chúa Ba Ngôi, và hiệp nhất giữa con người với con người để cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa. Mỗi khi vào nhà thờ, và lấy nước thánh làm dấu, là chúng ta đang tự nhắc nhở mình về phép Rửa của chúng ta, và tự cam kết sống trọn vẹn với ơn gọi của phép Rửa ấy. Chính Chúa Giêsu đã rửa sạch tâm hồn chúng ta trong nước và Thánh Thần. Chúng ta được trở nên thụ tạo mới và được trở thành con cái của Thiên Chúa. Hạt giống niềm tin được gieo vào lòng, việc xức dầu thánh đã in ghi dấu ấn trong tâm hồn, áo trắng tinh sạch được phủ trùm và ánh sáng của Chúa Kitô được gửi gắm cho những vị đỡ đầu chăm nom. Chúng ta nên ghi nhớ ngày đã được sinh lại làm con Chúa và con Hội Thánh qua Bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Kitô. Ngài là đầu và chúng ta là chi thể của Ngài. Liên kết với Chúa Kitô và là thành viên của cộng đoàn đức tin, của Hội Thánh, mỗi người có bổn phận làm cho hạt giống của sự sống đời đời nẩy sinh hoa trái ngay trong cuộc sống này.

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã bước xuống và cúi đầu nhận phép Rửa của thánh Gioan, xin cho chúng con biết khiêm hạ nhận thân phận tội lỗi yếu hèn, để xin ơn sám hối. Sám hối là biết mình. Biết mình là khởi đầu bước tiến tới sự trọn lành.
Tu sĩ Gioanbosco Nguyễn Hưng Tin
Thông tin khác:
Dịp lễ Chúa Giáng sinh Đức Mẹ khuyên dạy tôi hãy để ý nhiều đến thiện tâm (04/01/2022)
Ra đi đừng sợ hãi (26/12/2021)
Đức Mẹ giúp tôi cầu nguyện trong thân phận con người đau khổ (25/12/2021)
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối (22/12/2021)
Đức Mẹ chúc tôi hãy trở nên như trẻ thơ giống Chúa Hài Đồng (21/12/2021)
Đức Mẹ giúp tôi biết lo cho sức khỏe của mình về những lĩnh vực quan trọng (14/12/2021)
Cuộc thăm viếng thể hiện tình yêu và ơn cứu độ (13/12/2021)
Đức Mẹ giúp tôi biết lo cho sức khỏe của mình (10/12/2021)
Vội Vội (01/12/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log