Văn hóa nghệ thuật

Chiến tranh trên gương mặt đàn bà

Cập nhật lúc 16:56 19/04/2023
(Trích Trường ca của PHẠM HỒ THU)


Lời tòa soạn:
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự đóng góp của phụ nữ là vô cùng to lớn. Họ không chỉ là lực lượng vững mạnh ở hậu phương để tiếp sức cho tiền tuyến, những người con gái còn trực tiếp ra mặt trận cùng những người lính giành chiến thắng.
Trường ca Chiến tranh trên gương mặt đàn bà của Phạm Hồ Thu khắc họa những đóng góp của những người phụ nữ trên đường Trường Sơn. Những hy sinh của họ được miêu tả một cách tinh tế và khốc liệt. Chương II của Trường ca (in sau đây) là đoạn thơ miêu tả những xao xuyến của những người con gái trước khi lên đường ra mặt trận. Chính những tình cảm này đã góp phần làm nên chiến thắng chung.
Xin trân trọng giới thiệu đoạn trích Trường ca Chiến tranh trên gương mặt đàn bà của nhà thơ Phạm Hồ Thu (chị nguyên là phóng viên chiến trường của Báo Nhân dân và Đài Phát thanh Giải phóng những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ).
Tác phẩm đã được Giải thưởng của Hội Nhà văn và Hội Thương binh Xã hội trong cuộc thi về đề tài Thương binh liệt sĩ và được quỹ Văn học của Bộ Quốc phòng đầu tư xuất bản năm 2019.

Chương hai

Khúc từ biệt mái đình

Này cây trúc xinh
Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc
Trúc xinh đứng ở đầu đình
Em xinh em đứng một mình vẫn xinh (1)  

Câu hát vút lên
Em đã tự hào là cây trúc xinh
Cây trúc xinh đứng ở đầu đình
Đứng ở đầu đình chờ người đi hội…

Hội hè chưa tan
Chiến tranh đã tới
Người người đi vội
Bỏ mặc trúc xinh đứng ở đầu đình.

Đứng ở đầu đình
Nào ai ngó tới
Xin người đừng nói
Em đứng nơi nào cũng xinh…

Tiếng hú chiến tranh
Rúc vào hồn ta thúc giục
“Nước có giặc phải đi đánh giặc”
Dẫu là phận gái…
Này đây xiêm áo
Mớ bảy mớ ba
Hồng, xanh, đỏ, tím
Ta cởi ra bỏ lại sân đình…

Sân đình có nhớ ta không ?
Ta mang mùa xuân trong tiếng hát xoan
Mắt cười lúng liếng
Ta nhún một nhịp xuân cho đu bay lên trời
Cho mọi ánh mắt nhìn theo
Cho mùa xuân tưng bừng lễ hội
Cho rạo rực nào trai nào gái
Nếu vắng ta, sao gọi hội làng…?

Xin góc sân đình hãy tha thứ cho em
Trúc xinh ra đi, sân đình vắng lặng
Chùa cổ kính giơ bàn tay vẫy
Những Thị Mầu (2) ra đi
Thị Kính (3) cũng ra đi
Trước đó Thằng Nô (4) 
lên đường nhập ngũ…
Tiếng mõ sân chùa nào ai đứng khóc
Sân chùa đầy khế rụng

Lá sả, lá chanh thơm ngát
Thơm cô đơn như câu hát
Nào ai bứt lá gội đầu…
Những cánh đồng rơm rạ cũng cô đơn
Trai làng đi
Gái làng đi
Nào ai còn ai đêm trăng đập lúa
Gầu sòng, gầu giai để mốc
Ai đủ đôi tát nước đầu đình…

Đêm sen tàn thơm ngát cả vầng trăng
Trăng, trăng ơi, gặp ai mà trả áo (5)?
Người gửi áo đêm nào đã ra mặt trận
Hương sen đầm theo gió cũng bay đi...

Trúc xinh thì trúc cứ xinh
Tạm biệt nhé - lửa chiến tranh đang tràn

Xa kia là những con đường 
Những con đường vẫy gọi… 
—————

1. Ý những câu trong bài dân ca “Cây trúc xinh”
2,3,4. Những nhân vật chính trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” thường diễn ở các sân đình mỗi dịp hội làng.
5. Ý từ câu ca dao: 
“Đêm qua tát nước đầu đình
 Bỏ quên chiếc áo bên cành hoa sen
 Em có bắt được thì cho anh xin…”
Phạm Hồ Thu
Thông tin khác:
Yên tĩnh làng quê (17/04/2023)
Về Nam Định ngắm nhà mái bổi nhớ lại tuổi thơ (16/04/2023)
Trứng Phục sinh (06/04/2023)
Rộn ràng Vĩ Kẽm (06/04/2023)
Thơ Nguyễn Thị Hồng - Một vẻ đẹp sâu sắc và bình dị (28/03/2023)
Nhà thơ Quang Dũng và những dấu ấn (24/03/2023)
Bí tích của lòng thương xót (24/03/2023)
Đất đã hóa tâm hồn (24/03/2023)
Phố Quảng Ngãi xưa và nay (16/03/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log