Văn hóa nghệ thuật

Về Nam Định ngắm nhà mái bổi nhớ lại tuổi thơ

Cập nhật lúc 12:49 16/04/2023
Nằm khiêm tốn giữa những ngôi nhà mái bằng, mái ngói sừng sững, những ngôi nhà lợp mái bổi (hay còn gọi là mái cói) ở huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) mang một nét gần gũi, giản dị nhưng cũng hết sức độc đáo, gợi nhớ tới khung cảnh làng quê Việt Nam xưa.
 
Một buổi sáng cuối xuân đầu hạ, chúng tôi có mặt tại xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) và ngắm nhìn mãi không rời mắt những ngôi nhà lợp mái bổi hiếm hoi còn sót lại ở đây. Nằm khiêm tốn giữa những ngôi nhà mái bằng, mái ngói sừng sững, những ngôi nhà lợp mái bổi như một nét chấm phá “nên thơ”, giản dị nhưng cũng hết sức độc đáo, gần gũi, gợi nhớ tới khung cảnh làng quê, gia đình yên ả, thân thương.

Ngôi nhà mái bổi của ông Ngô Gia Thoáng, xóm 1, xã Nghĩa Lợi được xây dựng từ năm 1978, đến nay mới trải qua 2 lần sửa chữa. Ông Thoáng cho biết, bổi chính là cây cói sống ở các vùng đất bãi mặn, lợ ven biển. Trước đây để có bổi lợp nhà, ông phải xuống tận Nông trường Rạng Đông để mua cói. Cũng theo ông Thoáng, không phải cói nào cũng được chọn để lợp nhà: “Những cây cói khi thu hoạch được chia làm 2 loại: loại có thân nhỏ, dài đều từ 1,5-1,6m được dùng để dệt chiếu, còn những cây cói thân to, ngắn được cắt, phơi khô dùng để lợp nhà”. Cũng như gia đình ông Thoáng, gia đình ông Đinh Văn Ất, xóm 1, xã Nghĩa Lợi cũng lựa chọn nhà mái bổi để làm nơi “an cư” suốt mấy chục năm nay.



Ông Ất chia sẻ, ông chọn cói để lợp nhà vì cây cói có các ưu điểm, thân xốp, chứa không khí bên trong nên có khả năng cách nhiệt tốt. Hơn nữa bề mặt cây bóng, trơn khi mưa mái nhà sẽ không đọng nước, không bị ngấm. Lợp nhà bằng cói còn giúp ngôi nhà mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Căn nhà mái bổi của ông Thoáng và ông Ất đều rộng trên 50m2 mang đậm dấu ấn kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa với 3 gian giữa và 2 trái, tường xây. 3 gian nhà giữa được các gia chủ dùng làm phòng khách, 2 bên còn lại kê giường, tủ. 2 trái được xây "lồi" ra bên ngoài, đây được xem như là phần kín của ngôi nhà để gia chủ dùng làm phòng ngủ hay cất giữ những thứ quan trọng trong gia đình.



Mái nhà được ông Ất và ông Thoáng lợp bổi khá dày, trong đó phần nóc dày tới 1m, 2 bên mái dày trên 50cm, khối lượng bổi nặng tới 15-20 tấn. Để “đỡ” phần mái bổi nặng, các gia chủ đều thiết kế hệ thống các đòn tay, dui, mè bằng luồng chắc chắn, dây buộc bằng mây. Được thiết kế hợp lý, vì vậy, trải qua vài chục năm, lại nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, gió nhưng những ngôi nhà mái bổi trên vẫn rất vững chãi, chắc chắn. Đến nay, hai ngôi nhà này cũng đã có “tuổi thọ” gần 50 năm, bền hơn rất nhiều so với nhà mái ngói. Cũng theo các gia chủ, nhà lợp bổi càng nặng thì càng chắc chắn, không sợ mưa, gió. Để “bảo quản” nhà, ông Ất và ông Thoáng còn thường xuyên cạo sạch lớp mùn, đất, cát trên mái, phòng, chống chuột cắn.





Tuy nhiên, để lợp được mái nhà bằng bổi hiện nay, theo tính toán của ông Thoáng chi phí tốn kém hơn nhiều lần so với lợp ngói. “Nếu trước đây chúng tôi có thể dễ dàng mua nguyên liệu cói ở một số nông trường trong tỉnh thì hiện nay phải vào tận Thanh Hoá mới mua được cói. Theo tính toán của tôi, để lợp đủ 5 gian nhà mái bổi mới hiện nay thì “đắt” gấp 2-3 lần so với lợp ngói. Chưa kể việc thuê thợ lợp mái bổi cũng hết sức khó khăn, do những người thợ biết lợp bổi lành nghề ngày càng ít”, ông Thoáng chia sẻ thêm.


Quá trình tồn tại gắn bó với đời sống, sinh hoạt của người dân, những ngôi nhà mái bổi với thiết kế mái độc đáo, giữ được kiến trúc đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã “vượt” lên công dụng che mưa, che nắng, trở thành nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển. Với những giá trị đó, thời gian gần đây nhiều gia đình trong tỉnh đã tìm cách gây dựng lại nhà mái bổi. Vì vậy, ngoài những ngôi nhà mái bổi ở Nghĩa Lợi và các xã Nam Điền, Nghĩa Hải, Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) còn có thêm một số nhà mái bổi ở các xã Giao Long, Giao Thịnh (Giao Thủy)…“Cách đây trên 20 năm khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ở xã tôi hầu như đều là nhà lợp mái rạ và mái bổi. Cũng vì thế, nhà mái bổi gắn bó với người dân miền ven biển chúng tôi từ xa xưa đến nay. Ngôi nhà không chỉ là nơi che chắn gió mưa mà còn là kỷ niệm, là nơi tôi rồi các con, cháu cùng lớn lên, gắn bó qua nhiều thế hệ. Vì vậy, dù bây giờ có điều kiện để xây nhà mới, tôi vẫn quyết tâm giữ ngôi nhà mái bổi này”, ông Thoáng trải lòng khi được hỏi về “tương lai” ngôi nhà.



Trải qua thời gian, qua những biến thiên cuộc sống, những ngôi nhà mái bổi trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một cách mộc mạc, đơn sơ giữa đời sống hiện đại nhờ “tình cảm”, sự gìn giữ của những gia chủ. Để ngày nay, những ngôi nhà độc đáo này trở thành điểm nhấn đẹp giữa những miền quê, làm say lòng người đi xa về gần, rất cần được bảo tồn và phát triển./.

 
Văn Huỳnh; Hoa Xuân
https://baonamdinh.vn/
Thông tin khác:
Trứng Phục sinh (06/04/2023)
Rộn ràng Vĩ Kẽm (06/04/2023)
Thơ Nguyễn Thị Hồng - Một vẻ đẹp sâu sắc và bình dị (28/03/2023)
Nhà thơ Quang Dũng và những dấu ấn (24/03/2023)
Bí tích của lòng thương xót (24/03/2023)
Đất đã hóa tâm hồn (24/03/2023)
Phố Quảng Ngãi xưa và nay (16/03/2023)
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường (24/02/2023)
Mùa Chay và giữ Chay (20/02/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log