Tin tức - Hoạt động

Ông Ba Mươi và điểm hên xui

Cập nhật lúc 06:51 29/01/2022
Tranh Xích Hổ - thuộc dòng tranh Hàng Trống. Ảnh: CTV
Tranh Xích Hổ - thuộc dòng tranh Hàng Trống. Ảnh: CTV
1. Khái niệm về thời gian

Văn hóa Á Đông phân chia thời gian theo vòng tròn trôn ốc, một vòng là 60 năm, hết 60 năm (30 cặp can chi) thì bắt đầu lại.

Cách phân chia này gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu lịch sử khi cần xác định một biến cố trong quá khứ, tức là một sự việc có thật đã xảy ra ở một “thời điểm” (thời gian nhất định) và ở một “địa điểm” (không gian nhất định). Thời gian và không gian như Tung và Hoành trong toán học để xác định một điểm A, B, C nào đó trên một mặt phẳng.

Ví dụ một cuộc chiến xảy ra vào năm Nhâm Ngọ - nếu chỉ nói thế thì không thể xác định được thời điểm nào vì trong quá khứ có rất nhiều năm Nhâm Ngọ. Muốn xác định được thì phải thêm một yếu tố phụ, thường là triều vua, thí dụ Tự Đức Nhâm Ngọ Niên, tức là năm Nhâm Ngọ triều vua Tự Đức (1847-1883). Vậy Tự Đức Nhâm Ngọ Niên là năm 1882 (trước khi vua băng hà một năm).

Âm lịch có Thập Thiên Can và Thập Nhị địa chi. Cọp là một trong 12 con vật đứng đầu địa chi: Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, cọp đứng thứ ba.

Văn hóa Tây phương (Âu Mỹ) đơn giản hơn, tính thời gian theo đường thẳng, lấy năm Chúa Giêsu ra đời là cột mốc phân chia thời gian thành hai phía: trước Đức Giêsu sinh ra (trước Công nguyên - B.C=Before Christ - a-J.C=avant Jesus Christ) và phía sau năm Chúa Giêsu sinh ra (sau Công nguyên - A.D=Anno Domini):
 
“Đức Kitô vẫn là một
Hôm qua cũng như hôm nay
Là Alpha và Ômêga
Nghĩa là Khởi nguyên và Tận cùng Người làm chủ thời gian
Và muôn thế hệ
Vạn tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng
Vạn vạn tuế - Amen.”
(Lễ nghi làm phép nến Phục sinh tối thứ bảy Tuần Thánh)
 
Phía trước Công nguyên thì đếm ngược lại cho đến năm 1 Công nguyên: Thí dụ năm 4000 trước Công nguyên (B.C). Nếu có một con số tiếp theo, ví dụ năm 4000-3500 thì không cần thêm trước Công nguyên nữa.

Phía sau mốc Công nguyên thì cứ thẳng tuột cho đến tận thế, ví dụ: Thời nhà Nguyễn từ vua Gia Long tới vua Bảo Đại (1802-1945)

2. Gốc tích ông Ba Mươi

Nguồn gốc xa xưa nhất là tập chuyện “Lĩnh Nam Chích Quái”. “Lĩnh Nam Chích Quái” là một tập hợp gồm 23 chuyện quái dị ở Xứ Lĩnh Nam (Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam) do Trần Thế Pháp đời Trần soạn, sau này có Vũ Quỳnh (1452-1516) và Kiều Phú (1447-?) đời Lê tu chỉnh (bổ sung, san định). Trong những chuyện quái dị có chuyện thờ Mộc Tinh. Mộc Tinh là Thần Chiên Đàn (một loài gỗ thơm và quý trong rừng sâu núi thẳm). “Lĩnh Nam Chích Quái” chép: “Dân phải lập đền thờ, hằng năm tới ngày 30 tháng Chạp phải tế lễ và theo lệ phải mang theo người sống tới nộp mới được yên bình.” Dân thường gọi vị thần này là Xương Cuồng. Trong chuyện Mộc Tinh, Xương Cuồng là thần cây Chiên Đàn, ám chỉ Mộc Tinh là thú dữ, chúa tể rừng núi đó là hiện thân của con hổ hay cọp. Sự tích ông Ba Mươi lấy từ chuyện Mộc Tinh là chuyện tế thần (cọp) vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm của người Văn Lang thời Hùng Vương xưa.

