Văn hóa nghệ thuật

Trứng Phục sinh

Cập nhật lúc 13:35 06/04/2023
Hiệp thông cùng với cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi, không ngừng hân hoan ca lên trong suốt những ngày trong suốt tuần bát nhật Phục sinh này “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy tưng bừng hoan hỷ”. (Tv 17). Vì Chúa Giêsu đã từ trong cõi chết, Ngài đã Phục sinh... Allêluia.
Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống.
Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống.
1.
Kinh thánh Tân ước ghi rằng Chúa Giêsu có bữa ăn cuối cùng với các môn đệ vào lễ Passover của người Do Thái. Chữ Passover theo tiếng Hebrew gọi Pessah là Mùa lễ lớn, từ chữ Passah ta lại có chữ Pascha trong tiếng Latinh. Chữ Pâques trong tiếng Pháp cũng từ đó mà ra.
Lễ Phục sinh, tiếng Anh gọi là Easter, đây là lễ trọng đại nhất trong niên lịch Kitô giáo, ngày lễ tưởng nhớ và ôn lại sự chết đi sống lại của Chúa Giêsu và là nền tảng đức tin của mọi người tín hữu.
Vì là lễ trọng và trải qua bao thời gian, nên các dân tộc ở nhiều lãnh thổ trên thế giới, ngoài những nghi lễ phụng vụ chung mừng lễ theo quy định của Giáo hội ra, nhiều giáo hữu của các quốc gia còn có những tập quán riêng đáng yêu đem ra áp dung trong dịp Lễ này.
Chẳng hạn  tại Florence nước Ý dân chúng ăn mừng bằng cách cho nổ tung  một chiếc xe ba gác chất đầy pháo. Ở  Ba Lan trước lễ Phục sinh, người ta chuẩn bị những chiếc giỏ mây bên trong chứa  đầy những thực phẩm như trứng, bánh mì, xúc xích mang đến nhà thờ cho cha ban phép lành rồi cùng ăn. Ở Hungary có tục lệ dùng nước tưới lên các cô gái càng nhiều càng tốt - Nước Pháp không đánh chuông từ thứ năm Tuần Thánh đến ngày Chúa nhật - Anh Quốc có tục lệ múa Morris dancing - Tây Ban Nha vùng Almaden de Plata đặt những hình nộm bằng rơm quanh làng - Hy Lạp có tục khá ngộ nghĩnh là ném nồi niêu, xoong chảo bằng đất qua cửa sổ cho bể vào ngày thứ bảy trước Lễ Phục sinh...
 
Trẻ em háo hức với sự kiện lăn trứng Phục sinh ở Nhà Trắng.
Trẻ em háo hức với sự kiện lăn trứng Phục sinh ở Nhà Trắng.
2.
Nhưng trên hết và quan trọng hơn cả là truyền thống liên quan đến trứng “Pâques - Phục sinh” được nhiều dân tộc lưu giữ và thực hiện, vì qua các huyền thoại về tạo dựng trời đất,  người ta cho rằng trứng là biểu tượng của thiên nhiên, của sự tái tạo và sống lại. Trong nhiều nền văn hóa, trứng còn là biểu tượng cho sự sung túc, đổi mới và sinh sản.
Những người Ai Cập và Ba Tư có tục lệ vào những ngày Xuân phân (21/3) bắt đầu một năm mới, bạn bè thường trao cho nhau các quả trứng có tô điểm màu sắc. Đối với người thời xưa, việc một sinh vật sống từ quả trứng mà ra là một điều hết sức kỳ diệu. Riêng người La Mã  họ cho rằng đập bể trứng ngày đầu Xuân là để làm sạch bầu khí quyển.
Hai thế kỷ trước đây, khi đi dự lễ Pâques người ta mang những giỏ trứng vàng đến cho nhà Vua, để phân phát cho các cộng sự, còn  vua Louis XV thì ân thưởng cho các triều thần bằng quả trứng có chạm trổ hay tranh vẽ. Vào lễ Phục sinh tại Paris thế kỷ XIII, các thầy tu nhà thờ  và các sinh viên thanh niên nhóm họp với nhau nơi công trường, tạo thành đoàn diễu hành có kèn, có trống, rồi vào nhà thờ để ca hát, sau đó họ tản mác khắp mọi nơi trên các đường phố để tìm trứng Pâques.
Lâu nay ở nhiều vùng lãnh thổ lại có những quy ước như: Trứng được tô màu xanh đỏ và vẽ nhiều màu khác lên trên rồi tặng bạn bè, cha mẹ cùng hàng xóm láng giềng với nhau. Riêng trứng sơn màu đã xuất hiện tại  châu Âu từ thế kỷ thứ VIII, được tô màu đỏ rồi vẽ trên đó. 
Ngày nay người ta còn tìm thấy từ thời Phục Hưng, trứng gà được thay thế trứng bằng vàng trong các triều đình vua chúa châu Âu. Những cái “Trứng” này được trang trí bằng kim loại và các loại đá quý và ngay cả các bức tranh của các họa sĩ danh tiếng mà đỉnh cao nhất là những cái trứng nổi tiếng của Fabergé tại triều đình Nga hoàng, cuối thế kỷ XIX.
Truyền thuyết lai lịch tô vẽ trang trí trứng Phục sinh hiện nay, đã bắt nguồn từ lâu đời truyền lại. Vì căn cứ theo tạp chí Reponse à Tout cho hay: người La Mã kể rằng Simon de Cyrène - Ông già vác đỡ Thánh giá Chúa Giêsu trên đường lên núi sọ, đã là người làm nghề buôn bán trứng. Sau khi chứng kiến cảnh Chúa bị đóng đinh và chết trên Thập giá, ông buồn bã trở về thì thấy những quả trứng gà ở nhà mình bỗng nhiên  chuyển ra đủ màu rực rỡ như là cầu vồng trên trời: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, xám, tím...
Từ những ý niệm ban đầu về việc tô màu cho quả trứng, trải qua thời gian nay đã hình thành một nghệ thuật dân gian truyền thống, với những quy luật và ý nghĩa tượng trưng. Hiện nay bên  châu Âu vẫn thịnh hành một dịch vụ vẽ hình ảnh Chúa, Đức Mẹ và các thánh trên mặt vỏ trứng. Việc đập vỡ quả trứng gợi ý việc mở cửa mồ của Chúa Giêsu Kitô. Quả trứng chỉ sự sống mới. vì trong quả trứng sẵn có chất liệu của một sinh thể làm nên con gà nhỏ bé, mới mẻ và sự sống mới bắt đầu khi con gà phá bỏ trứng chui ra ngoài, để góp phần vào thế giới của muôn loài.
 
