Vương cung thánh đường Đức Bà Cột (Madona del Pilan) tọa lạc ở Saragossa của Tây Ban Nha, bên bờ sông Ebro.
Theo tương truyền, thánh Giacôbê Tông đồ thuở xưa có đến vùng đất này để truyền giáo nhưng rất ít người tin theo. Ngày 2/1/40, ngài cùng các đồ đệ cùng sấp mình cầu nguyện với Chúa bên bờ sông Ebro. Lạ thay, Đức Mẹ hiện ra và hứa sẽ biến đổi lòng cư dân nơi đây để họ có đức tin mạnh mẽ như chiếc cột trụ mà ngài đang đứng. Đức Mẹ cũng ban cho thánh nhân một pho tượng của mình bằng gỗ và chiếc cột trụ để làm chứng. Vì thế pho tượng Đức Mẹ này được gọi là Đức Mẹ Cột. Pho tượng cao 39 cm và chiếc cột trụ cao 1,80m mô tả Đức Maria đang bế Chúa Hài Đồng trên tay. Đây là điều kỳ lạ vì lúc này Đức Mẹ vẫn sống ở Ephêsô hoặc Jerusalem. Đức Mẹ mất khoảng 3 đến 15 năm sau khi Chúa về trời. Như vậy, chỉ có thể là Đức Mẹ linh thiêng ngay khi còn sống nên đã “phân thân” đến đây. Thánh nhân đã cho xây dựng một thánh đường đúng nơi Đức Mẹ hiện ra. Thánh đường này gọi là thánh đường Đức Mẹ Cột hoặc thánh đường Đức Mẹ Cột Trụ (tiếng Tây Ban Nha là Nuestra senona del Pinar). Lễ kính được tổ chức vào ngày 12-10 hàng năm. Đức Giáo hoàng Clemnete XII đã tôn vinh Đức Mẹ Cột là quan thày của nước Ba Lan. Riêng thánh Giacobê thì bị tử đạo năm 44 dưới thời vua Herod Agripa.
Năm 1434, một trận hỏa hoạn đã xảy ra thiêu rụi nhà thờ nhưng pho tượng và chiếc cột trụ không hề hấn gì. Đề phòng hỏa hoạn và trộm cắp người ta đã bọc tượng Đức Mẹ trong khung kính dày và bọc cột trụ trong một chiếc áo bằng bạc có khảm vàng. Đức Giáo hoàng Piô X đã đội mũ triều thiên cho tượng năm 1905. Bức triều thiên này trị giá 18.750 Fr do một Hoàng tử dâng cúng. Ngôi thánh đường được xây dựng lại năm 1681 và hoàn thành năm 1711 và được trùng tu vài lần sau đó. Nhà thờ này dài 130m, rộng 67m, có 11 mái vòm, 4 tháp chuông và 10 tháp cửa trời. Nhà thờ được nâng lên bậc Tiểu Vương cung thánh đường năm 1950 dưới triều Đức Piô XII.
Vương cung thánh đường Đức Bà Cột
Gần thánh đường có một đường phố mang tên “Phố Phép Lạ” (Lale del Milegro) vì chứng kiến nhiều phép lạ đã xảy ra liên quan đến Đức Mẹ Cột. Nổi tiếng nhất là chuyện của anh Miguet JP năm 1636. Anh ở làng quê lên thành phố kiếm việc làm để mưu sinh. Nhưng năm 1637, anh bị tai nạn do xe cán gẫy chân. Anh được đưa vào nhà thương để cứu chữa. Nhưng do chiếc chân gẫy bị hoại tử nhanh nên Giáo sư Diego Millaruelo đã quyết định cắt chân gẫy để cứu tính mạng của anh. Chiếc chân hoại tử được đem đi chôn. Anh Miguel JP trở thành người tàn phế và dùng hai chiếc nạng gỗ để di chuyển. Anh mưu sinh bằng nghề ăn xin. Nhưng anh luôn có lòng trông cậy vào Đức Mẹ. Mỗi lần qua nhà thờ, anh đều chống nạng vào để cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Cột. Anh còn cẩn thận xin Đức Mẹ chút dầu đốt để xoa vào vết chân bị cắt. Năm 1640, gia đình anh đón anh về quê sinh sống và vẫn mưu sinh bằng nghề ăn xin. Song anh không lúc nào quên khẩn cầu cùng Đức Mẹ Cột. Cứ qua nơi đâu có nhà thờ là anh lại ghé vào cầu nguyện. Thật kỳ lạ, đêm 26/3/1640, sau một ngày vất vả mưu sinh, anh về ngủ ở nhà. Vì nhà có khách, nên chiếc giường của anh được nhường cho khách, còn anh nằm ở sàn nhà. Đêm lạnh, người mẹ thấy chân anh thò ra ngoài chăn nên đến đắp cho anh và ngạc nhiên thấy anh có đủ cả hai chân lành lặn. Mọi người đánh thức anh dậy và anh nói, chính Đức Mẹ Cột đã lấy chiếc chân bị cắt 4 năm trước gắn vào cho anh. Câu chuyện loan ra đến đấng bản quyền. Đức TGM Saragossa đã cho điều tra và mời cả Giáo sư Diego Millaruelo đến. Mọi người đều xác nhận cái chân gẫy của anh Miguet JP đã được chữa lành bình thường. Đức TGM giáo phận Saragossa đã xác nhận đây là phép lạ ngày 27/4/1641.
BÍCH HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com