Văn hóa nghệ thuật

Chúa sẽ chẳng được chào đời

Cập nhật lúc 14:05 17/12/2012

Riêng tại Lyon, thành phố hơn hai ngàn năm tuổi bên Pháp, người ta cũng thắp những ngọn đèn nến trên bệ cửa sổ mỗi nhà, và trang hoàng đường phố bằng hệ thống đèn màu, có truyền thống từ lâu đời, trước là để mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Đấng đã cứu thành phố khỏi nạn dịch kinh hãi năm nào, sau là để mừng Noel. Theo tôi được biết, chính từ thành phố này mà tục lệ trang hoàng đường phố để mừng Noel, đã lan rộng ra những thành phố khác, như Paris, Luân đôn va New-York.

Ở Việt nam ta, không có tục lệ dựng cây thông Noel to ở thành phố, nhưng trong mỗi gia đình, mỗi cửa tiệm, kể cả nhà ở hay tiệm buôn của người không Công giáo,  cũng trưng bày cây thông Noel đủ loại, thật thì ít, mà giả thì nhiều, đủ kích cỡ, màu sắc, kể cả màu bạc trắng xoá. Còn tục lệ làm hang đá, chăng đèn ngang qua đường làng đường phố, thì do người Công giáo trên Tân Mai, Hố Nai (Biên Hoa) du nhập từ Mỹ về, nay cũng đã lan rộng khắp nơi, như ở Bình An, Bình Đông, Xóm Mới…

Tháng 12 năm 1992, tôi có dịp sang nước Mỹ, người nhà chở tôi đi tới một vùng ngoại ô Houston, để xem những dẫy phố trưng bày những hang đá Bê-lem đủ kích cỡ, màu sắc trên khắp các lề đường hai bên hè phố, với những ngọn đèn rực rỡ sáng trưng. Người ta nói với tôi rằng hầu hết chủ nhân của những ngôi nhà bên trong, cũng như của những hang đá ngoài đường, đều đã đi nghỉ Noel ở nơi xa. Còn những người kéo nhau đến “viếng”, đều là những người nghèo, sử dụng những phương tiện cũng rất nghèo, như những chiếc xe cũ kỹ, có khi là những xe chở đồ, và người ta ngồi chen chúc nhau, công khai vi phạm luật giao thông, nhưng không sợ, vì nhân dịp này, cảnh sát hoàn toàn làm ngơ.

Tôi còn nhớ đã viết một bài nói về chuyện đáng buồn này : kẻ làm hang đá thì chẳng ở nhà để đón Chúa đến thăm, còn kẻ đến thăm hang đá, thì cũng chẳng phải để gặp Chúa, mà chỉ để thưởng ngoạn, vui chơi.

Và ngày nay, và mãi mãi lâu dài về sau này, thì cũng vẫn thế, người ta dựng cây thông, trang hoàng đường phố, đâu phải để đón mừng Chúa. Đã từ lâu lắm rồi, Noel không còn là một lễ hội tôn giáo, đặc biệt là của Kitô giáo, mà chỉ còn là một lễ hội truyền thống hoàn toàn thế tục : người ta, đi mua sắm, tặng quà cho nhau, ăn diện, vui chơi, nhảy múa, hay đi du lịch, rất ít người đến nhà thờ, hay có đến thì lòng trí cũng để đâu đâu, chứ mấy ai nghĩ đến chuyện đón Chúa vào nhà linh hồn mình.

Vì thế câu than phiền của Gioan vẫn mãi mãi luôn luôn ưng nghiệm : “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp !” (Ga 1,11).

Năm nay, ở Paris, một người thợ làm sôcôla, đã làm ra một cây thông Sôcôla cao 10 mét, chạm đến trần nhà, nhưng ai cũng biết, nó không phải để tặng Chúa Hài Nhi. Và cả những cây thông ở New-York hay ở Nhà Trắng, hoặc ở Champs Eùlisées, cũng như ngay ở quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma, thực ra là để mua vui cho con mắt người đời, chứ đâu để đón mừng Chúa đến.

