Vương cung thánh đường Chính tòa Thượng phụ thánh Marco (Basili Catheral Patriarcane di San Marco) ở Venice của Italia. Đây là báu vật quốc gia của Cộng hòa Venice cho đến năm 1797. Từ năm 1804 trở thành nhà thờ Chính tòa của Venice. Nhà thờ nằm trên quảng trường San Marco thuộc phố San Marco.
Quang cảnh Vương cung thánh đường thánh Marco
Thánh sử Marco được cho là đã đi truyền giáo ở Alexandria và làm Giám mục giáo đoàn ở đây. Thời gian này, thánh nhân viết Phúc Âm. Văn chương của ông không bay bổng như Luca nhưng mộc mạc, chân thật. Tương truyền, ông bị thiêu sống khoảng những năm từ 98 đến 117 dưới thời Trajario. Cũng theo truyền thuyết, lúc sinh thời, thánh nhân đã được báo mộng là sẽ chôn xác ở Venice. Vì vậy, các thương gia người Venice đã khôn khéo giấu thi hài thánh nhân ở khoang nhốt lợn. Đây là những con vật mà người Hồi giáo ghê tởm nên không lục soát kỹ và 2 thương gia đã mang đi trót lọt. Nhà thờ thánh Marco được xây dựng từ rất sớm từ năm 829 đến năm 832 nhằm lưu giữ hài cốt thánh Marco. Họ cũng dùng luôn nhà thờ làm dinh Tổng trấn. Năm 976, nhà thờ và khoảng 200 ngôi nhà khác bị trận hỏa hoạn thiêu rụi. Ngay sau đó, quan Tổng trấn Pietro I Ossedo đã cho xây lại. Qua nhiều lần ngưng trệ, công trình kéo dài mãi đến năm 1904 mới hoàn thành. Nhà thờ xây dựng theo kiến trúc Bizantine. Mặt bằng là hình chữ Thập Hy Lạp vuông. Phía trên là mái vòm tròn. Các lần tu sửa về sau cho đến tận thế kỷ XIII vẫn theo phong cách Bizantine. Nhưng sang các lần sửa chữa từ thế kỷ XIV đã bị ảnh hưởng của kiến trúc gotich. Nhà thờ có 5 mái vòm cuốn cao. Mặt tiền trên cùng là tượng thánh Marco. Hai bên có các thiên thần cầm bình hương. Mặt chính giữa là con sư tử vàng có cánh - biểu tượng của Venice. Con sư tử đứng trên ba chân, còn chân thứ tư là nâng cuốn Phúc Âm của Marco.
Nhà thờ thánh Marco có hình dáng cơ bản như nhà thờ Các Tông Đồ tại Constantinoplis, xây dựng từ thế kỷ thứ 6 (536-546) nhưng sau đó bị phá hủy vào năm 1452. Nhà thờ là sự giao thoa giữa hai nền kiến trúc điển hình của Kitô giáo của cả phương Đông và phương Tây là Byzantine và Rôman.
Nhà thờ có 500 cột đá hoa ở cả hai mặt trong và ngoài nhà thờ. Trần nhà thờ được trải các bức họa mosaic khảm mạ vàng rộng 4.240 m2 nên nhà thờ còn được gọi là “Nhà thờ Vàng”. Có bức tuổi đời lâu nhất là từ thế kỷ XII. Đa số làm từ thế kỷ XIII. Có một vài bức muộn hơn từ thế kỷ XVI đến XVIII.
Mặt chính nhà thờ có 5 cổng mà 3 cổng là có thể đi vào tiền sảnh. Cổng chính được trang trí bằng đầu sư tử. Trước cửa sổ tầng trên là 4 con ngựa đúc bằng đồng, mạ vàng. Mỗi con cao 1,60m và nặng 1.500 kg. Những con ngựa này được chế tác từ thế kỷ thứ 4 do kiến trúc sư Enrico Dandolo thực hiện và được mang về từ Constantinoplis trong cuộc Thập tự chinh thứ 4. Bộ tứ mã này được trưng bày ở cửa Khải hoàn môn của hoàng đế Nero tại Rôma. Đến đời vua Constantine, vua cho mang về Consatantinople rồi đưa qua Venezia. Hoàng đế Napoleon cũng đã chiếm mang về Paris sau đó phải trả về Venice năm 1815. Nhà thờ được chia làm 3 gian dọc. Trên trần là các bức khảm mô tả các sự tích trong sách Cựu ước. Nổi tiếng nhất là bức Pila d’oro và bức màn che phía sau bàn thờ chính.
Bên trong vương cung thánh đường thánh Marco
Nhà thờ thánh Marco càng về sau càng thêm nhiều cột đá quý. Hiện nay người ta đếm được 2.600 chiếc. Nguyên do là mỗi lần đánh chiếm Byzantine, người ta lại mang chiến lợi phẩm là những chiếc cột đá về để trang trí cho nhà thờ thánh Marco- báu vật của Venice. Người ta còn đồn rằng, trong số những cái cột đá quý đó, có cả vài chiếc cột từ đền thờ Solomon.
Nhà thờ thánh Marco là nơi thăm quan du lịch rất hút khách không phải là vì miễn phí mà là được chiêm ngắm rất nhiều tuyệt tác kiến trúc, hội họa từ cổ xưa. Trên quảng trường San Marco lúc nào cũng kín khách và những chú chim bồ câu rất bạo dạn quấn quanh chân người.
BÍCH HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com