Văn hóa nghệ thuật

Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883)

Cập nhật lúc 12:49 02/06/2023
Chính sách tôn giáo dưới triều Nguyễn, đặc biệt dưới thời Tự Đức, là giai đoạn để lại những dấu ấn sâu sắc, có vị trí quan trọng trong chính sách đối với tôn giáo thời phong kiến ở Việt Nam.

“Cuốn sách “Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883)” do TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQVN biên soạn, (gồm 254 trang, khổ 16x24 cm). Sách do Nhà xuất bản KHXH phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường Phương liên kết xuất bản  và phát hành quý IV, năm 2022, phần nào đã lý giải một số vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của một giai đoạn lịch sử.”

Có thể nói, triều Nguyễn thực sự làm chủ và hoàn thiện chế độ trong khoảng bốn triều vua đầu (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Những đường hướng chính của chính sách quản lý xã hội nói chung, chính sách tôn giáo nói riêng của triều Nguyễn đã cơ bản hình thành và phát triển ở giai đoạn này. Đây là giai đoạn hết sức phức tạp, triều đình phải đưa ra các đối sách với thực dân phương Tây cũng như tôn giáo do họ mang tới. Nghiên cứu chính sách tôn giáo dưới thời Tự Đức sẽ góp phần làm sáng tỏ câu hỏi triều vua này đã giải quyết vấn đề tôn giáo như thế nào, đâu là những thành công cần ghi nhận và nguyên nhân nào dẫn đến những thất bại trong chính sách tôn giáo, những hệ quả xã hội, và những bài học kinh nghiệm cần rút ra.
Kể từ năm 1986 đến nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới một cách sâu rộng. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra cho đất nước nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có chính sách tôn giáo. Sự đổi mới nhận thức về tôn giáo được bắt đầu từ Nghị quyết 24/NQ-TW Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, với 3 luận điểm mang tính bước ngoặt về lý luận: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Tiếp sau đó, nhiều quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác tôn giáo được ban hành như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), lần thứ VIII (1996), lần thứ IX (2001), Chỉ thị 37 Về công tác tôn giáo trong tình hình mới (1998), Nghị quyết 25/NQ-TW (2003),v.v… Từ năm 1990 đến nay, việc thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng về tôn giáo trong tình hình mới, các văn bản pháp luật về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Hàng loạt chỉ thị, nghị định, pháp lệnh, Luật tín ngưỡng, tôn giáo… được ban hành. Các văn bản này đã thể hiện rõ nét quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Do đó, nhìn chung sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề tôn giáo ở nước ta vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, có lúc và có nơi trở thành điểm nóng. Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng, phong phú thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Việc tu sửa cơ sở thờ tự, vấn đề nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo khiếu kiện đòi lại đất đai, mối quan hệ quốc tế của các tôn giáo… đã và đang có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước Việt Nam. 
 
Lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng) là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế.
Lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng) là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế.

