Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. |
Tử đạo có nghĩa là “làm chứng”, làm chứng cho một niềm tin, làm chứng bằng máu, bằng đau khổ, bằng cả đời sống. Máu các Ngài chính là hạt giống phát sinh các Kitô hữu, như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Giáo hội Việt Nam đã phát sinh những nhân chứng, đặc biệt là các vị tử đạo. Lời tiền nhân nói rất đúng: máu đào là hạt giống phát sinh Kitô hữu. Vì do máu các Đấng tử đạo của dân tộc và Giáo hội Việt Nam mà đức tin trong thế hệ trước đã mọc lên, và đức tin của thế hệ hiện tại được bảo toàn, và hy vọng đức tin của thế hệ mai sau được gìn giữ”.
Vì thế bổn phận của chúng ta ngày nay phải là nối gót cha ông chúng ta đem tất cả niềm tin yêu hy vọng, tất cả sức lực mồ hôi nước mắt, và sẵn sàng dâng hiến cả máu và sự sống mình để bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển đức tin ấy. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma để khích lệ giáo đoàn và chúng ta can đảm và tin vào chiến thắng cuối cùng của Đức Kitô, Ngài viết: “Tôi tin chắc rằng cho dẫu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”. (Rm 8, 38-39).
Mừng lễ Các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta còn phải noi gương các Ngài dấn thân phục vụ anh em đồng loại; sẵn sàng bảo vệ và xây dựng hòa bình, đem lại công lý cho con người, nhất là những người nghèo hèn, bị áp bức, bị bỏ rơi...; đồng thời không ngừng sửa đổi bản thân ích kỷ và hèn nhát của mình; chuyên cần cầu nguyện, lắng nghe, suy niệm Lời Chúa; can đảm sống và tuyên xưng đức tin trong mọi hoàn cảnh; góp phần vào việc Tông đồ, đem Chúa đến cho mọi người; xây dựng cộng đoàn Giáo xứ hiệp thông trong đức tin, đức cậy và đức mến để mai ngày cộng đoàn chúng ta được phúc vinh quang với Các thánh tử đạo trong Nước Thiên Chúa.
Hôm nay, chúng ta hân hoan, tự hào và hãnh diện khi mừng kính trọng thể lễ các thánh tử đạo Việt Nam. Với con số 117 đấng đã được Giáo hội tuyên phong và tôn kính, đây là con số đông đảo nơi sổ bộ các thánh trong Giáo hội hoàn vũ. Tuy nhiên, còn hàng trăm ngàn đấng chưa được tuyên phong, nhưng các ngài đều mang một mẫu số chung, đó là chết vì Chúa để làm chứng cho đạo của Chúa là đạo thật.
Như vậy, mỗi khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, thiết tưởng chúng ta nên gợi lại những gương sáng của các ngài, để như một lời nhắc nhớ chúng ta về tấm gương anh dũng qua đời sống chứng tá của các thánh, đồng thời như một lời mời gọi mỗi chúng ta hãy noi gương các bậc tiền nhân qua đời sống đức tin hiện nay.
Các ngài là những người đã sống Tin Mừng yêu thương Trong rất nhiều nhân đức cao đẹp của các thánh tử đạo Việt Nam, nhân đức yêu thương, tha thứ của các ngài là nhân đức đi đầu, tiên phong trong hàng loạt các nhân đức. Các ngài đã noi gương Đức Giêsu để yêu và yêu cho đến cùng, yêu đến nỗi chấp nhận chết để chứng tỏ tình yêu của mình vào Thầy Chí Thánh mà các ngài đã tin theo (x. Ga 15,13).
Khi sống và diễn tả tình yêu ấy, chúng ta thấy có thánh y sĩ Phan Đắc Hòa. Ngài đã sẵn sàng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, sẵn lòng cứu giúp những người túng thiếu. Cụ trùm Đích thì thường xuyên góp nhặt tiền bạc để đi thăm viếng trại cùi và nuôi nấng những người dịch tả trong vùng.
Đỉnh cao của tình thương ấy nơi các ngài là yêu luôn cả những người thù ghét mình. Tình yêu của các ngài là một tình yêu không biên giới. Lời của Thầy Giêsu trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23, 43) luôn thường trực trong suy nghĩ, hành động của các thánh. Về điểm này, chúng ta thấy toát lên chân dung của cha thánh Hoàng Khanh, ngài đã sẵn lòng chữa bệnh cho cả những viên cai ngục trong tù. Các ngài bỏ qua tất cả, không nghĩ cho riêng mình, không còn ranh giới giữa bạn và thù, bởi vì: “Tận cùng của tình yêu là yêu không giới hạn”.
Các ngài là những người sống và chết vì sự thật Lời dụ dỗ giả vờ bỏ đạo để được tha và thăng quan tiến chức là những chiêu bài mà nhà cầm quyền thời bấy giờ thường xuyên dùng để khuyên dụ các ngài. Có những đấng nếu chỉ khai mình là lương y chứ không phải là linh mục thì sẽ được tha ngay. Trong số đó, phải kể đến thánh Lê Tùy, Đỗ Yến, Hoàng Khanh, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Bảo Tịnh… Các ngài đã chấp nhận cái chết để chứng minh cho chân lý và sứ vụ của mình.
Rồi có những đấng các quan chỉ yêu cầu nhắm mắt, giả bộ bước qua Thập giá là sẽ được tha như thầy giảng Nguyễn Cần chẳng hạn, thầy đã được quan gợi ý như thế, nhưng ngài đã nói: “Thưa quan, mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm”.
Các ngài là người sống niềm hy vọng Phục sinh Các thánh tử đạo Việt Nam luôn coi cái chết như là hy lễ cuối cùng và đẹp nhất dâng lên cho Thiên Chúa để được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc Trên Trời. Thánh linh mục Nguyễn Văn Hạnh thì nói: “Anh em ở lại, chúng tôi đi về Thiên đàng nhé”; còn thầy giảng Nguyễn Đình Uyển thì đã điềm nhiên và dõng dạc tuyên xưng niềm tin tuyệt đối vào mầu nhiệm Phục sinh khi nghe quan quát lớn: “Mày không bước qua, tao sẽ chém đầu mày” thầy điềm tĩnh trả lời: “Thưa quan, nếu tôi bị chém chết, thì tôi mới hy vọng được Phục sinh với Chúa Kitô”. Quả thật, không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu Đức Kitô, mặc cho đòn vọt, gông cùm và ngay cả cái chết.