“Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. (Ga 15,4). |
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ví Ngài như cây nho và mỗi một con người là nhành nho, một hình ảnh rất đẹp và gần gũi với đời sống con người, giúp chúng ta ý thức được muốn có đời sống tôn giáo đích thực, phong phú mọi người phải ở trong Chúa, sống hiệp nhất, tuân theo các lời dạy của Ngài. Được biểu lộ qua tiếng lương tâm và lời dạy dỗ của Hội Thánh, Chúa Kitô gắn liền với Hội Thánh như đầu và thân thì người tín hữu đích thực không thể nào nói yêu Chúa mà không gắn bó với Giáo hội. Vì thế, Giáo hội trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công đồng Vatican II đã long trọng tuyên bố: “Chúa Kitô là cây nho đích thực. Người ban sức sống vào hoa trái cho các cành là chúng ta” (số 6).
“Như cành nho, nếu không gắn liền với cây nho thì không thể nào sinh hoa trái; ngược lại nó sẽ khô héo và chết đi” (Ga 15,2). Cũng thế, người Kitô hữu nếu không sống trong tâm tình liên kết mật thiết với Chúa Kitô thì cũng giống như những cành nho kia không sinh hoa kết trái, thì Người sẽ chặt đi và cho vào lửa. Cho nên, nhờ đời sống trong Chúa, người tín hữu được Thiên Chúa chăm sóc làm cho mỗi ngày được trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được bông thơm trái tốt, ngược lại nếu chúng ta xa Chúa, chúng ta sẽ khô héo và cuối cùng bị ném vào lửa hỏa ngục đời đời. Phải kết hợp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hợp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hợp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hợp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Trong Cựu Ước, dân Ixraen thường được ví như vườn nho của Chúa, chính Giavê Thiên Chúa vun trồng từng ngày, tuyển chọn và hy vọng những cây nho sẽ sinh hoa kết trái (x.Is 5,1-7). Nhưng, dân đã không trung thành và đi lệch với đường lối của Thiên Chúa! Thay vì sinh trái tốt, họ chỉ biết bỏ Chúa đi thờ những thần do họ làm nên, họ thờ Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng họ thì lại cách xa Chúa, họ là những tên quản lý bất trung, không mang lại hoa trái nào cho Chúa (x.Mt 21, 33-45). Vì thế, trong một đoạn văn ngắn có tới bảy lần từ ngữ “kết hợp” được nhắc đi nhắc lại cho thấy tầm quan trọng của mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người. Ý thức được điều đó, Thánh Phaolô nhấn mạnh vào việc ở trong Thầy như một động lực đưa đến thành công trong việc truyền bá Tin Mừng, ngài nói: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Ki tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Vì thế, diễn tiến bài đọc thứ nhất cho thấy mọi người đều sợ ông Saolô (x.Cv 9,26), vì ông đã từng bắt bớ các tín hữu nhưng khi ông Banaba đứng ra bảo lãnh đưa ông Saolô đến gặp các Tông đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao. Từ đó, các Tông đồ có một cái nhìn khác về Saolô (x.Cv 9,27). Họ đã đi lại hoạt động ở Giêrusalem. Kể từ đó, một con người bắt bớ, ghét đạo Phaolô trở thành một con người mới, nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Qua đó, chúng ta nhìn nhận được sự hiệp nhất của các Tông đồ thời Chúa Giêsu phục sinh quan trọng như thế nào, nếu không có sự hiệp nhất làm sao các ông có thể rao giảng Tin Mừng cho người khác. Nếu Chúa Giêsu và các môn đệ không cho Phaolô một cơ hội làm lại cuộc đời, Giáo hội sẽ không có một Tông đồ nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng như thánh Phaolô. Nếu Chúa Giêsu đã cho Phaolô và cho tất cả mọi người, có cơ hội ăn năn trở lại; chúng ta là ai mà dám giam cầm tha nhân trong quá khứ không hay của họ! Hãy cho nhau một cơ hội. Đừng giam hãm tha nhân trong quá khứ của họ.
Trong cuộc sống hôm nay, nhân loại đang muốn tìm cách xa Chúa, để rồi có những kết thúc không mấy tốt đẹp, xử sự với nhau theo ý riêng mình và đi đến hủy hoại loại trừ lẫn nhau. Trong số đó vẫn còn người tìm về với Thiên Chúa, họ có thiện chí và chắc chắn Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ họ (x.Ga 10,10). Đối với Giáo hội, Lời Chúa vừa như khuyến khích, trấn an, cũng như cảnh cáo những ai muốn làm sai thánh ý Chúa và sai đường lối của Giáo hội. Chúng ta nên nhớ rằng: Giáo hội, chúng ta ở trong Chúa Giêsu, chúng ta không làm được gì nếu như không có Ngài (Ga 15,5)
Vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra để đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, một tình yêu nhưng không, một tình yêu chỉ có cho mà không mong đền đáp. Đối với con người, thánh Gioan cũng khuyến cáo rằng: “Chúng ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (Ga 3,18). Trong cách cư xử, suy nghĩ, hành động, tiếp xúc… tất cả phải lan tỏa tình yêu với lòng thương xót, đem bình an, niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh đến những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống, trong môi trường sinh hoạt thường ngày. Bởi vì, Chúa đã sống lại hiển vinh, là hạnh phúc đích thật của chúng ta, vấn đề còn lại chúng ta có thực sự sống cho Chúa và hiệp thông với anh chị em hay không. Đó mới là điều quan trọng.