Bởi vì Chuá không bao giờ đến những nơi sang trọng hay giầu sang phú quý ! Xưa kia, Người đã không sinh ra ở Giêrusalem, trong cung điện nhà  vua hay trong đến thờ, mà sinh ra ở Bê-lem, trong một quán trọ, nơi đã từng là một chuồng bò, hay cũng có thể là một cái hang ở giữa cánh đồng hoang, nơi chiên bò ẩn nấp khi trời mưa bão hay băng giá…

Còn ngày nay, nếu Người simh ra một lần nữa, thì chắc chắn cũng sẽ chẳng chọn Toà Bạch ốc hay điện Eùlisées, cũng chẳng phải Giêrusalem, hay đền thờ Thánh Phêrô, hoặc thậm chí cả Bê-lem… Nơi Người muốn sinh ra có thể là trong một căn nhà nào đó nuôi dạy trẻ mồi côi, khuyết tật hay mắc bệnh Sida, hoặc chất độc da cam. Cũng có thể gần một bãi rác nào đó bên ngoài những thành phố lớn, như tôi mới nhìn thấy trên Tivi : tại một bãi rác bên Phi châu, hai người đàn ông và đàn bà da trắng đang phỏng vấn một bé trai da đen, cỡ từ 11 đến 12 tuổi. Em cho biết mỗi ngày chỉ kiếm được hơn một bảng Anh, nhưng phải nộp cho nhóm, chỉ giữ lại được 40 xu, đủ để gặm một ổ bành mì, còn ngủ thì nằm bất cứ nơi đâu gần bãi rác, không mái che, không chăn mền… Vì thế mà hiện nay em bắt đầu ho ra máu…

Có thể Chúa sẽ chọn nơi đó để chào đời.

Nhưng tôi sợ rằng ngày nay vì có quá nhiều Hêrôđê đang rình mò khắp nơi, sẵn sàng giết Chúa ngay khi còn trong lòng mẹ !

Thật vậy, Hêrôđê ngày xưa chỉ giết được một số hài nhi ở vùng Bê-lem từ hai ba tuổi trở xuống, còn ngày nay, trên khắp nơi trên thế giới, không chỉ có những Hêrôđê, mà chính những người cha người mẹ, hay những nguời thân trong gia đình, ép buộc các thiếu nữ mang thai, đặc biệt là các thiếu nữ vị thành niên, hay con gái những nhà danh vọng, gia giáo, phải nạo phá thai, để khỏi ô danh gia đình . Con số các trẻ em hay thai nhi bị giết không chỉ là vài ba chục hay mấy trăm, mà hàng ngàn, hàng vạn, và hàng triệu !

Thật vậy, mới đây, tại một ngôi chùa bên Thái Lan, người ta khám phá ra hơn hai ngàn xác trẻ thơ chất đống trong một cái kho chờ đem đi hỏa táng. Nghe mà rùng mình, đau xót ! Nhưng như thế sánh sao được với chuyện nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể trong truyện Tướng về hưu , nói về  một chị bác sĩ, con dâu của ông tướng , lấy thai nhi bị nạo, bị giết từ bệnh viện về, để nuôi heo ! Nhưng đó chỉ là “chuyện nhỏ”, mới chỉ liên quan đến một bệnh viện. Còn nếu như chúng ta biết được rằng ở nước Việt nam bốn ngàn năm văn hiến này, mỗi năm có tới 3 triệu thai nhi bị giết trước khi sinh ra, -một con số lớn lao khủng khiếp, cao hơn số dân cư của một tỉnh lớn-, tôi nghe mà không tin nổi ! Tuy nhiên, điều chắc chắn là Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được xếp hạng …"huy chương vàng” về thành tích nạo phá thai trên toàn thế giới, còn Việt Nam ta đoạt huy chương bạc, đứng sau người chị hiền Trung quốc . Thật đáng hãnh diện lắm thay !

Nếu biết được con số thống kê tất cả các thai nhi bị giết mỗi năm. riêng tại Trung quốc,- một nước có dân số lên tới 1,3 tỉ người,- thì có lẽ con số thai nhi và trẻ sơ sinh bị giết phải ngang bằng với dân số  nhiều nước trên thế !