Trứng Phục sinh là những quả trứng được trang trí và thường được sử dụng để làm quà tặng nhân dịp lễ Phục sinh.
Trứng Phục sinh là những quả trứng được trang trí và thường được sử dụng để làm quà tặng nhân dịp lễ Phục sinh.
3.
Bây giờ hiện đại người ta làm trứng Phục sinh bằng cách luộc trứng cho chín, và sau đó nhuộm màu đỏ và màu xanh dương, rồi muốn vẽ gì lên thêm tùy ý. Trứng Phục sinh thường được cho trẻ em bằng cách để trong giỏ hay dấu trong vườn, dưới các bụi cỏ, lùm cây cho chúng tự đi tìm. Ngoài ra, trứng Pâques cũng được làm bằng Chocolat, to nhỏ đủ cỡ, công nghệ này đã có ở một số Quốc gia và tương đối mới xuất hiện gần đây thôi. Cách đúc trứng Chocolat: Sau khi làm nóng chảy Chocolat ở 500C, đánh cho nhuyễn để cho hơi nguội, rót vào khuôn. Chờ khi đã nguội hoàn toàn, gỡ trứng ra rồi vẽ trang trí lên trứng để dùng. Ngày nay để giản tiện, trứng còn được làm bằng nhựa đủ mầu, mở ra bỏ kẹo vào bên trong cho hợp vệ sinh, vì thường trứng được giấu rải rác trong các đám cỏ, vậy mà đám trẻ lại luôn thích thú với loại trứng này.
Tại đất nước Hoa Kỳ câu chuyện vào thập niên 1870 ngay ngọn đồi Capitol  Hill, chỗ tòa nhà Quốc hội tọa lạc, vào ngày lễ Phục sinh trẻ em rất thích đến để thả trứng cho lăn xuống đồi, để rồi bọn trẻ cũng lăn theo. Nhưng sau vài năm thì đồi cỏ ở đây bị hư nát nhiều chỗ, khiến Quốc hội  đã ra luật cấm không cho trò chơi nơi khu vực này nữa. Năm 1878 Tổng thống Rutherford  B. Hayes (1822-1892), ra nghị quyết cho phép bất cứ trẻ em nào muốn chơi trò lăn trứng có thể đến sân cỏ của Nhà Trắng (Tòa Bạch Ốc) là nơi ở và làm việc chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ mà lăn trứng Phục sinh.
Từ đó việc này được các vị Tổng thống Mỹ tiếp tục cho phép tụ họp chơi đến ngày nay, tạo cơ hội cho trẻ em công dân tương lai của đất nước được dịp tiếp cận khuôn viên tòa  Bạch ốc, cơ quan quyền lực của nhà nước  và cũng là dịp các em gặp gỡ nhau vui chơi lành mạnh.
Riêng tại các Thánh đường vào ngày Chúa nhật Phục sinh, các phụ huynh sau khi dự lễ xong đã đưa con em ra hoa viên tham dự buổi đi tìm trứng rất vui, hào hứng và hấp dẫn mà các em nhỏ luôn mong chờ do đoàn Thiếu nhi trong xứ tổ chức như một trong những hoạt động góp phần vào sinh hoạt dễ thương nhất cho giới trẻ trong mùa Phục sinh mừng Chúa sống lại....Allêluia.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Rộn ràng Vĩ Kẽm (06/04/2023)
Thơ Nguyễn Thị Hồng - Một vẻ đẹp sâu sắc và bình dị (28/03/2023)
Nhà thơ Quang Dũng và những dấu ấn (24/03/2023)
Bí tích của lòng thương xót (24/03/2023)
Đất đã hóa tâm hồn (24/03/2023)
Phố Quảng Ngãi xưa và nay (16/03/2023)
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường (24/02/2023)
Mùa Chay và giữ Chay (20/02/2023)
Cây cầu hơn 100 năm tuổi bắc qua sông Danube thơ mộng (10/02/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log