Sáng 19/11, nhà thờ Nhân Hòa (quận Tân Phú) tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho người mất trong Covid-19, với hơn 100 giáo dân cùng gia đình nạn nhân tham gia.
Linh mục Đa Minh Vũ Đình Thái, chánh xứ nhà thờ Nhân Hòa, Trưởng ban đoàn kết Công giáo quận Tân Phú cho biết, đây là thánh lễ đặc biệt nhằm hưởng ứng lễ tưởng niệm những nạn nhân Covid-19 của TP HCM.
9h30, thánh lễ bắt đầu, linh mục Đa minh Đinh Ngọc Lễ (chủ tế) đi vào thánh đường. Các giáo dân cùng đứng lên, chắp tay thành kính.
Nhiều giáo dân có mặt từ trước đó một tiếng, trang phục chỉnh tề, quỳ đọc kinh cầu nguyện, chờ đến giờ thánh lễ. Mọi người đều đeo khẩu trang, ngồi giãn cách để phòng dịch.
Trên cung thánh, một bàn thờ bài trí hoa, nến đơn giản với tông màu tím chủ đạo để tưởng niệm nan nhân của đại dịch.
Trong công giáo, màu tím có ý nghĩa đời sống cũ qua đi và đời sống mới mọc lên.
Trước khi vào thánh lễ, các giáo dân cùng đứng lên thắp nén nhang tưởng nhớ hơn 23.000 người Việt đã mất trong đại dịch.
Đến phần phụng vụ Thánh thể, chính giữa cung thánh, linh mục Đa minh Đinh Ngọc Lễ cùng các linh mục đồng tế làm nghi thức thánh hóa bánh và rượu để những lễ vật này trở thành "mình" và "máu" Chúa kitô.
Các linh mục và giáo dân cùng cầu nguyện: "Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen".
Bên góc thánh đường, đội ca đoàn cùng các soeur hát các bài thánh ca và làm dấu thánh cầu nguyện cho những người mất trong đại dịch.
Ngồi lặng lẽ ở góc dưới giáo đường, bà Trần Tú Oanh (quận Tân Phú) xúc động khi cầu nguyện cho người mất trong đại dịch. "Trong gia đình tôi, anh rể bị nhiễm bệnh và không may qua đời. Xin Chúa thương xót linh hồn anh ấy", bà nói.
Chị Nguyễn Thị Liên, từ nhà quận Bình Tân, cách đó 8 km đến nhà thờ dự thánh lễ. Suốt cả buổi, nước mặt chị không ngừng rơi khi nhớ về người mẹ 46 tuổi qua đời cách đây hai tuần.
"Nhà tôi có 4 người thì chỉ mỗi em gái không dính Covid-19. Mẹ tôi nằm phòng hồi sức tích cực cả tháng trời chống chọi với bệnh nhưng không qua khỏi", người phụ nữ 24 tuổi nói.
Thánh lễ cầu nguyện kết thúc sau một tiếng với nghi thức nhận nhận bánh thánh. Để được rước bánh, Kitô hữu phải lãnh nhận Bí tích rửa tội và sám hối sạch tội trọng (xưng tội), có ý ngay lành, giữ chay một giờ trước lễ (chỉ được uống nước lã).
Trong kinh thánh, Chúa Giê su từng nói với dân Do Thái: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống... Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời...".
Nhà thờ Nhân Hòa thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn được xây dựng năm 1971. Ban đầu là nhà nguyện nhỏ làm nơi cầu nguyện và giúp đỡ những người dân nghèo sống chung quanh. Năm 1995 ngôi Thánh đường mới được xây dựng để mở rộng việc phục vụ giáo dục Đức tin.
Việt Nam đã trải qua 4 đợt Covid-19, trong đó riêng đợt dịch thứ tư số ca mắc đã vượt mốc một triệu. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến ngày 18/11 là 23.476, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
Tối nay, Lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (quận 1). Cùng thời gian trên, thành phố tổ chức thả hoa đăng, vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đánh chuông; các tàu, thuyền, sà lan... đậu tại các cảng kéo còi tưởng niệm.
Hơn 200 giáo xứ cùng các nhà nguyện thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn cũng sẽ đồng loạt đổ chuông sầu lúc khoảng 5 phút lúc 20h30 tưởng nhớ đồng bào qua đời vì Covid-19.
Quỳnh Trần
Gần hai năm kể từ khi xuất hiện, Covid đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người Việt. Hầu hết họ đã không thể ở bên người thân trong những giờ phút cuối. VnExpress thiết lập một không gian - nơi độc giả có thể chia buồn, tri ân, sẻ chia ký ức về những người đã mất |