Văn hóa nghệ thuật

Biểu tượng của các Thánh sử

Cập nhật lúc 15:08 21/09/2016
Trong đền thờ thánh Phêrô ở Rôma có 4 chiếc cột to lớn đỡ vòm tròn. Trên đó có có điêu khắc hình ảnh 4 thánh sử, tác gỉa của Tin Mừng với 4 biểu tượng. Thánh Marco là con sư tử, thánh Luca hình con bò, thánh Gioan là chim đại bàng và Thánh Matthêu hình người. Tại sao lại có biểu tượng đó?

     Tại Hy Lạp, từ cổ xưa đã có biểu tượng Letramorph (4 hình hài) được khảo cổ học khai quật được. Theo thần thoại Babylon, có 4 vị thần. Marduk là vị thần của Babylon hiện thân dưới dạng con bò. Nergal- vị thần chiến tranh dưới hình ảnh con sư tử. Nimortra là thần gió hình dạng con chim đại bàng và Nabu- vị thần khôn ngoan dưới dạng mặt người. Bốn vị thần thường được điêu khắc quay ra bốn hướng và như bốn chiếc cột chống đỡ vòm trời để tách đất khỏi trời. Bốn vị thần này cũng đại diện cho 4 mùa trong năm. Mùa xuân là con bò, mùa hè là con sư tử, mùa đông là con đại bàng và mùa thu mang hình người.
 

 
    Trong Cựu ước, sách Ngôn sứ Êzechiel đã mô tả ngai Thiên Chúa như sau: “Tôi nhìn ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có 4 mặt và 4 cánh. Còn chân của chúng thì thẳng. Bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. Bên dưới có cánh. Có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía. Mặt và cánh sinh vật nào cũng thế. Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mà tiến. Còn bộ mặt của chúng đều có mặt người. Cả 4 đều có mặt sư tử ở bên phải, có mặt bò rừng ở bên trái. Cả 4 đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng, còn cánh của chúng thì giương lên cao” (Ezechiel 1, 5-12). 
 

 
     Tương truyền, Ngôn sứ bị lưu đầy ở Babylon thế kỷ thứ 6 Trước công nguyên và thị kiến thấy được sức mạnh, quyền uy của Thiên Chúa qua hình ảnh con sư tử- chúa sơn lâm, con đại bàng- chúa tể muôn loài dũng mãnh, con bò là con vật thuần hóa rất gắn bó với con người.

     Trong Tân ước, sách Khải huyền, thánh Gioan cũng mô tả ngai Thiên Chúa uy nghi: “Ở giữa ngai và chung quanh có 4 con vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con vật thứ nhất giống con sư tử. Con vật thứ hai giống con bò tơ. Con vật thứ ba giống mặt người. Con vật thứ tư giống con đại bàng đang bay. Bốn con vật đó, mỗi con có 6 cánh. Chung quanh và bên trong đầy những mắt. Ngày và đêm chúng không ngừng hô lên: Thánh, Thánh, Chí Thánh” (Kh 4,6-8).
   
    Người ta lý giải có thể Ngôn sứ và tác giả Khải huyền bị chi phối bởi những truyền thuyết thần thoại khác nhau nên khi thị kiến cũng tường thuật khác nhau. Nhưng đều có điểm chung là ngai Thiên Chúa và người được sai đến là Đức Kitô.

    Thánh giáo phụ Irenaeus của Lyon (135-202) là người đầu tiên trình bày 4 biểu tượng từ sách Ngôn sứ và Khải huyền. Thánh nhân cho rằng, Đức Giêsu dũng mãnh đến thế gian qua hình tượng con sư tử. Linh mục lo phần tế tự qua hình ảnh con bò. Ngôi hai xuống thế làm người nên mang hình người. Còn Thánh linh chính là hình ảnh đại bàng. Đến thế kỷ 4, Thánh Hieronimo đã sắp xếp con sư tử là Phúc âm Marcô vì ông nói đến tiếng kêu của Gioan trong hoang mạc. Hình con bò là biểu tượng của Phúc âm Luca vì ông nói đến Zacharias tế lễ bằng con bò. Phúc âm Gioan lại nói đến cao sang của Thiên Chúa nên mang biểu tượng là đại bàng. Còn Matthêu lại nói đến Ngôi Hai xuống thế làm người nên mang hình người. 

 
BÍCH HẢI
Thông tin khác:
Thánh sử Luca (14/09/2016)
Vương cung thánh đường thánh Marco (08/09/2016)
Thánh đường “Đức Bà Cột” (29/08/2016)
Ảnh Đức Mẹ Đen, Ba Lan (22/08/2016)
Giáo xứ Bình Long, Phú Cường (15/08/2016)
Giáo xứ Thuận Nghĩa (08/08/2016)
Nhà thờ đẹp nhất giáo phận Vinh (01/08/2016)
Đền Thánh Tâm Bắc Giang (22/07/2016)
Giáo xứ Quỹ Nhất (08/07/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log