Suy tư - Chia sẻ

Tưởng nhớ 30 năm ngày qua đời của linh mục Phêrô Võ Thành Trinh

Cập nhật lúc 12:08 12/08/2021
Cha cố Phêrô Võ Thành Trinh (người ở giữa). Ảnh: TL
Cha cố Phêrô Võ Thành Trinh (người ở giữa). Ảnh: TL
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày qua đời của linh mục Phêrô Võ Thành Trinh (21/8/1991-21/8/2021), xin điểm lại đôi nét về cuộc đời của ngài: Sau khi chịu chức linh mục, ngài được cử về làm cha phó họ đạo Hòn Chông do một cố Tây làm cha sở, vì họ đạo ở vùng hẻo lánh nên khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, thì họ đạo nằm trong vùng kháng chiến, cố Tây đã phải trao lại họ đạo cho linh mục Phêrô Võ Thành Trinh để ra đi. Ngài ở lại chăm lo phần hồn cho giáo dân và cùng với chính quyền chăm lo cuộc sống cho đồng bào mà chẳng quản ngại gian lao vất vả. Không hẳn chỉ có họ đạo đó mà đến các họ đạo trong vùng kháng chiến như Rẫy Mới, Rạch Đùng, rồi sau đó lại được bài sai về Huyện Sử, Tân Lộc, Cái Rắn, Cái Cầm trong khu kháng chiến của tỉnh Bạc Liêu. Trong quan hệ với chính quyền, ngài luôn với thái độ đối thoại, hợp tác chân thành đã giúp cho giáo dân an tâm sống đạo và xây dựng cuộc sống an bình.
Cuộc kháng chiến chống Pháp được kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, tạm thời Nam, Bắc chia đôi, ngài đã cùng giáo dân tập kết ra Bắc.
Tại miền Bắc. Đi đến đâu ngài cũng luôn đặt trách nhiệm công việc mục vụ của người mục tử lên hàng đầu là chăm lo phần rỗi cho giáo dân. Tại các giáo xứ không có linh mục trong tỉnh Quảng Ninh, từ Trà Cổ cho đến Đông Triều gồm các giáo xứ Đầm Hà, Cửa Ông, Xuân Ninh, Cẩm Phả, Điền Xá, Phong Dụ. Đi đến đâu ngài cũng tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, thậm chí còn biết rõ tính tình, tên tuổi của nhiều người. Cha đã để lại hình ảnh một mục tử nhân hậu, hết lòng chăm sóc đoàn chiên, khiến ai cũng quí mến và khâm phục.
Đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất, linh mục Phêrô Võ Thành Trinh cùng các linh mục tập kết trở về miền Nam và được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đón tiếp trong vòng tay yêu thương và cùng với Đức Tổng Giám mục cử hành thánh lễ đồng tế tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. 
Cha Phêrô Võ Thành Trinh trở về Cần Thơ nơi lãnh chức linh mục, được Đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám mục giáo phận ân cần tiếp nhận. Trở về Long Xuyên nơi sinh ra được Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ và Đức cha G.B Bùi Tuần,Giám mục giáo phận Long Xuyên coi như người trong nhà. 
Linh mục Phêrô Võ Thành Trinh sinh ngày 01/8/1916 trong một gia đình Công giáo thuộc họ đạo Cái Đôi, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Là con thứ 6 trong gia đình nên ngài còn được gọi bằng thứ ông Bảy thân thương theo thông lệ của người Nam Bộ. Năm 14 tuổi vào học Chủng viện Củ Lao Giêng. Hết Tiểu Chủng viện, thầy Phêrô Võ Thành Trinh được gửi vào Đại Chủng viện Xuân Bích Hà Nội để học thần học. Cách mạng tháng Tám thành công. Đại Chủng viện Xuân Bích háo hức lạ thường. Ngày 2/9/1945 các đại chủng sinh mặc áo dòng chỉnh tề ra Quảng trường Ba Đình, nhập vào đoàn linh mục,tu sĩ, giáo dân dự mít tinh. Khi thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn thì tại Hà Nội một cuộc mít tinh rầm rộ hơn, các chủng sinh cũng tham gia. Tại Đại Chủng viện ngày càng căng thẳng: cha con, thầy trò và bạn học phân hóa sâu sắc, lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc bừng lên mạnh mẽ; cuối cùng Đức Giám mục Chaize, giáo phận Hà Nội quyết định tạm đình chỉ hoạt động Đại Chủng viện.
Ai ở đâu, về đấy! Thầy Phêrô Võ Thành Trinh phải trở về miền Nam. Về lại họ đạo Cái Đôi, nơi gia đình cha mẹ sinh sống. Thầy phụ giúp cha sở lo việc nhà thờ, đồng thời cũng giúp việc đồng áng trong gia đình. Rồi thầy Phêrô Võ Thành Trinh nhận được thư của Đức Giám mục Sabaliê, Giám mục Nam Vang về giáo phận học cho xong thần học. Sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/8/1946, Đức Giám mục cho biết đã đạt yêu cầu học tập. Ngày 12/9/1946 tại nhà thờ thị xã Cần Thơ, thầy Phêrô Võ Thành Trinh lãnh chức linh mục. Sau đó linh mục Phêrô Võ Thành Trinh được bổ nhiệm đi làm mục vụ ở các họ đạo.
Với cương vị là linh mục, trong vùng căn cứ kháng chiến tại tỉnh Bạc Liêu, linh mục Phêrô Võ Thành Trinh là Hội trưởng Hội Công giáo kháng chiến và Cố vấn Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Tiên, Hội trưởng Hội Công giáo kháng chiến và Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh - Liên Việt tỉnh Bạc Liêu.
Ở miền Bắc, linh mục Phêrô Võ Thành Trinh tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Liên lạc Công giáo tỉnh và Uỷ viên thường trực Uỷ ban Liên lạc Toàn quốc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình.
Ngài liên tục là đại biểu Quốc hội nhiều khóa; Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội các khóa V, VI; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tổ chức Kitô giáo thế giới vì hòa bình.
Ngày 21/8/1991, linh mục Phêrô Võ Thành Trinh đã về an nghỉ trong Chúa tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi. Linh cữu được quàn tại Hội trường Thống Nhất, với các nghi thức an táng được cử hành theo nghi thức Nhà nước. Tiếp đến, linh cữu được quàn tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và thánh lễ an táng được cử hành tại đây. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chủ sự thánh lễ an táng đồng tế cùng với hàng trăm linh mục và đông đảo tu sĩ và giáo dân tham dự. Sau đó linh cữu được đưa về nhà thờ họ đạo Cái Đôi, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nơi đây Đức Giám mục G.B Bùi Tuần, Giám mục giáo phận Long Xuyên cử hành thánh lễ tiễn biệt linh mục Phêrô Võ Thành Trinh. Sau đó, ngài được an táng tại nghĩa trang  giáo xứ Cái Đôi.
 
