Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giám mục GB. Bùi Tuấn |
1.
Khi nhận chức Giám mục ngày 30/4/1975, tôi đã chọn cho tôi một Lời Chúa làm khẩu hiệu.
Tôi nhớ trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng: “Thầy trao ban cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Có thể là tình hình lúc tôi thụ phong Giám mục là rất phức tạp, nên chính Chúa đã soi cho tôi chọn “Giới luật yêu thương” trích từ Lời Chúa trên đây làm khẩu hiệu, để ơn gọi Giám mục của tôi có phương hướng rõ ràng và chắc chắn.
2.
Tôi đã sống theo hướng đó. Qua 43 năm, bây giờ, tôi nhìn lại ơn gọi đó, tôi thấy yêu thương là một chuyến đi.
Tôi đi từ ngày này sang ngày khác, với niềm khao khát góp được phần nào trong việc xây dựng yêu thương cho những nơi tôi phục vụ. Tôi thấy thế này:
3.
Mỗi ngày là một ngày mới. Mỗi ngày của tôi bắt đầu từ thánh lễ bàn thờ. Trong thánh lễ bàn thờ, tôi được Chúa đốt lên trong tôi niềm khao khát Chúa. Tôi khao khát được gặp Chúa. Tôi khao khát tìm thấy Chúa. Tôi khao khát cho mọi người đều được gặp Chúa, để nhờ Chúa mà được cứu độ và được bình an.
4.
Sau thánh lễ bàn thờ là thánh lễ cuộc đời. Cuộc sống mỗi ngày của tôi được tôi coi là một thánh lễ cuộc đời. Trong thánh lễ cuộc đời, tôi cũng được Chúa đốt lên trong lòng niềm khao khát Chúa.
5.
Cứ thế, ngày nọ sang ngày kia, tôi trở thành con người khao khát Chúa.
Từ khao khát Chúa, tôi khao khát những giá trị đạo đức, trong đó có yêu thương như Chúa đã yêu thương.
Lòng khao khát đó chính là lời cầu nguyện. Chúa thương đến với tôi qua nhiều ngả, nhất là qua Lời Chúa và qua những con người sống yêu thương.
6.
Ngày nào, tôi cũng gặp được Lời Chúa và những người yêu thương. Tôi đón nhận những món quà đó, để đào tạo mình. Đón nhận như thế chính là một việc quan trọng để sống ơn gọi yêu thương.
Tôi cảm tạ Chúa cách riêng, vì nhiều người yêu thương không xa tôi. Họ là người yêu thương, trước khi làm việc yêu thương. Tôi tin họ có Chúa trong mình một cách nào đó.
Khi khiêm nhường đón nhận những gương sáng của họ, tôi cảm thấy mình được hạnh phúc, vì được trở nên tốt hơn, và vì thấy xã hội cũng được bình an hơn.
7.
Từ đón nhận tôi thực thi việc cho đi.
Cho đi của tôi là phục vụ. Tôi phục vụ mọi người, nhất là nhằm mục đích giúp cho họ gặp được Chúa là tình yêu cứu độ giầu lòng thương xót.
Để đạt được mục đích đó, tôi luôn chia sẻ Lời Chúa và luôn đề cao yêu thương.
Yêu thương, nên tôi coi cầu nguyện và hy sinh cho những người mình phục vụ, là điều cần thiết.
Yêu thương, nên tôi coi những việc lành nhỏ bé phục vụ, là một chọn lựa thích hợp cho tôi.
Yêu thương, nên tôi coi thái độ mà Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn người Samaria tốt lành (x. Lc 10, 29- 37) là điều rất phải quan tâm. Những người bị trọng thương nằm ở vệ đường như được tả trong dụ ngôn, hiện nay là vô số, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ai có trái tim yêu thương, sẽ nhận ra họ, để mà cứu họ, không cách này thì cách khác.
8.
Tôi nhớ có lần, ai đó đã nói: Cứu người thì phải cụ thể và quảng đại. Tôi muốn thêm “và cũng phải khôn ngoan”. Nếu không khôn ngoan, thì không chừng việc cứu sẽ không có hiệu quả, thậm chí còn có thể trở thành nguy hại cho người mình muốn cứu.
9.
Nói đến khôn ngoan, tôi nghĩ đến khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hiện nay đang ban ơn khôn ngoan cho nhiều người, nhiều nhóm, để họ biết cách cứu người theo thánh ý Chúa.
Chỉ có điều là chúng ta có xin vâng sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần hay không.
Rất nhiều lần, khi xét mình, tôi thấy tôi tưởng mình xin vâng Chúa Thánh Thần, nhưng đó là tưởng làm. Tôi phải sửa lại. Cũng Chúa Thánh Thần giúp tôi sửa lại.
10.
Với sự biết mình có nhiều điều cần sửa lại, tôi càng ngày càng nhận ra điều này: “Yêu thương là một chuyến đi. Chuyến đi của yêu thương là rất dài, rất phức tạp. Học mãi vẫn chưa đủ, nhận lãnh mãi vẫn chưa đủ, cho đi mãi vẫn chưa đủ.
11.
Nhưng được chút nào vẫn là hạnh phúc. Tôi cần cảm tạ Chúa vì hạnh phúc đó. Còn phần chưa đủ, thì tôi cậy trông ở Chúa. Như vậy, tôi được bình an, để bước thêm mãi, cho dù chuyến đi sẽ còn dài.
12.
Tôi thấy yêu thương là một chuyến đi dài, nhiều nhọc nhằn, có nhiều bất ngờ, với những hậu quả khó lường. Vì thế, tôi luôn nép mình dưới bóng Mẹ Maria. Xin Mẹ dắt dìu tôi như đứa con bé nhỏ của Mẹ.
13.
Có Mẹ ở bên, tôi thấy trong suốt chuyến đi này, tôi rất cần tỉnh thức và cầu nguyện, để nghe được Chúa Thánh Thần soi đường chỉ lối.
14.
Ngay chính lúc này, khi tình hình đang tăng thêm nhiều bất ổn ngấm ngầm, tôi càng được Mẹ khuyên hãy tỉnh thức và cầu nguyện nhiều hơn, bởi vì yêu thương sẽ gặp rất nhiều trắc trở, do ngoại cảnh và do nội bộ. Nếu chẳng may trắc trở lại do chủ quan của người môn đệ Chúa gây nên, thì sẽ rất nguy hiểm. Nỗi sợ của tôi là chính đáng. Biết sợ chính là một ơn Chúa ban.
15.
Trong một tình hình, mà rất nhiều người không còn sợ Chúa, thì nỗi sợ của tôi được coi là hữu ích cho chuyến đi yêu thương. Tôi sợ, nên tôi bám vào Chúa, tôi tìm đến Chúa, tôi xin Chúa cứu.
Và khi chắc chắn mình được Chúa thương, thì tôi chắc chắn đó là hạnh phúc và hy vọng cho tôi. Hạnh phúc và hy vọng đó theo tôi suốt hành trình yêu thương. Đi về cõi sau, sẽ ở bên Chúa đời đời vô cùng vô tận n