Văn hóa nghệ thuật

HÃM MÌNH

Cập nhật lúc 14:19 22/12/2012

 

Thật ra, chẳng khác chơi chữ mà thôi. Ví dụ, cũng người ấy, hôm qua xấu xí, hôm nay đi “tút”(Touche) về đẹp hơn. Hoặc bảng hiệu quán xá phải vẽ bảng chữ, sắp xếp thế nào cho giống Tây như: MAITANGCO (Công ty mai táng), HOVILO (Hột vịt lộn), HOVILA (Hột vịt lạt)…
          Tuy nhiên, các bác sĩ, giới y học là những người hiểu công dụng và kê toa cho các bệnh nhân nhiều nhất, dù không dùng từ “Hãm mình” thì cũng dùng từ “Kiêng”, “cữ” mỡ, cữ thịt, cữ rượu, cữ thuốc linh tinh…cũng đồng nghĩa.
          Tựa truyện mô phỏng sau đây biểu hiện thái độ của nhiều người, nhiều giới:
          Một người trưởng nhóm công nhân tát anh công nhân mới vào làm việc, người Công giáo. Người bị tát không phản ứng, chỉ nói lời nhẹ nhàng, nếu làm anh vui thì anh cứ tát nữa đi, người trưởng tát thêm bốn, năm cái.
          Hôm sau anh công nhân mới đi làm sớm gặp anh trưởng tới sau, anh này chào hỏi niềm nở, kính trọng. Bỗng nhiên người trưởng chạy lại ôm lấy anh công nhân mới xin lỗi và bày tỏ rằng anh có Chúa; Chúa ở trong anh, tôi sẽ xin theo Ngài!
          Anh công nhân mới coi như hãm mình, kiềm chế, hy sinh, nhịn nhục. Chắc không ai bài bác việc hãm mình như vậy!
          Cụm từ mới nhất hiện nay, có vẻ văn hóa mới, báo chí, sách đọc, sách mạng, phát thanh, truyền hình, huấn thị…đều rầm rộ lên tiếng, cổ vũ như phong trào, đó là “Vượt lên chính mình”, sách có chứng rằng, ông Michael Dowling là chủ tịch hội đồng quản trị của một trong những ngân hàng lớn nhất tiểu bang Minnesota và từng được phòng thương mại Hoa Kỳ bầu chọn là vị lãnh đạo tiêu biểu của năm. Hơn nữa, không những là người rất thành công trên thương trường, ông còn có được một mái ấm gia đình hanh phúc mà rất nhiều người phải mơ ước. Nhờ những thành công trong sự nghiệp và gia đình như vậy, ông trở thành nhân vật khách mời thường xuyên của các chương trình truyền hình, báo chí hoặc các buổi họp mặt truyền thống. Một lần ông được mời đến thăm các thương bệnh binh ở thành phố Luân Đôn. Những người đã mất đi một phần thân thể và còn chịu một dư chấn nặng nề về tâm lý trước những đau thương, mất mát đã chứng kiến hoặc gặp phải nơi chiến trường.
          Mở đầu buổi nói chuyện, Michael nói với các khán thính giả của ông rằng những thương tích mà anh em đang gánh chịu chẳng đáng là gì, thay vì chìm đắm trong thất vọng, đau khổ, anh em hãy đứng lên, hăng hái trở lại và tiếp tục cống hiến cho cuộc sống.
          Ngay lập tức, nhiều tiếng xì xào phản đối nổi lên. Những người thương bệnh binh cảm thấy mình bị xúc phạm trước những lời nói đó, bởi họ cho rằng một người đang có trong tay tất cả như Michael Dowling làm sao có thể hiểu được những đau đớn, mất mát mà họ phải gánh chịu.
          Rất bình thản, Michael tiếp tục bài phát biểu của mình. Ông khuyên họ hãy giữ vững niềm tin vào bản thân và tự đặt ra mục tiêu để phấn đấu.
