Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, qua sự gặp gỡ hữu hình giữa Chúa Giêsu trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Êlisabét.
Sau khi được sứ thần cho biết bà chị họ là Êlisabét đã có thai, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng. Cuộc viếng thăm của Mẹ Maria vừa đem lại niềm vui cho gia đình Dacaria, vừa nói lên đức bác ái cụ thể của Đức Maria đối với bà chị họ, khi bà sắp tới ngày sinh con. Cuộc gặp gỡ cũng đem lại ơn cứu độ của Đấng Mêsia cho thai nhi Gioan, thể hiện qua sự kiện nhảy mừng trong lòng Mẹ. Nhờ được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, bà Êlisabét đã nhận ra cô em Maria chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai và bà đã ca tụng Maria diễm phúc vì đã tin vào lời Chúa.
Bài đọc 1 trong sách ngôn sứ Mikha, nói đến sự bé nhỏ của Belem, nơi Chúa sinh ra; nhưng từ sự nhỏ bé đó, Thiên Chúa làm thành sự lớn lao, vĩ đại. Ngôn sứ lặp lại lời Chúa phán: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ixraen” (Mk 5,1).
Quả thật, nhân loại đang hướng tâm hồn để chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế giáng sinh. Chỉ còn vỏn vẹn ít ngày nữa thôi, chúng ta sẽ đón mừng ngày Chúa đến với nhân loại. Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Maria, Mẹ Chúa cũng là mẹ của nhân loại. Mẹ đã mừng vui như thế nào khi được Chúa đến ngự trong cung lòng mình. Thánh Luca đã diễn tả rất sinh động biến cố này: “Hồi ấy, bà Maria đã lên đường, vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét…” Chuyện này xảy ra sau khi Đức Maria được sứ thần Chúa truyền tin, và khi nói lời “Xin Vâng“, Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Thiên Chúa “đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, và đã làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” (kinh Tin Kính). Được diễm phúc cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Maria đã không chỉ giữ niềm vui đó một mình, nhưng lên đường đến thăm người chị họ đang mang thai trong lúc tuổi đã cao. Lòng nhân ái đến từ truyền thống đạo đức của gia đình. Nhưng lớn hơn nữa là sự thôi thúc của niềm vui có Chúa trong lòng. Niềm vui ấy cần được loan báo đến với người khác. Quả thật, Đức Mẹ đã khiêm nhường đến viếng thăm bà Êlisabet. Lòng khiêm nhường của Đức Mẹ đã khiến bà Êlisabet ngạc nhiên, và nói với Đức Mẹ: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Qua câu “thân mẫu Chúa tôi”, bà Êlisabet tuyên xưng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và bào thai trong lòng Đức Mẹ chính là Đấng Cứu Thế. Cuối cùng, bà Êlisabet chúc khen Đức Mẹ vì Đức Mẹ đã tin. Bởi vì, Đức Maria được chọn để làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng cũng phải nhờ lòng tin đón nhận lời Thiên Chúa, Đức Maria mới trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng thế, mọi người đều được mời gọi làm con Thiên Chúa, nhưng phải nhờ lòng tin đón nhận lời Thiên Chúa, mới trở thành con Thiên Chúa được.
Như vậy, Đức Mẹ không còn là một phụ nữ phàm trần tầm thường nữa, mà là Mẹ của Thiên Chúa, là người nữ “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (1,42); song Đức Mẹ khiêm nhường “vội vã đi đến miền núi” (1,39). Đức Mẹ khiêm nhường không những đến thăm mà còn ở lại giúp đỡ bà chị Êlisabét. Đức Mẹ còn đem Chúa Giêsu đến cho thánh Gioan: “này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng (1,44). Bà chị Êlisabét đã hai lần nhắc đến “người con trong bụng (1,41. 44). Người mẹ nào mà chẳng quên bản thân mình để lo cho con, lấy niềm vui của con làm niềm vui của mình. Bà Êlisabét nhắc đến “đứa con trong bụng” hai lần, vì bà quá sung sướng: không những có con trong lúc hiếm muộn, mà đứa con lại nhờ Đức Mẹ mà “được chúc phúc” (1,42).
“Em thật có phúc vì đã tin”: Tin Mừng Luca đã quy tụ hai ơn phúc của Đức Maria vào trong lời chúc tụng của bà Êlisabét: một là phúc được “làm Mẹ Đấng Cứu Thế” và hai là phúc “đã tin những lời Chúa phán” (Lc 1,4245). Về sau trong lúc Đức Giêsu giảng đạo, một phụ nữ cũng ca ngợi thân mẫu của Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” và Đức Giêsu liền bổ túc thêm: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,2728). Nơi Đức Maria hai phúc này liên kết thành một: ngay khi tin mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Maria lập tức trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế.
Chính vì thế, Giáo hội đưa hình ảnh của Đức Mẹ vào Chúa nhật IV Mùa Vọng để làm nổi bật lên vai trò của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ, đồng thời cũng trình bày Đức Mẹ như một gương mẫu cho những người luôn biết sẵn sàng đón nhận ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. Cũng như Đức Mẹ, người Kitô hữu cần luôn sẵn sàng tiếp đón Chúa, sẵn sàng tiếp nhận lời Chúa, sẵn sàng thưa tiếng “xin vâng” với lời mời gọi của Chúa, và sẵn sàng dấn thân theo lời mời gọi đó. Vậy, chúng ta có sẵn sàng lắng nghe và thưa tiếng “xin vâng” với niềm tin rằng nhờ sự dấn thân đi theo lời mời gọi đó mà chúng ta được ơn cứu rỗi không? Hay là chúng ta còn mơ tưởng đến lời mời gọi khác khi thấy cuộc sống hiện tại còn đầy khó khăn, gian nan, trắc trở?
Như Đức Maria, lời Chúa được gieo vào lòng mỗi người do tác động của Chúa Thánh Thần, rồi nhờ sự cộng tác của từng người mà lời ấy được lớn lên mỗi ngày một hơn. Cộng tác ở đây là bằng cả cuộc sống, nghĩa là không chỉ nghe và suy niệm trong lòng mà thôi, nhưng còn bộc lộ ra bằng những hành động cụ thể, ra đi mang niềm vui cho người khác như Đức Maria, như mẹ Têrêsa Cancútta …
Trong bài đọc 2, tác giả thư Hípri triển khai Tv 40 để nói lên ý nghĩa việc nhập thể của Đức Giêsu. Người đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha một cách trọn vẹn, toàn hảo đến nỗi hiến dâng chính mình trên Thập giá. Trong Cựu Ước, các hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội được xem là những của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, vì thế mỗi ngày các tư tế có nhiệm vụ phải thi hành các phận vụ này hai lần trong đền thánh Giêrusalem. Các của lễ này trở nên vô giá trị, khi Đức Giêsu tự hiến chính mình trên Thập giá, nghĩa là “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Của lễ này rất đẹp lòng Chúa Cha, bằng chứng là Người đã cho Đức Giêsu được sống lại, phục hồi sự sống mà Ađam đã đánh mất do sự bất phục tùng. Trọn cuộc đời của Đức Giêsu là sống theo ý muốn của Chúa Cha như Người đã từng nói với các tông đồ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Vậy hôm nay, khi chiêm ngắm ảnh tượng Mẹ, với tất cả lòng biết ơn, chúng ta hãy thưa với Mẹ: “Lạy Mẹ, chính nhờ Mẹ, chúng con mới đáng nhận lãnh nguồn sức sống vĩnh cửu là Đức Giêsu".