Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Đông Phương |
Vừa qua, các Tòa Giám mục đã cử hàng trăm linh mục, tu sĩ tình nguyện tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Các tu sĩ tình nguyện có những vị tham gia vào việc xét nghiệm, kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn thiết bị y khoa, đưa đón (xác) bệnh nhân... Nhiều người khác trực tiếp tham gia săn sóc bệnh nhân, hỗ trợ các y, bác sĩ trong các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng Covid-19. Để có thể hiểu những tâm tình của những “Tu sĩ-Chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch, mời độc giả cùng nghe những lời tự thuật của nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Vui, dòng Nữ tì Chúa Giêsu Linh Mục. Qua đây, chúng ta hiểu thêm, đi đến cảm thông, tri ân những y, bác sĩ, nhân viên và các thiện nguyện đang tham gia vào công việc rất vất vả. Đồng thời thêm lời cầu nguyện cho họ cứu người, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Hôm nay, tôi trực ca đêm và cảm thấy thấm thía câu nói của tiền nhân: “Thức đêm mới biết đêm dài”.
Trước giờ trực đêm, thấy tôi thao thức, trở mình hoài nên cô điều dưỡng bảo: “Tranh thủ chợp mắt tí cho đỡ mệt”. Vâng, mắt tôi vẫn nhắm nhưng không sao ngủ được, phần vì sắp đến ca trực, phần vì thương các bệnh nhân. Vừa nằm xuống thì cảnh tượng các bệnh nhân thở thoi thóp với bao nhiêu dây dợ xung quanh lại hiện ra trước mắt. Hơi thở là gì mà khiến cho biết bao người phải khổ sở vì nó? Tiền bạc, địa vị, danh vọng...phải chăng có thể mua được sự sống?
Suy nghĩ đến đây, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được dùng “máy thở tự nhiên” mà Chúa ban tặng; hạnh phúc vì được chứng kiến những hình ảnh cảm động của các bác sĩ thức suốt đêm lo cho bệnh nhân; hạnh phúc vì mình được góp một phần nhỏ bé vào việc phục vụ các bệnh nhân covid. Nơi đây thật sự là gia đình, không phải vì có ba có mẹ, có người thân yêu, nhưng vì nó chứa đựng tình yêu thương nhân loại đong đầy. Đó là nơi các bác sĩ tận tâm vì bệnh nhân, nơi các nhà hảo tâm đổ tràn tình thương bằng cách lo những bữa cơm cho các tình nguyện viên. Đây cũng là nơi các bác tài vui vẻ đưa đón tình nguyện viên đi làm, nơi các bác bảo vệ ngày đêm chờ các đoàn xe đi về; nơi không còn sự phân biệt tôn giáo nhưng tất cả vì bệnh nhân thân yêu, nơi biết bao lời cầu nguyện và lời thăm hỏi từ hậu phương gởi đến để khích lệ tinh thần chúng tôi.
Tôi đã lặng người và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy túi đồ của bệnh nhân vì bên trong chỉ vỏn vẹn mấy hộp sữa và mấy cái mền có lẽ do quá vội nên chưa kịp xếp gọn gàng. Tôi đã bàng hoàng khi vừa bước vào ca trực thì một bệnh nhân đã ra đi...
Làm sao có thể ngủ khi xung quanh các bệnh nhân còn sống cũng như đã ra đi không có sự chăm sóc hay tiếng khóc than của người thân mà chỉ có tiếng máy “pin...pin..pin”. Tài sản duy nhất của họ chỉ có một chiếc điện thoại bỏ trong túi nilon, không người thân, không địa chỉ. Có những bệnh nhân ra đi mà tìm một lúc mới thấy địa chỉ và số điện thoại, nhưng bác sĩ chỉ kịp báo cho người nhà một câu ngắn gọn: “Bệnh nhân T.. đã ra đi rồi nha”. Khi các bệnh nhân ra đi, họ chỉ được đặt vào một cái túi đựng thi hài rồi chuyển ra xe. Tôi tưởng tượng cảnh người nhà đau khổ thế nào khi đưa bệnh nhân đi là thân hình nguyên vẹn nhưng khi nhận về chỉ là hũ tro. Nghĩ tới đó tôi không dám tưởng tượng tiếp, nước mắt tôi chảy dài trên má mà tôi cứ ngỡ đó là mồ hôi.
Trở về với công việc của mình, tôi nhớ: Mỗi khi tiễn đưa bệnh nhân xong thì ai vào việc nấy. Tôi lau người cho từng bệnh nhân. Khi lau người cho họ, tôi cảm nhận được nhịp thở của họ thật yếu, có người hoàn toàn bất động. Những người này khi còn khỏe đều tự làm mọi thứ, tự tắm rửa, tự ăn uống. Bây giờ, họ phải phó thác số phận cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Trong phòng tôi làm có hai người còn tỉnh táo. Một bác nhắn: Nếu nhắn về được cho gia đình, xin báo cho gia đình bác biết là bác vẫn bình an. Tôi thấy thương bác quá! Bản thân bị bệnh nặng mà còn nghĩ cho người khác. Còn một bác khác là cựu chiến binh, bác nói: “Là cựu chiến binh, bao nhiêu khổ cực bác cũng chịu được nhưng nay lại không thể chịu nổi một con virus bé tí. Nó hành hạ bác đau lắm, nóng lắm, trong phổi và cổ họng như lửa đốt”. Hèn chi tôi thấy bác cứ gồng lên từng cơn mỗi khi nhiệt độ tăng. Tôi đã tưởng mình làm bác đau nên hỏi: “Con làm bác đau hả?” Bác trả lời: “Không đau...con làm nhẹ nhàng mà...cảm ơn con nhiều lắm”.
Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của các anh chị em thiện nguyện khác đang lau người bệnh nhân. Hình ảnh ấy thật đẹp, giống như các chị em của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đang chăm sóc bệnh nhân vậy. Tôi tự hỏi, nếu những người đang nằm đây là người thân hay bản thân mình thì sẽ ra sao nhỉ??? Kì lạ, thay vì cảm giác lo lắng tôi lại cảm thấy thật bình an. Bình an vì tin rằng có Chúa luôn đồng hành. Bình an bởi nơi đây có những người chị em mới, tuy không cùng dòng tu, không cùng tôn giáo nhưng chung một chí hướng. Bình an vì tôi tin ở nhà - “hậu phương vững chắc” - vẫn không ngừng cầu nguyện cho tôi.
Đêm nay, một đêm tôi không ngủ với bao suy nghĩ: Nghĩ về bệnh nhân và nghĩ về bản thân mình, nghĩ về phận người và nghĩ về cuộc đời. Hơi thở là chi mà biết bao người phải nỗ lực để giành giật lấy? Thế mới thấy quý “cái máy thở tự nhiên” mà Chúa ban cho và biết trân quý những giây phút được đoàn tụ bên người thân, bên gia đình. Nơi đây, tôi muốn gởi tới mọi người lời nhắn nhủ đơn sơ: “Hãy tranh thủ thời gian ở nhà để cùng gia đình nấu những bữa cơm thật ấm cúng và chia sẻ với nhau những giây phút vui tươi, hạnh phúc nhiều hơn. Và cũng đừng quên dành thêm thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần nữa nhé!”.