Văn hóa nghệ thuật

Bản hòa ca mang âm hưởng ''Xứ Mường''

Cập nhật lúc 22:48 29/05/2023
Triển lãm “Xứ Mường” vừa diễn ra tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Ngày hội của hội họa, điêu khắc, gốm được ví như một bản hòa ca đầy màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc với tinh thần làm việc nghiêm túc của 5 nghệ sĩ: Vũ Đức Hiếu, Trần Thị Thu, Trần Trung Dũng, Bùi Văn Đạo, Nguyễn Giang Châu.
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Xứ Mường”.
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Xứ Mường”.

Vương vấn xứ Mường
Nhắc đến văn hóa Mường, không thể quên các lễ hội văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Bên cạnh đó là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, như trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, nghi lễ thờ tổ tiên, mo Mường, chiêng Mường, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Sự phong phú của các loại hình di sản phi vật thể đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ.

Tên tuổi của họa sĩ Vũ Đức Hiếu (biệt danh Hiếu Mường) một phần gắn với bảo tàng tư nhân Không gian văn hóa Mường. Ở bảo tàng của anh luôn có những workshop nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ trong nước và quốc tế với mong muốn chia sẻ hiểu biết về văn hóa bản địa, tìm ra phương hướng bảo tồn văn hóa Mường.

Trong 10 năm qua, Vũ Đức Hiếu dành thời gian nghiên cứu và sáng tạo gốm, mong muốn dùng phương pháp của cha ông, chất liệu men gio truyền thống để tạo hình gốm theo phong cách hiện đại. “Gốm Việt rất phong phú, mỗi vùng có đặc trưng riêng. Đồng bằng Bắc Bộ có trấu, có gio, vôi, phù sa, bùn..., các cụ đã dùng những thứ đó để tạo ra men. Đó là điều thú vị khi tôi tìm về với gốm truyền thống” - họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói.

Đồng bào Mường vẫn lưu giữ được những nét cơ bản về phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình, cùng với đó là bảo tồn di sản văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục... Điều đó đã tạo nên sự đa văn hóa và sức hấp dẫn riêng cho Hòa Bình. Cũng bởi sự hấp dẫn ấy mà họa sĩ Trần Thị Thu quyết định tạm biệt mảnh đất Sơn La - nơi “chôn nhau cắt rốn” và cũng là nơi “khởi nghiệp” để đến với Hòa Bình cách đây 16 năm.

Lễ hội dân gian truyền thống của người Mường ở Hòa Bình gắn với nền sản xuất lúa nước. Từ vốn sống và sự gắn bó của mình với quê hương, nhà điêu khắc Bùi Văn Đạo, họa sĩ Nguyễn Giang Châu - những người con của xứ Mường, đã sáng tạo tác phẩm hội họa và điêu khắc dựa trên những câu chuyện, tập tục sinh hoạt văn hóa.

Với họa sĩ Trần Trung Dũng, khi hòa mình vào dòng chảy văn hóa Mường, anh cảm nhận được giá trị nghệ thuật từ dân ca Mường, nghệ thuật chiêng mo, “Đẻ đất, đẻ nước”, phong tục, tập quán, tín ngưỡng như nghi thức thờ cúng, lễ xuống đồng, lễ mừng cơm mới... “Tôi vẽ về xứ Mường với cảm nhận sâu lắng trong vô thức, mong muốn thể hiện điều đó qua tác phẩm” - họa sĩ Trần Trung Dũng cho biết.



Nghệ thuật thăng hoa từ xứ Mường

Khi chọn Hòa Bình là điểm dừng tiếp theo trên hành trình khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc, họa sĩ Trần Thị Thu đã dành nhiều thời gian đi dọc sông Đà, tìm lại vết tích của “xứ Mường”. “Cha ông ta thường nói: Nước Sơn La, ma Hòa Bình. Khi tìm về hang Đồng Nội, tôi như được dẫn lối về với những tộc người từ thuở ban sơ. Đó là lý do tôi ưa thích những mảng màu xưa cũ, những trầm tích trong vách đá, hang động” - họa sĩ Trần Thị Thu tâm sự.

Có lẽ bởi thế mà ở bộ tranh của chị có sự giản lược, dễ thấy những mảng phẳng như rêu phong khiến người xem hình dung lại vết tích trong hang động xưa cũ, nhịp điệu trong tiếng chiêng âm vang hay những trầm tích văn hóa của người Mường cổ nay đã hòa cùng dòng sông Đà mênh mang.

“Trên toan tôi đã bồi giấy giang, sau đó tôi vẽ bằng các chất liệu tổng hợp như màu nước. Sau khi để màu nước loang ra, tôi dùng sơn mài phủ lên trên. Có những chỗ rất thô, rất sâu, rộng nhưng cũng có chỗ nhẵn, mong manh, nhẹ nhàng” - họa sĩ Trần Thị Thu cho biết.

