Suy tư - Chia sẻ

Để lời Chúa được thực thi

Cập nhật lúc 06:26 27/01/2022
Trọng tâm của bài Tin Mừng cũng là đề tài chính của toàn thể Lời Chúa hôm nay: chúng ta thấy Ðức Giêsu đứng công bố Tin Mừng trong hội đường ở Nadarét.


Trọng tâm của bài Tin Mừng cũng là đề tài chính của toàn thể Lời Chúa hôm nay: chúng ta thấy Ðức Giêsu đứng công bố Tin Mừng trong hội đường ở Nadarét. Như ông Étra đứng đọc luật pháp Môsê ở trước mặt con cái Israen trong bài đọc I hôm nay kể lại, đó là hình ảnh báo trước việc Chúa Kitô sẽ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Và như thế sinh hoạt của Hội Thánh hiện nay như thư Côrintô kể, cũng chỉ là hiệu quả của việc công bố Tin Mừng. Chúng ta hãy suy nghĩ về cả ba bài đọc để hiểu rõ Lời Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta những gì chung quanh việc công bố Tin Mừng.

1. Luật của Đức Chúa được công bố

Bài đọc I hôm nay giới thiệu ông Étra trong vai trò luật sĩ hơn là tư tế. Và rõ ràng con cái Ixraen đã cử hành phụng vụ Lời Chúa chứ không phải là phụng vụ tế lễ.

Ðó là đặc điểm của Do Thái giáo sau lưu đày. Toàn dân tập họp lại đủ mọi thành phần già trẻ, trai gái. Và trăm người như một. Tất cả đều chăm chú nhìn vào ông Étra đang “kiệu” sách Luật lên đứng trên một bục gỗ cao, quay xuống dân chúng... chung quanh ông có các thầy Lêvi, làm tăng thêm vẻ trang trọng cho việc công bố Luật sắp cử hành.

Ông Étra bắt đầu bằng lời chúc tụng danh Đức Chúa. Cộng đoàn sốt sắng đáp lại “Amen, Amen”, kèm theo lễ nghi phủ phục thờ lạy. Rồi ông Étra bắt đầu đọc Luật Chúa. Ông đọc rõ ràng và trang trọng. Nhưng sách viết bằng chữ Hipri. Rất nhiều người trong dân chúng không hiểu thứ tiếng ấy. Ít ra họ cũng thấy có nhiều điều khó hiểu, ông Nơkhemia và các thầy Lêvi phải giúp giải nghĩa cho dân. Càng nghe con cái Ixraen càng bùi ngùi xót xa. Họ thấy Chúa thương dân đến như vậy mà cha ông họ đã không nghe tiếng Người. Họ thấm thía những hình phạt mà Người đã buộc lòng phải gửi đến. Nước mắt họ trào ra... Ông Étra và ông Nơkhemia phải vội vàng tuyên bố: Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc” (Nkm 8, 9). Và phải biến những giọt lệ xót xa vì tội lỗi thành niềm tin và ơn Chúa cứu độ. Nên hãy ăn uống và chia phần cho mọi kẻ đang túng thiếu.

Có vẻ như buổi đọc và giải thích Luật Chúa trong sách Nơkhemia chúng ta vừa đọc có những nét rất gần với nghi thức công bố Lời Chúa trong các buổi phụng vụ của chúng ta ngày nay. Nhất là chúng ta hãy để cho Lời Chúa, thấm nhập và là cho chúng ta có thái độ thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Chúng ta cũng cần biến việc đọc và nghe Lời Chúa nên như cơ hội để thực hiện mầu nhiệm tử nạn phục sinh hầu tìm thấy ơn cứu độ của Chúa trong việc đọc và nghe Lời sách thánh.

Tuy nhiên, chúng ta phải dành cho việc công bố Lời Chúa trong nhà thờ một địa vị quan trọng hơn. Và cho được như thế chúng ta hãy xem bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét.

2. Đức Giêsu tại hội đường Nazaret

Trong bài Tin Mừng, thánh sử Luca cho chúng ta thấy, Ðức Giêsu bấy giờ đầy Thánh Thần. Người trở về Galilê. Chắc chắn đi đến đâu Người cũng rao giảng Tin Mừng và chữa nhiều bệnh tật. Thế nên tiếng tăm Người đã đồn ra khắp nơi. Người ta đã nhiều lần hoan hô Người khi Người lên tiếng giảng dạy trong các hội đường. Vậy, Người đến Nadarét nơi Người sinh trưởng. Và theo tục lệ, người ta trao sách thánh cho Người đọc... Người mở ra gặp trúng đoạn Isaia nói về người tôi tớ. Ðọc xong, Người gấp sách lại. Và trước mắt của trăm người đang hướng về Người. Người đã khởi sự giải thích Lời Chúa bằng việc tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Vì là người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Thần trong sách Isaia, không ai khác chính Người đang nói trước dân chúng ở Nadarét. Có lẽ khi viết những lời này, ngôn sứ Isaia chỉ muốn nói tiên tri về ơn gọi và sứ mạng của những người được Thiên Chúa cử làm ngôn sứ cho Người. Và sứ điệp mà họ phải tuyên bố chính là tin mừng cứu độ dành cho người khó nghèo, tù đày, để mọi người được hân hoan cử hành những năm hồng ân đại xá mà dân hằng mong ước. Những lời Isaia ấy hợp cho mọi ơn gọi ngôn sứ. Nhưng chắc chắn phải được dành riêng để nói về Người Tôi Tớ, một nhân vật mầu nhiệm trong sách Isaia mà chắc chắn chính là hình ảnh về Ðức Giêsu Kitô cứu thế.

