Văn hóa nghệ thuật

Yên tĩnh làng quê

Cập nhật lúc 15:42 17/04/2023
Sau những ngày mưa bụi, đường ướt đi lại hơi ngại vì lạnh, thì trời đã tạnh, hơi ẩm như vẫn còn phảng phất đâu đây. Trên cây, nhãn đã nhú đầy những ngồng hoa màu hơi hanh vàng, nụ hoa bé nhỏ xinh xinh. Chúng cứ nhẹ nhàng đung đưa khi có những làn gió đến thì thầm to nhỏ.


Chùm hoa theo ngày lớn dần, rồi nở trắng bung, chứa trong đó là những lượng mật nhỏ, sẽ gọi đàn ong từ các nơi tìm về lấy mật. Chúng vo ve suốt từ sáng đến chiều, tạo thành một hợp âm râm ran, vui tươi không thể lẫn vào đâu được. Nhưng đông và tập nập nhất vẫn là vào lúc sáng sớm. Và tầm buổi, hay gần trưa là chủ đàn ong lại tất bật với những mẻ quay, từ các cầu ong của vài trăm thùng nuôi ong, cho ra những chai, can mật đặc sánh thơm ngon mùi hương nhãn. Đến những khu vực lấy mật ong hoa nhãn, chủ nhà thường khuyến khích mời khách nếm thử chút mật ong, để xem cảm nhận về chất lượng thế nào?! Vừa để quảng bá thương hiệu, vừa để dẫn dụ khách mua cho. Lấy thìa, xúc chút mật ong cho vào miệng: ôi chao, sao nó ngọt và thơm đến vậy; ngọt khé cả họng, một vị ngọt thơm lan tỏa khắp cơ thể, làm cho tâm hồn sảng khoái vui tươi, cảm thấy như trẻ ra. Đặc sản của vùng quê không có gì bằng mật ong hoa nhãn. Mật ong hoa vải, mật ong hoa táo, mật hoa cà phê… không thể bằng nó được. Nó là một vị thuốc quý, dùng đúng cách sẽ tăng sức khỏe con người… 
Sau những ngày mưa bụi, cây bưởi vương những chiếc lá vàng cuối mùa, chồi xanh non nhú ra, lớn như thổi. Kèm ở đấy là những chùm hoa trắng muốt, tinh khôi, động vào mùi tinh dầu bưởi tỏa ra thơm nồng. Chẳng hiểu có duyên nợ gì không, chứ vào mùa hoa nhãn cũng là vào mùa hoa bưởi. Điều đặc biệt hơn cả là bưởi không bao giờ bị mất mùa. Đã ra hoa là đậu quả, sai quá thì tự rụng bớt để nuôi lượng quả vừa đủ. Quả cứ lớn dần to bằng đầu đũa tới bằng cái bát tô. Hoa bưởi, khi đã nở hoa trắng muốt nó có mùi thơm dịu, người ta thường hái những chùm hoa vừa nở vào buổi sáng để trong nhà, hay trên ban thờ để lấy mùi thơm. Mùi hương tỏa ra thơm mát, tinh khiết làm cho sảng khoái tinh thần. Những người làm bột sắn dây để ăn hay bán, vẫn thường dùng hoa bưởi ướp để bột sắn dây có vị thơm ngon, đặc biệt hơn… 
Lúc này, vườn hồng trước nhà cũng nở đầy những cánh hoa màu cánh sen trông rất đẹp, tỏa ra mùi hương ngan ngát, mời gọi những cánh bướm mỏng tang xập xè ở đâu bay về, chập chờn trong nắng sớm… 
Nắng đã lên, những tia nắng ấm áp như rót mật xuống vườn, vương trên lá; hình như nó ngẫu hứng cứ nhẩy nhót long la, long lanh khoe tán sắc của mình. Đàn gà trong khu chuồng thi thoảng lại te te gáy, hay đuổi nhau lông có màu đen nhánh hạt cườm ở cánh, nhưng ở cổ và đầu thì lại có màu vàng sậm, cái chân thì to như cổ tay người lớn đỏ au, sần sùi, trông rất đẹp. Đây là loại gà Đông Tảo, một giống gà quý, là đặc sản tiến vua ngày xưa… 
Những con chim chào mào ở đâu đã bay về, đậu trên những cành doi Nam Bộ, cất tiếng hót vang nghe rất vui tai. Những con chim khuyên màu vàng chanh, cái mỏ và chân thì màu nâu, đôi mắt sáng như hai viên ngọc nhỏ, rất linh hoạt đang thoăn thoắt chuyền cành, nghiêng đầu tìm trong các tán lá, những con sâu non làm bữa chén ngon miệng cho riêng mình, cho bạn tình và mang về nuôi con. Chúng thường bay theo đôi, kẻ trước người sau, không bao giờ tách biệt… 
Tiếng con chim gọi vịt ở đằng xa, nghe có vẻ buồn. Loại này rất khôn, khó mà nhìn thấy bóng hình của nó. Cứ vào đầu năm (mùa nuôi vịt, nuôi ngan… của người dân) là lại chúng trở về, cất lên giai điệu da diết như gọi bầy. Loại này chắc là chim di cư, chứ vào mùa hè, thu và đông thì không thấy chúng xuất hiện… 