Lễ giỗ cha cố linh mục Phêrô Võ Thành Trinh. Ảnh: Băng Tâm
Lễ giỗ cha cố linh mục Phêrô Võ Thành Trinh. Ảnh: Băng Tâm

Với tinh thần “trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam nên tôi phải thực thi công bình, bác ái trước hết với đồng bào tôi”. “Vì tất cả mọi người đều là con cái Chúa, là anh em tôi nên tôi phải yêu thương mọi người như Chúa yêu thương tôi”, ngài sống chan hòa, gần gũi bình dị nhưng rất trung thực và ngay thẳng nên được mọi người quí mến. Trong tổ chức yêu nước, ngài động viên người Công giáo thiết tha với vận mệnh của quê hương, dân tộc, làm sao càng ngày càng nhiều người Công giáo gắn bó với dân tộc nhưng đồng thời vẫn luôn trung thành với Giáo hội Chúa Kitô, hiệp thông và vâng phục hàng giáo phẩm của mình.
 
Trường trung học phổ thông Võ Thành Trinh (An Giang). Ảnh: CTV
Trường trung học phổ thông Võ Thành Trinh (An Giang). Ảnh: CTV
Với cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc và cho cuộc sống của đồng bào; linh mục Phêrô Võ Thành Trinh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương cứu nước hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.
Ngày 16/3/2013, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) đã tổ chức lễ khánh thành công trình Nhà lưu niệm linh mục Võ Thành Trinh tại xã Hòa Bình.
Trên mảnh đất quê hương ngài có ngôi trường Trung học phổ thông mang tên Võ Thành Trinh. Đây là trường học đầu tiên mang tên một vị linh mục Công giáo.
LẠI VĂN MIỄN
Thông tin khác:
Hồng ân hồn xác lên trời (12/08/2021)
Đừng nhiều lời (11/08/2021)
Bánh Hằng Sống (05/08/2021)
Xin thương nâng đỡ con (04/08/2021)
Nguồn hạnh phúc đích thực (28/07/2021)
Nguồn vui sống của tôi là Chúa (27/07/2021)
Theo Chúa Kitô: Chia sẻ, yêu thương, hiệp nhất (20/07/2021)
Linh mục, người con của Đức Mẹ (19/07/2021)
Nghỉ ngơi trong cầu nguyện (16/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log