Có những kẻ mù được trông thấy, người khó nghèo, tù đày trong cảnh lầm than không đang được giải thoát đó sao? Và khắp nơi đang nổi lên bầu khí hân hoan của những năm hồng ân đại xá. Ðức Giêsu thật có lý để tuyên bố: những lời tiên tri đang được thực hiện... và được thực hiện nhờ Người, do Người. Và người ta phải công nhận như vậy. Có điều người ta chưa nhận ra là Ðức Giêsu đang muốn nói về chính mình, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà Isaia muốn nói đến trong đoạn Kinh Thánh. Người không phải chỉ là tiên tri nhưng còn hơn tiên tri. Người đến không phải để chỉ công bố năm hồng ân, nhưng còn để thực hiện ơn cứu độ.

Người cũng đã làm gương để những ai muốn tin Chúa Giêsu Kitô cũng phải đào sâu giáo lý đã lãnh nhận. Không có sự truy tầm và suy niệm này, đức tin của chúng ta sẽ không chắc chắn. Chúng ta phải biết cử hành phụng vụ Lời Chúa như bài đọc I hôm nay đã cho chúng ta thấy. Nhưng chúng ta còn phải biết cử hành mầu nhiệm Ðức Kitô để Lời Chúa trở nên bánh nuôi tinh thần nữa. Và chúng ta chỉ làm được công việc này nhờ Hội Thánh và trong Hội Thánh vì chỉ ở đây mới có phụng vụ Lời Chúa. Nhưng phải làm thế nào để có thể ở trong Hội Thánh?

3. Chi thể trong thân thể Đức Kitô

Thư của thánh Phaolô hôm nay viết về Hội Thánh một cách đơn sơ nhưng không kém phần sâu sắc, và nhất là có giá trị rất thực tiễn. Tất cả chúng ta ở trong Chúa Giêsu như các chi thể khác nhau ở trong cùng một thân thể. Thế thì cũng như các chi thể của một thân thể không phủ nhận và từ chối nhau, thì chúng ta cũng phải chấp nhận và mật thiết kết hợp với nhau ở trong Chúa Giêsu. Các phận vụ ở trong Hội Thánh rất khác nhau, vì Người được ơn gọi làm tông đồ, kẻ được Chúa gọi làm tiên tri... nhưng đó là để ai theo phận nấy mà làm bộ phận cho thân thể. Không do một thân thể con người? Chẳng bao giờ mắt muốn mọi bộ phận khác trong thân thể phải như mình... vì như vậy chỉ có ngàn mắt mà không có thân thể.

Cũng thế muốn có thân thể mầu nhiệm của Ðức Kitô, mỗi người phải chấp nhận cho người khác đóng vai trò của họ và hơn nữa phải biết đau với bộ phận đau, vui với bộ phận vui. Nói cách khác, muốn thấy Chúa Giêsu Kitô còn tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh để chúng ta được kết hợp với Người, ai ai cũng phải tôn trọng người khác và liên kết cộng tác với họ như các bộ phận trong một thân thể.

Hơn nữa, như lời thánh Phaolô ám chỉ trong thư hôm nay mọi người phải chiếu cố hơn đến những bộ phận được coi như yếu hơn và không trang nhã mấy.

Ðó chẳng phải là thái độ và sứ mệnh của chính Ðức Kitô sao? Người được sai đến như người Tôi Tớ được xức dầu Thánh Thần để đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó, kẻ tù đày... Bài Tin Mừng Luca đã cho chúng ta thấy rõ Người đến thực hiện mọi lời tiên tri. Người còn tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh là thân thể có đầy đủ mọi bộ phận khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Chính khi kết hợp với nhau mà các phần tử trong Hội Thánh thấy mình đang được thần trí của Chúa Giêsu Kitô làm cho sống động và mới thấy Người đang sống trong Hội Thánh.

Thế nên chúng ta họp nhau lại để nghe Lời Chúa như con cái Israen xưa, thì chưa đủ. Chúng ta cùng nhau tham dự vào Mình Máu Chúa Giêsu để kết hợp với Người, như Người đã ở giữa cử tọa hội đường Nadarét xưa cũng chưa đủ. Nhận lãnh thần trí của Người rồi, chúng ta còn phải tôn trọng và hợp tác với anh em, trong các công việc chung nữa, thì mới hiện đại hóa mầu nhiệm Chúa Giêsu đang cứu độ và cứu thế.
 
Tu sĩ Giuse Trịnh
Thông tin khác:
Dịp sang năm mới, Đức Mẹ dạy tôi hãy đón nhận sự sống mới do Chúa trao ban (26/01/2022)
Chúng ta được trở nên thụ tạo mới (05/01/2022)
Dịp lễ Chúa Giáng sinh Đức Mẹ khuyên dạy tôi hãy để ý nhiều đến thiện tâm (04/01/2022)
Ra đi đừng sợ hãi (26/12/2021)
Đức Mẹ giúp tôi cầu nguyện trong thân phận con người đau khổ (25/12/2021)
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối (22/12/2021)
Đức Mẹ chúc tôi hãy trở nên như trẻ thơ giống Chúa Hài Đồng (21/12/2021)
Đức Mẹ giúp tôi biết lo cho sức khỏe của mình về những lĩnh vực quan trọng (14/12/2021)
Cuộc thăm viếng thể hiện tình yêu và ơn cứu độ (13/12/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log