Trong tác phẩm điêu khắc gỗ và gốm của Bùi Văn Đạo, người ta thấy rõ nét sinh hoạt của người Mường: Lễ hội khai hạ mang ý nghĩa tôn kính thần linh, tưởng nhớ những người có công lập đất lập Mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu. Lễ mừng cơm mới tạ ơn trời đất, các vị thần linh, tổ tiên cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt. Từ ngôn ngữ điêu khắc trên gỗ, nét sinh hoạt thường ngày của người Mường xưa, hình ảnh thiếu nữ vùng sơn cước, các mế, các chị ngồi quây quần bên bếp lửa mồi thuốc cho nhau thật gần gũi, thanh bình đến lạ.

Bên cạnh đó, qua tranh của Nguyễn Giang Châu, người xem hình dung ra nếp sinh hoạt văn hóa của người Mường. “Mình là người con của xứ Mường. Ký ức tuổi thơ, cảm nhận tâm linh chính là nguyên liệu để thực hiện bộ tranh này. Tôi vẫn băn khoăn khi trong cuộc sống hiện đại, người Mường đang "tiến gần" dân tộc khác, và mong muốn tính dân tộc, bản sắc văn hóa không bị phôi phai trong thời đại công nghệ này” - họa sĩ Nguyễn Giang Châu nói.



Dư âm còn mãi

Họa sĩ Trần Thị Thu vẫn luôn dành sự ngưỡng vọng với vùng đất thấm đẫm những câu chuyện lịch sử, văn hóa của Hòa Bình. Bộ tranh chị giới thiệu tại triển lãm “Xứ Mường” gồm 23 bức, nhưng dường như chừng đó là chưa đủ. Họa sĩ Trần Thị Thu cho biết, chị sẽ trở lại bằng triển lãm cá nhân, với hội họa và sắp đặt. Chị dành riêng một xưởng nghệ thuật tại Hòa Bình, dùng chất liệu địa phương để sáng tác.

Từ năm 2002 đến nay, Trần Thị Thu đã dùng giấy giang vẽ trên màu nước, acrylic... Nhiều người cho rằng chị là nghệ sĩ tiên phong tìm ra cách thức sáng tạo giấy giang và bột giấy giang trên toan, kết hợp sơn mài. Tại Hòa Bình, chị đang vận động bà con trồng cây giang, bởi trước đây nguyên liệu vẫn phải lấy hoàn toàn từ rừng. Hiện nay, sản phẩm giấy giang của Hòa Bình đã được “bắc cầu” đi khắp trong Nam, ngoài Bắc và gửi ra nước ngoài.

Người làm nghệ thuật cảm nhận được thực tế là nhiều làng nghề truyền thống đang dần bị mai một, nhất là sự “hao mòn” ý tưởng sáng tạo, các sản phẩm gốm độc bản không chỉ thể hiện sự sáng tạo cá nhân mà còn góp phần mang đến cơ hội cho gốm Việt. Với tinh thần ấy, 13 tác phẩm gốm của Vũ Đức Hiếu trong triển lãm mang đến cho người xem ấn tượng về hoa văn, họa tiết, hình dáng của những đồ dùng, dụng cụ gắn bó trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Mường nay hiện diện trong một hình hài khác, được cách điệu để tạo nên những hình khối phù hợp với không gian hiện đại.  

Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri đánh giá: “Tôi ấn tượng với tình cảm của nghệ sĩ với kho tàng văn hóa đa dạng và hấp dẫn của đồng bào dân tộc Mường. Khối lượng công việc của họ rất đồ sộ, thái độ làm việc rất cẩn trọng, hết mình. Đây là một triển lãm quy mô của những người tâm huyết với nghề”.

Có thể thấy, kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc Mường vô cùng phong phú. Chỉ khi gắn bó, thấu hiểu đến mức nào thì người nghệ sĩ mới có thể tạo nên những bản hòa ca nghệ thuật đáng giá.

Thúy Đinh
Thông tin khác:
Old Lichen – Vatican Ba Lan (18/05/2023)
Hình như mỗi làng quê Việt Nam đều có một Điện Biên Phủ thu nhỏ (07/05/2023)
31 tổ chức tôn giáo tuyên bố ngừng đầu tư vào nhiên liệu hoá thạch (02/05/2023)
Nam Định: Hội làng tưởng nhớ ‘Tứ tổ khai sáng’, ‘Cửu tộc khai cơ’ (01/05/2023)
Xúc động Chương trình giao lưu nghệ thuật 'Ngày vui thống nhất' (25/04/2023)
Chiến tranh trên gương mặt đàn bà (19/04/2023)
Yên tĩnh làng quê (17/04/2023)
Về Nam Định ngắm nhà mái bổi nhớ lại tuổi thơ (16/04/2023)
Trứng Phục sinh (06/04/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log