Sự tích ông Ba Mươi còn có một nguồn khác nữa, đó là thời xưa cọp beo nhiều, chúng thường ăn thịt người và bắt đi nhiều thú vật như heo, chó, gà, vịt, v.v… Dân chúng rất sợ hãi. Thường đêm 30 hằng tháng, trời tối mịt, tạo điều kiện thuận lợi cho cọp về làng kiếm ăn nên dân chúng sợ hãi cúng vái cho được bình an, coi cọp như một ông thần dữ tợn và gọi là ông Ba Mươi.

Chúng ta không lấy làm lạ vì thời xa xưa dân chúng chưa được khoa học mở mang trí tuệ, còn rất mê tín dị đoan, sợ hãi và tôn thờ cúng vái những sức mạnh thiên nhiên như thần sấm, thần sét: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”… Những gì là sức mạnh có thể giết người là dân chúng thờ. Trong những tác nhân giết người, ăn thịt người có hổ, hay hùm, nên không lạ gì việc dân gian cúng vái hổ hay hùm và gọi là ông Ba Mươi.

Câu ca dao thần thánh hoá con cọp vẫn còn tới nay:
 
“Trời sinh ra hùm có vây
Hùm mà có cánh hùm bay lên trời”

Cũng có một nguồn khác nữa là Lệ Vua. Mỗi khi có ai bắt được cọp, trừ nguy hiểm cho dân thì được vua thưởng cho 30 quan tiền. Có lẽ chính vì lệ này mà có tên ông Ba Mươi.

3. Thân phận đích thực của ông Ba Mươi
  •  Ông chỉ là loài động vật có vú họ mèo
  •  Một trong 5 loài mèo lớn thuộc chi panthera ăn thịt, da có lông vàng sọc vằn đen.
  •  Tên khoa học là panthera tigris
  •  Thuộc gia đình Felidae order carnivora
  •  Có nhiều tên gọi tại Việt Nam: Hổ, Hùm, Hầm, Cọp, Khái, Kễnh, Kẹ, Hạm, ông Ba Mươi…
- Tên gọi “Hùm” và “Khái” (Nôm) là sớm nhất. Từ điển Taberd 1838:
“Lên rừng thì sợ khái, ngoài bể thì sợ cá ông voi.”
(trong Nghệ An tỉnh khai sách)


- Tên gọi “cọp” xuất hiện trong tập thơ Nam Kỳ trang 14 (Iprimerie Nationale 1876) với từ “cọp dữ”.

- Chuyện Giải Buồn của Quản Hạt 1886: “tích cọp lạy, cọp có nghĩa”.

- Lục Vân Tiên (1889): “Vào rừng cọp thấy đều quỳ lạy đưa.”

- Hổ (gốc Hán) mượn tiếng và hình ảnh của Tàu.

- Hạm (Nôm): “Tránh Hùm gặp Hạm.” Trong Chuyện Giải Buồn trang 15. “Con Hạm” (Huỳnh Tịnh Của. 1887)

- Hầm (âm phỏng tiếng gầm của cọp) chỉ con cọp: “Hầm mạnh phải nhe nanh”. Chuyện: “Đánh hổ cứu cha” của Edmond Nordermann 1898.

- Kẹ (Nôm) trong từ điển “Giúp đọc Nôm và Hán Việt” của linh mục Anthony Trần Văn Kiệm.

- Kễnh (Xuân Hương Di Cảo): “Dang tay ôm Kễnh đập lên đầu.”
  •  Tuổi thọ 8-10 năm
  •  Trọng lượng từ 90-310 kg.
  •  Nhiều giống ở rải rác khắp các miền trên thế giới: Hổ Bengal, Hổ Siberia, Sumatra, Ba Tư, Ấn Độ, Á châu, …
  •  Số lượng cọp trên thế giới: theo Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế (ITC) trong vòng 15 năm qua, quần thể hổ thế giới giảm mạnh, từ 10.000 cá thể xuống còn 3.500 cá thể như hiện nay. Hổ Siberia sắp diệt chủng hiện chỉ còn khoảng 40 cá thể. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo năm 2012 chỉ còn 28-47 con trong rừng sâu.
4. Điềm hên xui với cọp

A. Điềm hên: thân phận chỉ là một động vật không chiếm lĩnh đỉnh cao:

- Không to khỏe như voi, như tê giác
 Không được tiếng là “Chúa sơn lâm” như sư tử, thường thua sư tử khi có tranh chấp Thế mà được một bộ phận trong thế giới loài người tôn kính mến yêu.

