Tin tức - Hoạt động

Lương, giáo chung tay phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Cập nhật lúc 09:14 10/02/2017
Vốn là vùng đất chiêm trũng cách trung tâm Hà Nội 60 km, rất khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng với những bước đi hiệu quả và sự chung tay lương- giáo trong xây dựng nông thôn mới, xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã thực sự khởi sắc.

Một góc xã Hợp Thanh hôm nay (ảnh:An Luých)

 
Xã Hợp Thanh có 496ha diện tích đất nông nghiệp, khoảng 15.400 nhân khẩu, đồng bào Công giáo chiếm 45% dân số, trong đó thôn Ải (giáo xứ Nghĩa Ải) là thôn toàn tòng Công giáo.

Trước khi xây dựng nông thôn mới, Hợp Thanh chỉ có 2 tiêu chí đạt nông thôn mới là hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Vì vậy, để xây dựng nông thôn mới, Hợp Thanh xác định sẽ phải nỗ lực vượt qua rất nhiều thách thức. Trong đó tạo bước chuyển biến trong phát triển kinh tế vừa là thách thức vừa là mục tiêu quan trọng nhất.

Với đặc điểm đất nông nghiệp chủ yếu là chiêm trũng, địa hình không bằng phẳng, sản xuất manh mún. Do đó, để có bước chuyển biến trong sản xuất,  tạo đà cho xây dựng nông thôn mới, Hợp Thanh đã tiên phong  làm xã đầu tiên trong huyện thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại  nông nghiệp  theo hướng sản xuất hàng hóa.

Xã đã thành lập các tiểu ban xây dựng nông thôn mới, mỗi tiểu ban đều có sự tham gia của người dân, tiến hành tổ chức các buổi tập huấn, họp dân tuyên truyền về lợi ích của nông thôn mới và dồn điền đổi thửa, đồng thời bàn bạc lấy ý kiến về cách thức thực hiện. Tại các khu dân cư đông đồng bào Công giáo, bà con giáo dân đều tích cực tham gia góp ý kiến.

Các tiểu ban đã cùng người dân tổ chức chia ruộng theo hình thức gắp thăm. Chính quyền xã có chính sách ưu tiên người dân nhận ruộng xấu, hỗ trợ giống, vốn để chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác, chuyển đổi phần diện tích đất trũng cho các hộ có nhu cầu nuôi cá. Vì thế, chỉ hơn nửa năm thực hiện, Hợp Thanh đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, trước kia mỗi hộ có từ 7- 14 mảnh ruộng, nay chỉ còn 1- 3 thửa ruộng.

Dồn điền đổi thửa đã tạo thuận lợi cho việc hiện đại hóa nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất. Bà con cũng chuyển đổi sang gieo cấy giống lúa lai, lúa chất lượng cao với giá trị hàng hóa cao và đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy, năng suất lúa đã tăng từ 8- 10 tạ/ha, năm 2016 đạt 75 tạ/ha (trước khi dồn điền đổi thửa 63 tạ/ha).

Song song với chuyển đổi giống lúa và phương thức sản xuất, Hợp Thanh đã quy hoạch và phát triển vùng nuôi thả cá với tổng diện tích 120 ha. Đây là khu vực chiêm trũng ngập úng rất khó cấy lúa. Hiện nay, các trang trại cá đã được người dân đầu tư bài bản và sản xuất ổn định với doanh thu bình quân 130 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

Để tạo bước nhảy về kinh tế, Hợp Thanh còn đẩy mạnh các ngành thương mại- dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp như kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, mở rộng thông thương sang các tỉnh, thành phố khác. Đến nay, thương mại dịch vụ đang đóng góp quan trọng cho kinh tế địa phương, chiếm 40% kinh tế của xã.

Với hộ nghèo,  Đảng ủy xã đứng ra vận động các nhà hảo tâm tặng 28 con bò giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, vận động người dân hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất. Do đó, đã từng bước giảm được hộ nghèo.  Tỷ lệ hộ nghèo khi xây dựng nông thôn mới năm 2012 là 5,2%, năm 2015 còn 2,6%. Người Hợp Thanh, nhất là bà con Công giáo là không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn chia sẻ kinh nghiệm, “dìu dắt” người khác trong buôn bán, làm ăn. Qua đó nhân rộng thành công của một người thành phương thức làm ăn cho nhiều người.

Sản xuất kinh doanh có bước phát triển,  bộ mặt làng quê cũng khởi sắc: Hầu hết đường giao thông trong xã được bê tông hóa, cứng hóa, nhiều ngôi nhà mới khang trang xây dựng. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới Hợp Thanh còn 38 nhà tạm, nhà dột, nhưng đến năm 2015 đã xóa xong nhà tạm, nhà dột. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm. Hợp Thanh đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và vừa đón nhận danh hiệu Xã nông thôn mới đầu tháng 12/2016, trước đó, Hợp Thanh còn được UBND thành phố Hà Nội tặng cờ thi đua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Đức Trí- Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thanh cho biết, điểm nhấn quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là đã tạo ra được sức bứt phá cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đó là kết quả từ sự kết hợp giữa đường lối đúng đắn và sự đồng thuận, chung sức chung lòng giữa lương - giáo trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa…

Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thanh nhận định, trong năm mới 2017, kinh tế của Hợp Thanh hứa hẹn nhiều triển vọng do các ngành thương mại- dịch vụ đang vào độ phát triển. Bên cạnh đó, nông nghiệp đang tiếp tục chuyển đổi theo hướng nhân rộng mô hình lúa- cá- vịt, luân canh có giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích và mô hình cấy lúa hàng biên (hàng rộng và hàng hẹp xen kẽ thích hợp để tận dụng ánh sáng cho cây lúa phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh). Xã đã quy hoạch 16 điểm chuyển đổi cây, con giống và đang có dự án đầu tư cho vùng chăn nuôi tập trung với các hạng mục: làm mương cứng, trạm bơm, giao thông, xây dựng chợ đầu mối…

 

BÙI AN
Thông tin khác:
Chợ Tết (10/02/2017)
TẾT không pháo VẪN VUI (10/02/2017)
Thực hiện tốt chính sách tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (09/02/2017)
Người Công giáo ăn Tết như thế nào? (09/02/2017)
Đức Thánh Cha tiếp tục công việc cải tổ cơ quan Tòa Thánh (08/02/2017)
Từ sự thật Thánh Kinh tới sự thật lịch sử (08/02/2017)
Bước tiến mới của nhà nước pháp quyền về tôn giáo (08/02/2017)
Đảng, Chính quyền và các tôn giáo đến thăm và chúc tết cho nhauNăm Đinh Dậu (2017) (08/02/2017)
Mùa xuân khích lệ người (07/02/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log