Thực tiễn sôi động đó đòi hỏi nhận thức về tôn giáo luôn luôn đổi mới cho phù hợp với thời đại. Vì vậy, việc nhìn nhận và đánh giá lại những tác động và ảnh hưởng của chính sách tôn giáo thời Tự Đức dưới cái nhìn đổi mới để hiểu được một phần lịch sử chính sách tôn giáo, những kinh nghiệm và bài học từ chính sách đó đối với cuộc sống hôm nay là một việc làm cần thiết. 
Do tầm quan trọng, phức tạp mà các vấn đề về triều Nguyễn và chính sách tôn giáo triều Nguyễn trong khoảng vài thập kỷ gần đây được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm nghiên cứu và đánh giá lại. Tuy nhiên, vấn đề chính sách tôn giáo triều Nguyễn nói chung và thời Tự Đức nói riêng vẫn còn nhiều điều hoặc chưa được đề cập tới, hoặc mới chỉ được tiếp cận ở một vài khía cạnh nào đó của vấn đề. Một số đánh giá về chính sách đối với tôn giáo của thời Tự Đức được đề cập còn chưa toàn diện vì các nhà nghiên cứu chủ yếu sử dụng các tài liệu nước ngoài và của các nhà truyền giáo, mà ít sử dụng các tài liệu chính sử, châu bản, bi ký. Mặc dù vậy, những nghiên cứu này vẫn là những tài liệu tham khảo quan trọng.
Do giới hạn về nghiên cứu và dung lượng của cuốn sách nên tác giả chỉ tìm hiểu chính sách thời Tự Đức đối với những tôn giáo chính ở Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX bao gồm: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Công giáo.
Khái niệm chính sách tôn giáo trong cuốn sách này để chỉ những quy định của nhà nước phong kiến nhà Nguyễn đối với tôn giáo, nhằm điều chỉnh, hướng dẫn các hành vi hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra phù hợp với các quy định của nhà nước phong kiến (luật, chiếu, chỉ, dụ...). Vì vậy, cũng có thể coi chính sách tôn giáo thời Tự Đức cũng như của cả thời kỳ phong kiến ở Việt Nam là thái độ ứng xử của nhà nước phong kiến đối với các tôn giáo. Với ý nghĩa như vậy, khái niệm chính sách tôn giáo thời phong kiến không hoàn toàn giống như ý nghĩa của khái niệm này thời hiện đại.
Trong lịch sử Việt Nam, cho tới những năm đầu thế kỷ XX vẫn chưa có “chính sách tôn giáo” đầy đủ theo nghĩa hiện đại. Nghĩa là quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo chưa được định chế bằng luật pháp và các văn bản pháp luật, mà các Nhà nước phong kiến ở Việt Nam dùng các văn bản của triều đình như chiếu, chỉ, dụ... để quản lý các tôn giáo. Tuy vậy, vẫn có những thành tố có thể xếp vào thuộc phạm trù chính sách tôn giáo. Ở Việt Nam, Trung Hoa và một số nước phương Đông trong thời kỳ phong kiến, vua là người nắm cả thế quyền lẫn thần quyền, nhà nước sử dụng các định chế ở các mức độ từ cao đến thấp (cao nhất là luật, thấp hơn là các chỉ, dụ) nhằm điều chỉnh các hành vi xã hội trong lĩnh vực tôn giáo. Các triều đại ở Việt Nam từ Lý - Trần đến Lê - Nguyễn đều có những ứng xử với tôn giáo theo cách thức này.  
Vì nhà nước phong kiến Việt Nam thời Tự Đức là nhà nước quân chủ chuyên chế, quyền hành tập trung trong tay nhà vua. Trên thực tế, năng lực và tính cách của các ông vua có ảnh hưởng lớn đến các chính sách đương thời. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của nhà vua còn có bộ máy quan lại với chức năng tham mưu và thực thi các chính sách. Tùy từng thời kỳ và tùy từng công việc mà bộ máy này có những ảnh hưởng nhất định đối với nhà vua và việc ban hành các chính sách, nhưng rất khó xác định mức độ ảnh hưởng của bộ máy này với các chính sách đương thời vì những văn bản của nhà nước đều do chính tay nhà vua “ngự phê”. Mặt khác, những chính sách của nhà nước trong quá trình thực hiện cũng có những sai lệch nhất định tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh và phạm vi cụ thể. Do vậy, khái niệm “chính sách tôn giáo thời Tự Đức” được sử dụng trong cuốn sách sẽ bao hàm cả những nội dung trên, khai thác tối đa những nguồn tài liệu đa chiều để rút ra những nhận xét, đánh giá.
Nội dung cuốn sách tập trung giải quyết những vấn đề chính sau đây: 
Thứ nhất, tìm hiểu bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam thế kỷ XIX, những nguy cơ và tác động mà triều đình Tự Đức phải đối diện trong quá trình thực dân và truyền giáo. 
Thứ hai, tìm hiểu tình hình sinh hoạt tôn giáo và chính sách đối với các tôn giáo lớn thời Tự Đức như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Công giáo. 
Thứ ba, phân tích những nguyên nhân cơ bản, những hạt nhân hợp lý, cũng như những nghịch lý trong chính sách tôn giáo thời Tự Đức, từ đó rút ra những mặt tích cực cũng như hạn chế trong thái độ ứng xử của triều vua này đối với các tôn giáo, những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử để góp phần giải quyết các vấn đề chính trị xã hội nước ta hiện nay nói chung, cho việc hoàn thiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước nói riêng.
Giai đoạn 1848-1883, cách riêng một bộ phận giáo dân, trong một thời gian dài đã phải chịu đựng các chính sách cấm đạo hà khắc và sự nghi ngờ của các tầng lớp xã hội, nhiều người bị thực dân lợi dụng nên đã đi đến những hành động quá khích, thậm chí đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Mặc dù bị tổn thất bởi những chính sách của Nhà nước, nhưng Công giáo thời Tự Đức trong ba giai đoạn: trước năm 1862; từ năm 1862 đến năm 1874 và từ năm 1874 đến năm 1883 đã có những phát triển nhất định về số lượng và phạm vi truyền giáo.
Một cái nhìn khác, theo chúng tôi cũng cần nêu ra ở đây, là sự cung cấp và công bố một số tư liệu mới, quý hiếm rải rác trong toàn bộ công trình này. Bạn đọc sẽ tìm được không ít những mảng tư liệu như thế để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử, tôn giáo thời kỳ này. 
Mặc dù đã cố gắng trong việc nhìn nhận và đánh giá vấn đề, song cuốn sách “Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883)” là một đề tài nghiên cứu phức tạp nên cuốn sách khó tránh khỏi những sai sót, khiếm khuyết. Tác giả rất mong sớm nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc. 
Báo Người Công giáo Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Nguyễn Văn Thuyên

Thông tin khác:
Hương mùa Hạ (02/06/2023)
Bản hòa ca mang âm hưởng ''Xứ Mường'' (29/05/2023)
Old Lichen – Vatican Ba Lan (18/05/2023)
Hình như mỗi làng quê Việt Nam đều có một Điện Biên Phủ thu nhỏ (07/05/2023)
31 tổ chức tôn giáo tuyên bố ngừng đầu tư vào nhiên liệu hoá thạch (02/05/2023)
Nam Định: Hội làng tưởng nhớ ‘Tứ tổ khai sáng’, ‘Cửu tộc khai cơ’ (01/05/2023)
Xúc động Chương trình giao lưu nghệ thuật 'Ngày vui thống nhất' (25/04/2023)
Chiến tranh trên gương mặt đàn bà (19/04/2023)
Yên tĩnh làng quê (17/04/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log