- Tối 30 tháng Chạp có lễ nghi cúng tế, có những lời tán tụng, cầu xin…

- Được gọi là ông Ba Mươi - Trong hệ thống đánh số can chi theo âm lịch, mỗi khi tới năm Dần là hình ảnh của ông Ba Mươi đủ mọi tư thế được vẽ được in và được trưng bày khắp nơi.

- Không cuốn lịch nào thiếu hình ông

- Các nhà kinh doanh lịch săn đón, chăm chút, trình bày ông hầu mong thu được nhiều lợi nhuận.

- Thiên hạ đã truyền miệng nhau: “Cọp chết để lại da, người chết để lại tiếng.” Da của ông đẹp, quý được những đại gia thỉnh về treo ở phòng khách sang trọng có ý tỏ ra “mãnh lực” của gia chủ.

- Móng của ông được loài người săn tìm, bọc vàng, bạc đeo ở cổ như một “bùa” hộ mệnh. - Nanh của ông càng dài càng đắt tiền, loài người mua về, bọc vàng, bạc rồi đeo ở cổ như biểu tượng của sức mạnh.

- Xương của ông trở thành “thần dược” cho sức khỏe con người. Có cả một ngành bào chế thuốc nam chuyên sưu tầm xương ông để chế biến thành cao hổ cốt, bán rất đắt giá và luôn được coi là “sức bật của tuổi trẻ, sức khỏe của tuổi già”.

- Trong thuật phong thủy: Trấn phong trước nhà thường đắp nổi hình ông oai phong lẫm liệt trấn át tất cả sức lực của tà ma chướng khí.

- Cũng trong thuật phong thủy, phía trước mỗi biệt phủ (đứng trong nhìn ra) thì bên trái là phải thiết kế “Thanh Long” (giếng, hồ nước) đối xứng phía bên phải là “Bạch Hổ” (Non Bộ)

- Loài người còn tỏ lòng kính trọng ông qua việc “kỵ húy” không dám gọi thẳng tên cọp mà gọi tránh đi bằng cái tên: ông kẹ (Nôm) trong: “Giúp đọc Nôm và Hán Việt” của linh mục. Anthony Trần Văn Kiệm. - Gọi: ông Kễnh (Xuân Hương Di Cảo): “Dang tay ôm Kễnh đập lên đầu.”

- Gọi: ông Khái: “Lên rừng thì sợ Khái, ngoài bể thì sợ Cá ông voi.” (Nghệ An tỉnh khai sách)

B. Bên cạnh những điều nói ở trên kể như niềm vinh dự hay điềm hên của hổ thì những điều không hay như điềm xui cũng không kém.

- Hổ luôn làm phông để tôn vinh con người. Chuyện: Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương trong Thủy Hử, một trong tứ đại tiểu thuyết của Trung Quốc do Thi Nại Am biên soạn.

Chuyện dân gian: Trí khôn tôi để ở nhà, hổ ta oai phong ra cánh đồng dạo mát thấy con trâu đang kéo cày, nó lên tiếng hỏi:

- Trâu! Tại sao mày to khỏe như thế mà lại để cho thằng người bé con nó bắt mày kéo cày, nó lấy roi quất mày?

- Bẩm ông: nó bé nhưng nó có trí khôn.

- Thằng người! Trí khôn mày đâu đưa tao xem, nếu không tao ăn thịt mày.

- Bẩm ông trí khôn tôi để ở nhà ạ.

- Đi về ngay lấy ra đây cho tao xem.

- Bẩm không được: tôi đi về ông ăn thịt trâu tôi thì sao. Nếu ông muốn tôi đi về lấy trí khôn cho ông xem thì ông hãy nằm xuống gốc cây đa này để tôi trói ông lại tôi mới về được.

