Huyện Hải Hậu ngày nay. |
Huyện Hải Hậu (Nam Định) là vùng đất mới, được hình thành qua công cuộc quai đê, lấn biển từ hơn 500 năm trước. Tổ tiên của người Hải Hậu đều là những người từ khắp các địa phương trong trấn Sơn Nam Hạ xưa về đây lập nghiệp. Đến nay, cả huyện với 29 vạn dân, 35 xã, thị trấn tưởng nhớ, phụng thờ chung “Tứ tổ khai sáng”, “Cửu tộc khai cơ” (4 ông tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập và 9 dòng họ) đầu tiên về khai khẩn vùng đất ven biển này.
Mang trong mình dòng máu của những người đi mở đất nên các thế hệ người Hải Hậu đều có chung đặc tính cần cù, chất phác, không ngại khó, ngại khổ, nhất là tinh thần đoàn kết, cộng đồng rất cao. Điều này cũng dễ hiểu, đi mở đất, trị thủy, quai đê, lấn biển, thường xuyên đối mặt với bão gió, toàn việc nặng nhọc, không cộng đồng, gắn kết, chung tay vượt khó không tồn tại, phát triển được...
Hải Hậu cũng như nhiều địa phương ven biển ở miền Bắc khác là nơi đạo công giáo được truyền vào từ rất sớm. Ngày nay, hơn 40% người dân trong huyện theo đạo Công giáo; nhiều xã, thị trấn giáp biển là xã toàn tòng công giáo, cứ vài km2 lại cao vút một gác chuông nhà thờ.
Mấy thế kỷ nay, đồng bào lương giáo nơi đây luôn chung sống thuận hòa, đoàn kết bên giải đất ven biển Đông. Thành quả là đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và dưới “mái nhà chung” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào lương giáo Hải Hậu đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, yên bình ngay trên chính làng quê, xứ đạo của mình, với phương châm “cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”. Nơi đây, xóm làng, xứ đạo được quy hoạch vuông vức như hình bàn cờ, sáng-xanh-sạch-đẹp; đường có điện, có hoa, nhà ở có khuôn viên, có vườn kiểu mẫu; sông không có rác…
Với phương châm “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, sau khi đạt chuẩn Huyện nông thôn mới, cán bộ, nhân dân Hải Hậu đang chung sức thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Hậu trở thành “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu” đầu tiên của cả nước.
Đền Bảo Ninh xã Hải Phương (Hải Hậu) được xây dựng năm 1867, dưới thời vua Tự Đức, vừa là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn vừa là nơi thờ “Tứ tổ khai sáng”, “Cửu tộc khai cơ”, cũng là nơi thờ Dinh điền sứ-Tiến sỹ Đỗ Tông Phát (người đầu tiên ở Hải Hậu đỗ Tiến sỹ) có công khai khẩn Tổng Quế Hải-một trong 4 Tổng đầu tiên lập nên huyện nông thôn mới Hải Hậu ngày nay.
Bên cạnh giá trị về kiến trúc, trong kháng chiến chống Pháp, đền Bảo Ninh được biết đến là cơ sở cách mạng, nơi họp hành bí mật của Tỉnh ủy Nam Định, Huyện ủy Hải Hậu; là điểm tập kết của bộ đội, dân quân, du kích chuẩn bị đánh các bốt Văn Đàn, Đông Biên gần đó; nơi tổ chức cứu chữa thương binh, khâm liệm, mai táng bộ đội, du kích hy sinh.
Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, đền là nơi Huyện uỷ Hải Hậu mở các lớp bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; nơi hội họp của Hợp tác xã nông nghiệp, trường học của con em địa phương…
Hằng năm, khi lúa đồng ngát xanh, vườn nhà lúc lỉu hoa trái đền Bảo Ninh lại mở hội, tưởng nhớ Đức Thánh Trần, tưởng nhớ "Tứ tổ khai sáng", "Cửu tộc’ khai cơ" và những người có công khai khẩn vùng đất Hải Hậu với sự tham dự rất đông của con em quê hương.
Ấn tượng đặc biệt ở Lễ hội đền Bảo Ninh là lễ rước quy mô lớn, đường rước trải dài địa bàn các thôn làng trong xã Hải Phương với sự tham dự của hết thảy cán bộ, người dân, của nam phụ lão ấu, cả lương lẫn giáo ở địa phương, là hình ảnh đẹp về tinh thần đoàn kết cộng đồng; đoàn kết, giao thoa tôn giáo; nét thanh bình của làng quê thời nông thôn mới.
Đại Đoàn Kết Online ghi lại một số hình ảnh tại lễ hội đền Bảo Ninh vừa diễn ra:
Làng quê Hải Phương mở hội đền Bảo Ninh trong không khí thanh bình, cộng đồng gắn kết. Hội đền Bảo Ninh có sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương, cả lương lẫn giáo để cùng tương nhớ, tri ân Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; tưởng nhớ “Tứ tổ khai sáng”, “Cửu tộc khai cơ”, tưởng nhớ Dinh điền sứ Đỗ Tông Phát có công khai khẩn vùng đất là huyện nông thôn mới Hải Hậu ngày nay. | Ấn tượng ở Lễ hội là nghi thức rước lễ quy mô lớn, trải dài với hàng nghìn người tham gia. | Tượng Bác Hồ được dân làng rước trang trọng trong ngày hội. | Các đội rước bắt đầu diễu hành từ cổng đền Bảo Ninh, qua các cánh đồng, bên những thảm lúa xanh. | Qua các khu dân cư. | Đoàn rước diễu hành, đi qua hai bờ con sông nhỏ chạy qua địa bàn xã Hải Phương. | Các hội đoàn ở địa phương tham gia ngày hội. | Ở Nam Định nói riêng, huyện hải Hậu nói chung từ lâu tiếng kèn đồng đã vượt ra khỏi khuôn viên các nhà thờ Công giáo, vang lên trong các sự kiện chính trị, văn hóa, tâm linh cùng các sinh hoạt cộng đồng khác. Tại lễ hội đền Bảo Ninh, tiếng kèn đồng cùng góp âm, khi du dương, sâu lắng, khi rộn ràng, hùng tráng. Các thành viên trong đội kèn, từ người chỉ huy đến người chơi đều là người địa phương. | Những chiếc kèn đồng trọng lượng lớn, hình thù lạ mắt, do chính người dân Hải Hậu làm ra khiến du khách ngạc nhiên, thích thú. | Những chiếc trống cực đại, âm thanh trầm hùng vang lên trong ngày hội. | Thành kính. | Những hình ảnh ngộ nghĩnh tại ngày hội. | |