Tin tức - Hoạt động

Phú Thọ: Huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo, giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn

Cập nhật lúc 14:11 25/10/2021
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ phát động từ cuối năm 2016, đến nay tiếp tục được đẩy mạnh, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với người nghèo.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ phát động từ cuối năm 2016, đến nay tiếp tục được đẩy mạnh, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với người nghèo. Tại Phú Thọ, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và tổ chức, đoàn thể, cá nhân từ tỉnh tới cơ sở đã tích cực hưởng ứng phong trào, phát huy tinh thần đại đoàn kết, huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ, giúp đỡ, tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hải trao biểu trưng tiền hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho ông Nguyễn Văn Sạn (khu 4, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hải trao biểu trưng tiền hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho ông Nguyễn Văn Sạn (khu 4, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông).
Giúp người nghèo “an cư”

Để chăm lo, giúp đỡ các hộ nghèo, việc vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” được Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức thường xuyên, trong đó tập trung vào tháng cao điểm từ ngày 17/10 đến ngày 18/11 hàng năm. Qua đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động các tập thể, cá nhân tích cực tham gia đóng góp ủng hộ và có nhiều hình thức hỗ trợ người nghèo, chăm lo giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Giai đoạn năm 2016 - 2020, từ nguồn Quỹ, Ủy ban MTTQ các cấp đã hỗ trợ gần 2.500 hộ nghèo xây dựng nhà ở; hỗ trợ trên 2.000 hộ nghèo vay vốn xóa nhà tạm. Đến nay, nhiều địa phương như: Huyện Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm theo Quyết định 3450/QĐ - UBND ngày 19/12/2017 của UBND tỉnh. Tính đến 30/7, tổng dư của Quỹ “Vì người nghèo”các cấp là gần 19 tỉ đồng, trong đó Quỹ cấp tỉnh trên 9,4 tỉ đồng, Quỹ cấp huyện trên 9,4 tỉ đồng.

Sau hơn hai tháng xây dựng, cuối tháng chín vừa qua, nhà “Đại đoàn kết” đã được bàn giao cho ông Nguyễn Văn Sạn, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Ông xúc động nói: Tôi năm nay gần 90 tuổi, sống đơn thân, thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của địa phương. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp và chính quyền địa phương, tôi được xây dựng căn nhà kiên cố, giúp tôi có điều kiện sống vui, sống khỏe sống có ích…

Cũng tâm trạng phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ, xây dựng nhà ở kiên cố, chị Hà Thị Bình - hộ nghèo thuộc khu Mang Hạ, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn tâm sự: Trước đây, ba mẹ con tôi phải ở trong căn nhà xuống cấp, dột nát. Được Ủy ban MTTQ các cấp và người thân, hàng xóm hỗ trợ, giúp đỡ gần 150 triệu đồng, gia đình tôi đã xây dựng căn nhà kiên cố. Từ nay không còn lo sợ mỗi khi mưa bão, gió rét mà tập trung làm ăn, ổn định cuộc sống…

Đồng chí Hà Văn Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Sơn cho biết: “Từ  nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tranh thủ các nguồn lực, kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội cùng chung tay xóa nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn huyện. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã xóa được hơn 300 nhà tạm để các gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.

“An cư” rồi mới “lạc nghiệp”, muốn bắt đầu một cuộc sống ổn định, lâu dài, trước tiên phải ổn định nơi ăn, chốn ở. Hơn thế, việc hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, xây dựng nhà ở, xóa nhà tạm không chỉ giúp các hộ ổn định đời sống mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí về nhà ở, giúp địa phương nhanh chóng cán đích chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tiếp thêm động lực

Có được một mái nhà vững chãi trước mưa bão; người lớn được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm; con trẻ được tạo điều kiện đi học… là động lực tiếp thêm cho người nghèo sức mạnh, niềm tin, phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, song song với hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà ở, xóa nhà tạm, Quỹ “vì người nghèo” cũng đã tích cực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, toàn tỉnh đã hỗ trợ 1.778 lượt học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trị giá trên 1,5 tỉ đồng; hỗ trợ người nghèo ốm đau đi viện dài ngày, trị giá 421 triệu đồng; hỗ trợ hộ nghèo về vốn và các điều kiện sản xuất, trị giá 838 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn 24 tỉ đồng.

Có thể thấy, song song với các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ổn định đời sống, tinh thần chủ động, ý chí vươn lên của bản thân người nghèo chính là giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Từng nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập nhiều năm, đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Thắm (khu 7) đã thoát nghèo, anh cho biết: “Sau khi kết hôn, tôi cùng vợ ra ở riêng với hai bàn tay trắng, đất canh tác ít, hai vợ chồng bươn trải làm thuê nhiều nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Được sự động viên, hỗ trợ về nguồn vốn, gia đình đã quyết tâm mở xưởng cơ khí rộng hơn 60m2 với mong muốn tìm kiếm hướng đi mới tại quê hương để vươn lên thoát nghèo. Đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã đỡ vất vả, dần ổn định, xưởng cũng tạo việc làm cho hai lao động thường xuyên”.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hướng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thu hẹp, thậm chí tạm dừng, dẫn tới nhiều lao động bị mất việc làm, cuộc sống hết sức khó khăn, đặc biệt là những lao động thuộc diện hộ nghèo. Thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong “cơn bão” COVID-19, MTTQ và các tổ chức thành viên, các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong đó, năm 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ cho trên 201.600 người, tổng kinh phí trên 190 tỉ đồng…

Những con số ấn tượng về hoạt động giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là kết quả bắt nguồn từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò chủ công của MTTQ các cấp tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền để triển khai cuộc vận động, hợp ý Đảng, lòng dân, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Với phương thức vận động phong phú, đa dạng, phù hợp, thiết thực đã huy động được cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần tích cực của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đơn vị,... giúp cho đời sống của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từng bước được cải thiện và nâng cao.

Lê Hoàng
(http://mattran.org.vn)

Thông tin khác:
Tiểu thương chợ Vồi gượng dậy sau dịch (23/10/2021)
Vận tải khách vẫn chưa phục hồi sau giãn cách (22/10/2021)
Thận trọng khi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em (22/10/2021)
Thầm lặng đức hy sinh (20/10/2021)
Chi tiết cấp độ dịch tại 579 xã, phường, thị trấn của thành phố Hà Nội (21/10/2021)
Trao nhà đại đoàn kết cho giáo dân sinh sống tại giáo xứ Yên Khánh (19/10/2021)
Trung đoàn thủ đô (19/10/2021)
Mần non tư thục lao đao, tiến thoái lưỡng nan vì dịch bệnh (18/10/2021)
Phật giáo Việt Nam tích cực đồng hành trong bảo vệ môi trường (18/10/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log