Bình yên những buổi chiều quê
Bình yên những buổi chiều quê

Đường quê không còn ồn ã như những ngày Tết; Giờ có vẻ yên ắng lạ thường. Lớp người ở độ tuổi 85 trở lên cứ thưa vắng dần. Họ đã ra đi về nơi cửa Phật. Giờ đây chỉ còn số ít lớp người kế cận là ở nhà vui với cháu, con. Người trẻ ở độ tuổi lao động thì đi làm, đi xuất khẩu lao động hay đi làm ở các công ty. Họ đi làm ca, có khi từ sáng tới 7-8 giờ tối mới trở về. Lũ trẻ con thì buổi sáng đi học, trưa mới tan học về nhà… 
Một ông lão chống gậy từ nhà ra đê. Ông nhìn trời, nhìn mây, nhìn cây đa cổ thụ, thì gặp một bà cũng vừa đi đâu về. Ông hỏi: “Bà dạo này có khỏe không?”. Bà trả lời: “Cám ơn ông. Dạo này tôi cũng yếu, xương khớp khi trở trời là lại đau, bệnh xương khớp đấy ông ạ, ngoài 80 tuổi rồi còn gì”. “Vâng!” Ông trả lời: “Ở cái tuổi già, hầu như ai cũng thế, bà ạ”. Trò chuyện một lát rồi họ chào nhau ra về… ông lão còn nhớ như in cái đận còn phải làm đay, làm ngô ở bờ bãi con sông này, nó đã tàn phá sức khỏe không chỉ của ông mà còn biết bao nhiêu người làm ruộng… giờ già sức khỏe kém dần, nghĩ lại các việc nặng nhọc ngày trước ở đồng bờ, đồng bãi mà thấy sợ. Hồi ấy tuổi trẻ sung sức thì làm được, chứ già rồi thì chịu còn làm sao nổi nữa đây!?
Ông lão chống gậy đi trên con đường nhựa mới trải để về nhà, chiều rộng mặt đường chỉ có 8m thôi, nhưng nó đã làm thay đổi bộ mặt căn bản từ nông thôn trở thành phố xá. Đi lại thuận tiện không còn cảnh nước đọng, bùn lầy như trước đây… 
Trở về căn nhà xây 2 tầng rộng rãi, bề thế khang trang, xung quanh là vườn cây. Phía trước, ông trồng hàng cau, vườn rau và vườn hồng, rồi những cây ăn quả. Về mùa này, chúng đua nhau ra hoa kết quả. Nhìn những chùm hoa xoài nở bung ra màu vàng hanh, nhìn kĩ vào đấy là những đài quả non, trông rất đẹp. Những cây chanh, lá vàng đã rụng hết, những chùm hoa đỏ tím nhỏ xinh, cứ chíu chít trên cành và những bông hồng mới nở như đỏ hơn cứ đung đưa vẫy gọi những cơn gió mát… 
Vào nhà, ông ngồi dựa lưng vào ghế, rót chén nước trà, làm một ngụm. Cầm cây viết, viết mấy câu thơ vừa rơi rụng đâu đây. Ông nghĩ: sống phải có nhân văn mới có ích cho đời; phải hướng con người đến với chân - thiện - mỹ thì cái xấu, cái ác mới bị đẩy lui. Sống phải thế, thơ văn cũng phải thế. Không có nhân bản sẽ không còn là con người. Ông ghi theo ý nghĩ của mình, khi đang chắp bút viết dở bài: “Về quê”:
Về đây… trăng sáng đêm rằm 
Nằm nghe ve hát… tháng năm ru tình 
Về đây ngắm nụ hoa xinh 
Hồng thì thắm nụ… đưa tình hương cau. 

Về đây… ngõ trước, vườn sau 
Xanh màu đậu đỗ… vườn rau trước nhà
Cơm quê hương vị… tương cà 
Nỗi niềm xưa cũ… tuổi già hàn huyên

Thuyền đi… cho bến nhớ thuyền 
Yêu thương còn mãi… tươi duyên tuổi đời 
Làng quê… thân thiện nụ cười 
Sen còn đẫy nụ… ngát trời tỏa hương. 

…Làn gió vừa thoảng qua, đem theo hơi mát dần chứ không còn lạnh giá. Ngoài vườn vẫn tiếng chim ngọt lành, hót líu lo trong vắt, nắng như nhỏ mật xuống hiên nhà. Tự nhiên ông thấy lòng thanh thản, vui vầy như lúc vừa xuân sang.
Nguyễn Việt Tiến
Thông tin khác:
Về Nam Định ngắm nhà mái bổi nhớ lại tuổi thơ (16/04/2023)
Trứng Phục sinh (06/04/2023)
Rộn ràng Vĩ Kẽm (06/04/2023)
Thơ Nguyễn Thị Hồng - Một vẻ đẹp sâu sắc và bình dị (28/03/2023)
Nhà thơ Quang Dũng và những dấu ấn (24/03/2023)
Bí tích của lòng thương xót (24/03/2023)
Đất đã hóa tâm hồn (24/03/2023)
Phố Quảng Ngãi xưa và nay (16/03/2023)
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường (24/02/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log