Suy tư - Chia sẻ

Mời gọi loan báo Tin Mừng

Cập nhật lúc 06:56 10/02/2022

 

Trong cuộc sống là người Kitô hữu chúng ta thật hạnh phúc được mời gọi dùng các tài năng của mình để loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, đây cũng là sứ điệp cũng như lời mời gọi của Giáo hội muốn nhắn gửi tới mọi người chúng ta qua lời Chúa hôm nay, tường thuật lại với ba ơn gọi khác nhau, ơn gọi của tiên tri Isaia, ơn gọi của thánh Phaolô, và ơn gọi của thánh Phêrô và các bạn đồng nghiệp, ba câu chuyện này điều nói lên một ý nghĩa của việc chọn làm tông đồ.

Diễn tiến bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy được ơn gọi của Isaia trong lịch sử cứu độ của dân Do Thái, khiển trách họ sống trong tội lỗi và bất tuân với Thiên Chúa, trong khung cảnh này Thiên Chúa can thiệp bằng cách mời gọi ngôn sứ Isaia ra đi loan báo Tin Mừng, giúp dân trở về nẻo chính đường ngay, hoán cải, bỏ con đường cũ bước đi theo thánh chỉ của Thiên Chúa: “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán, Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa: Dạ con đây xin sai con đi” (Is 6,8). Ơn gọi đổi đời của ông, xảy ra trong lúc cử hành phụng tự ở đến thánh Giêrusalem, ông được sống kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa bằng các giác quan của mình, ông trông thấy Thiên Chúa ngự trị trên toàn vinh quang. Isaia còn được nghe tiếng của các thiên thần hát tung hô Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3). Trước sự cao cả quyền năng của Thiên Chúa, ông nhận thức ra thân phận yếu hèn của mình, ông xác tín con người tội lỗi không thể xem thấy Thiên Chúa, nếu trông thấy Người con người sẽ phải chết.

Vì thế trong bài Tin Mừng, thánh Phêrô được chứng kiến mẻ cá lạ lùng liền nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Đây là một lời tuyên xưng thiên tính của Chúa Giêsu trước mẻ cá kỳ lạ này thì Phê rô tuyên xưng Chúa là Thầy! Là Chúa điều này chứng tỏ, qua phép lạ mẻ cá, Simon nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa, và ơn gọi của ông cũng bắt đầu từ đây. Việc nhận thức quyền năng của Thiên Chúa đã tạo cho Phêrô ý thức về thân phận tội lỗi bất xứng của mình trước sự thánh thiện cao cả quyền uy của Thiên Chúa, ở đây cũng cho ta liên tưởng về ngôn sứ Isaia trước đó: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6,5).

Qua đó, chúng ta thấy được ơn gọi Thiên Chúa ban cho mọi người một cách khác nhau. Trong bài Tin Mừng này có một điểm khác nhau nữa, Luca không nhắc đến tên của Anrê, mặc dầu ông là em của Simon, thường đi đánh cá với nhau. Nhưng chỉ nhắc đến tên hai anh em Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp, điều này muốn chứng tỏ rằng, Luca muốn nói đến Phêrô, Giacôbê và Gioan là nhóm ba người được Chúa Giêsu biệt đãi, vì nhóm này được chúng kiến con gái ông Giaia sống lại: “Khi đến nhà, Người không cho ai vào với mình, trừ ông Phêrô, ông Gioan, ông Giacôbê và cha mẹ của đứa bé” (Lc 8,51). Kế tiếp, biến cố biến hình trên núi (Lc 9,28) và tại vườn Cây Dầu (Mt 26,37), đối với tấm lòng mỗi người, Lời Chúa có sức mạnh biến đổi cuộc sống này, như biến thánh Phêrô. Vì thế, lắng nghe Lời Chúa dạy chưa khi nào dư hay thừa, chỉ có Lời Chúa mới làm cho chúng ta sống, mới làm thay đổi số phận của chúng ta, chỉ một câu nói của Chúa mà các tông đồ ngày xưa trở thành những người đứng đầu trong Hội Thánh. Cuộc sống hôm nay, Chúa cũng đang chờ đợi mọi người trở thành cộng sự viên của Ngài trong công tác loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn nhân loại, Phêrô và các bạn chài đã gặp gỡ Chúa ngay trong khung cảnh cuộc sống thường nhật của họ, và các sinh hoạt nghề nghiệp, qua biến cố của nếp sống đơn sơ này: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10). hình ảnh này cho thấy một sự chuyển biến rõ rệt từ mẻ cá sang việc truyền giáo trong Hội Thánh, đồng thời cho thấy rõ ý nghĩa của công việc truyền giáo hơn là điều kiện để trở thành người tông đồ truyền giáo. Sau đó các ông bỏ mọi sự mà theo Người, nghĩa là hiến dâng chính mình thoát khỏi mọi sự ràng buộc, ở đây giúp chúng ta liên tưởng đến ý nghĩa từ bỏ của cải vật chất (x. Mc 10,21).

Trong cuộc hành trình của mình thánh Phaolô truyền lại cho giáo hữu Côrintô kinh Tin Kính của cộng đoàn Kitô tiên khởi tuyên xưng niềm tin vào Chúa, Đấng đã chết để đền bù tội lỗi cho nhân loại: “Dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy” (1Cr 15,11). Trên con đường lòng tin thánh nhân như một bào thai bị phá hoại và phải chết xa lòng mẹ, nhưng cuộc gặp gỡ bất ngờ với Chúa đã trao ban cho thánh nhân cuộc sống mới trong ơn thánh, và còn cho thánh nhân trở thành tông đồ nhận lãnh từ Chúa Giêsu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Ngài cho muôn dân. Ơn gọi Kitô hữu là ơn gọi phát sinh từ một cuộc gặp gỡ đầu đời đối với Chúa Phục sinh. Qua những cuộc gặp gỡ đó Chúa biến đổi mỗi người hãy làm chứng cho Ngài. Nhưng chúng ta có sẵn lòng đón nhận và ra đi như tiên tri Isaia, thánh Phêrô, thánh Phaolô và các bạn chài của ngài hay không mới quan trọng…

Tu sĩ Phêrô Maria Phan Thuyết
Thông tin khác:
Sống trong tình hình hiện nay Đức Mẹ khuyên tôi: Hãy bước theo Chúa Giêsu trên đường vác thập giá (09/02/2022)
Để lời Chúa được thực thi (27/01/2022)
Dịp sang năm mới, Đức Mẹ dạy tôi hãy đón nhận sự sống mới do Chúa trao ban (26/01/2022)
Chúng ta được trở nên thụ tạo mới (05/01/2022)
Dịp lễ Chúa Giáng sinh Đức Mẹ khuyên dạy tôi hãy để ý nhiều đến thiện tâm (04/01/2022)
Ra đi đừng sợ hãi (26/12/2021)
Đức Mẹ giúp tôi cầu nguyện trong thân phận con người đau khổ (25/12/2021)
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối (22/12/2021)
Đức Mẹ chúc tôi hãy trở nên như trẻ thơ giống Chúa Hài Đồng (21/12/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log