- Đồng ý

Thế là hổ nằm xuống cho thằng người lấy chão trói bốn chân vào gốc đa, sau đó lấy bắp cày đập liên tục vào đầu con hổ và tuyên bố: Trí khôn ta đây, trí khôn ta đây. Con hổ giẫy đành đạch rồi lăn cổ ra chết.

Câu chuyện cho thấy con người vẫn đứng đầu vạn vật: “Linh ư vạn vật”.

Trong ngành tử vi (còn khá phổ biến trong dân gian Việt Nam) thì cọp là con vật người ta úy kỵ. Ai sinh nhằm năm Dần tức là “cầm tinh con cọp” thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, nhất là con gái mà cầm tinh con Dần thì 80% cầm chắc số “Ế”.

Vừa quen nhau bố mẹ đã coi tuổi, tìm Tam Hợp, Tứ Xung.

Tam Hợp.

Tuổi Dần tìm đỏ mắt ra không gặp được tuổi Ngọ hay Tuất thuộc cung âm. Dần mạng Mộc, Ngọ mạng Hỏa, Tuất mạng Thổ. Cửa hôn nhân thật hẹp với tuổi Dần.

Tứ Xung: Dần Thân Tỵ Hợi

Dần gặp 3 tuổi Thân (khỉ), Tỵ (rắn), Hợi (heo) thì kể như vô phương cứu vãn. Không cha mẹ nào tin tử vi mà chấp nhận cho cưới, dù có yêu nhau tha thiết. Nếu cứ liều mà lấy nhau “mặc áo không qua khỏi đầu” thì sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống với gia đình hai họ. Khi có chuyện là họ đổ thừa tại kỵ tuổi mà cố tình cãi cha cãi mẹ, bây giờ thì một là ly dị, hai là “mặc xác” đi đâu thì đi, làm gì thì làm.

Do đó, trong một xã hội mà mê tín dị đoan còn chế ngự thì con gái sinh năm Dần kể là “sinh nhằm ngôi sao xấu”. Cho nên bậc cha mẹ vừa ghét vừa sợ ông cọp, chỉ cầu mong đừng sinh con gái năm Dần. Đây chính là điềm xui.

Nhân nói về năm Dần, tuổi Dần, người viết xin mách nhỏ những bạn gái trẻ chẳng may “cầm tinh con cọp” một mẹo không sợ xui. Đó là các bạn cứ bình thản, học hành, chuẩn bị hành trang vào đời thật tốt, rồi khi tới tuổi yêu đương, hãy tìm những chàng trai văn minh tiến bộ, có lập trường không tin mê tín dị đoan để làm bạn đường và bạn đời, nhất là các bạn hãy tìm và làm quen những thanh niên Công giáo tốt, các bạn khỏi phải phập phồng lo sợ kỵ tuổi, kỵ mạng, vì những người Công giáo có đức tin trưởng thành không bao giờ tin dị đoan, không bao giờ coi ngày giờ, tuổi tác. Cả cha mẹ ông bà họ cũng vậy nên cứ yên tâm trau dồi cuộc sống và chờ đón hạnh phúc hôn nhân. Đối với người Công giáo, những gì liên quan tới năm Dần điều hên cũng chỉ là mê tín, điều xui cũng chỉ là dị đoan mà thôi.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết
Thông tin khác:
Nghĩ về tính Hiệp hành của Giáo hội trong đại dịch (28/01/2022)
Tết Việt trên đất Mỹ (28/01/2022)
Người Công giáo Việt Nam với việc tôn kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên (28/01/2022)
Chút tâm tình hướng tới Hội Thánh hiệp hành (28/01/2022)
Tết và đạo hiếu (27/01/2022)
Tết với người Công giáo Việt Nam (27/01/2022)
“Không bao giờ nghĩ Chúa sẽ chọn mình vào chức vụ này” (26/01/2022)
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm, chúc mừng tại giáo phận Thanh Hóa (26/01/2022)
"Xuân nhân ái - Tết sẻ chia" đến với người nghèo huyện Thường Tín (25/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log