Vậy mà nhân loại chúng ta hầu như đã làm quen với tội ác tầy trời này, nên chẳng mấy ai phản ứng, vậy mà  người ta xúc động, bàn tán, khóc thương khi nghe tin vài ba chục người thợ mỏ bị kẹt hay bị chết dưới những hầm lò trong lòng đất, hoặc vụ giẫm đạp bên nhau mà chết, như ở Pnôm-pênh hay tại La Mécca bên Ả-rập Saođi…

Không hiểu các nhà lãnh đạo thế giới đi họp hội nghị quanh năm ngày tháng, hết G 7 đến G 8, rồi G 20 vv, có bao giờ nghĩ tới tội ác của cả thế giới chúng ta, đặc biệt là của các nhà quản trị kinh tế, đề ra những chính sách kinh tế toàn cầu, đặt ra những chỉ tiêu này nọ, có thèm nghĩ đến con số những trẻ thơ vô tội bị giết hàng ngày, hàng giờ trên trái đất này không ! Con số ấy chắc phải cao gấp nhiều lần con số nạn nhân của những trận đại chiến thế giới, vì riêng ở nước ta, con số 3 triệu thai nhi bị giết, đã ngang bằng với con số nạn nhân trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ !

 Nếu như chúng ta vẫn nói, và điều này rất đúng : trẻ em là tương lai của đất nước, của thế giới, thì điều này có nghĩa là chúng ta đang giết chính tương lai của mình.

Còn chúng ta nghĩ rằng: nếu trong số những trẻ thơ và thai nhi đó, có đứa được sống, thì hẳn đất nước và thế giời sẽ có những người hiền tài , những bậc thánh nhân, những nghệ nhân, nghệ sĩ tài ba hơn bao người đang sống hiện nay !

Đối với người kitô chúng ta, thì mỗi thai nhi hay hài nhi, đều là hình ảnh, là hiện thân của chính Chúa Kitô . Vì thế tôi mới nói rằng CHÚA SẼ CHẲNG ĐƯỢC CHÀO ĐỜI, nếu như trên khắp thế gian này, các Hêrôđê,- có khi là chính chúng ta,- cứ tiếp tục chấp nhận tội ác nạo phá thai. Thật là đạo đức giả, điên rồ và phi lý, khi người ta hội họp, đề ra những chỉ tiêu để giảm lượng khí thải độc hại vào không khí, mà không nghĩ gì đến chuyện giảm bớt nạn nạo phá thai, là chuyện dễ thực hiện hơn những chuyện khác.

Thế giới đang sợ hãi và tích cực tìm cách tiêu diệt những kẻ khủng bố, nhưng lại quên rằng chính mình cũng  là al-Qaeda đang giết những trẻ thơ vô tội, chẳng làm hại gì đến ai, trái lại còn là niềm vui và là tương lai của nhân loại.

Giáo hội chúng ta có suy nghĩ gì về tội ác ghê gớm, lớn lao và phổ cập này, hay cũng chỉ biết than phiền, cầu nguyện, hay lên án suông ?

Và nếu như chúng ta nghĩ chuyện ấy chẳng liên quan gì đến mình, hay mình chẳng làm được gì, thì có lẽ đừng bày ra Mùa Vọng với Lễ Giáng Sinh làm gì, bởi lẽ Hài Nhi Giêsu đang bị giết hàng loạt mỗi ngày, ngay bên cạnh chúng ta, bên ngoài nhà thờ, bên ngoài hang đá, chẳng có lấy một cây thông trồng bên mộ, hoặc tệ hơn, bị quẳng vào chuồng cho heo ăn…

Thiện Cẩm OP
Thông tin khác:
Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH : CHÚA NHẬP CUỘC LIÊN ĐỚI VỚI CON NGƯỜI (17/12/2012)
HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA (15/12/2012)
Ca khúc Cánh cửa Đức Tin (14/12/2012)
THIÊN CHÚA ĐỢI CHỜ “Trời cao hãy đổ sương xuống” (11/12/2012)
Yêu thiên nhiên yêu chính mình (30/10/2012)
Ra mắt hợp xướng “BÀI TRƯỜNG CA NĂM THÁNH” (21/10/2012)
Giả hình (02/10/2012)
Vatican II ảnh hưởng gì tới Giáo hội Việt Nam ? (21/09/2012)
Khát giữa dòng nước lũ (05/09/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log