          Khi ông kết thúc, cơn thịnh nộ của các thương bệnh binh đã lên tới đỉnh điểm. Họ lớn tiếng phản đối, chê bai, thóa mạ ông. Nhưng lạ thay, vị chủ tịch không hề nao núng. Ông im lặng, bình thản ngồi xuống chiếc ghế gần đó và bắt đầu “tháo” chân phải của mình ra. Một tình huống quá bất ngờ. Tất cả khán thính phòng đứng bật dậy và như chết lặng, không tin vào mắt mình. Họ quan sát từng cử chỉ của ông. Vẫn với những cử chỉ khoan thai, từ tốn, ông tháo tiếp một bên chân còn lại của ông.
          Đến lúc này, những tiếng la ó đã ngưng bặt. Nhưng không chỉ có vậy, Michael lặng lẽ tháo luôn cánh tay phải, bàn tay trái của mình. Và cuối cùng ông ngồi đó như một gốc cây cụt, không còn đôi tay, đôi chân, chỉ có đôi mắt vẫn ánh lên tia nhìn kiên nghị.
          Michael đã hoàn toàn chinh phục được tất cả những người có mặt.
          Truyện trên có tính thuyết phục tất cả những người tai nghe, mắt thấy, cả người đọc và nghe kể, đúng bằng tâm phục, khẩu phục.
          Ông Michael ấy đã phản ánh phần nào lời dạy của Chúa Giêsu:”Thầy chính là Con đường, là Sự thật và là Sự sống”. Ông tháo lột bỏ hết tay chân, không than trời, trách đất, không than thân, trách phận, tức là ông đã hy sinh, hãm mình, từ bỏ, kiềm chế, tiết độ, vượt lên chính mình, tiến về phía trước.
          Quả thật tình cờ thú vị, đang suy tư thái độ từ chối “hãm mình” của xã hội ngày nay, nghỉ gõ máy tính, vừa với tay cầm tờ Tuổi trẻ Cuối tuần 9-12-2012, đọc cho thư giãn, tôi chăm chú đọc ngấu nghiến bài tựa “Tính hưởng thụ”. Đọc ngay câu mới lạ đầu bài của tác giả Phùng Hi, chưa nghe bao giờ, “…Tuân Tử lại bảo ngược ông Mạnh Tử: “Nhân chi sơ tính bản ác”. Những diễn tiến xã hội và các tranh luận đạo đức lại thường dẫn đến một lý giải rằng đằng sau cái “nhân chi sơ” đó lại là tính hưởng thụ. Con người sinh ra đã có ngay tính hưởng thụ.
          Tính hưởng thụ càng dung dưỡng nó, nó càng thấy thiếu. Ăn, nó muốn càng lúc càng ngon. Mặc, nó muốn càng lúc càng đẹp.
          Tác giả Phùng Hi còn cung cấp cho tôi biện chứng nhiều người khó chấp nhận dừng hoặc hãm mình: “Tiền nhiều ắt sướng, tính hưởng thụ được phát triển tối đa. Điều này lý giải cho việc các quan tham không bao giờ tự dừng được. Tham nhũng một lần trót lọt, run muốn chết, nhưng vẫn cứ muốn thử lần nữa, rồi lần nữa. Phải chăng tính thích hưởng thụ luôn thắng mọi nỗi sợ hãi”.
          Không có những bài học giáo dục phù hợp và kịp thời, xã hội ắt phải chuẩn bị để tiếp nhận một công dân tồi, một kẻ vị kỷ. Tính hưởng thụ đi quá sự thiết yếu của đời sống dẫn đến cái ác, biết dừng trong sự cho phép đó là thiện.
          Tuy nhiên, đối với người Công giáo, hãm mình đầy đủ còn đi kèm ăn chay, Vậy hãm mình, đơn giản chỉ là giảm ăn, giảm mặc, giảm chi tiêu, biết dừng, cũng là để giảm cân, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ danh dự cầu nguyện, sống bác ái (bố thí), nói tắt là gắn liền với Chúa, theo gương và lời dạy của Chúa Giêsu. Về nhân bản hãm mình là tự chủ, tăng thêm nghị lực và sức mạnh tinh thần trong cuộc sống.
          Trên đời có tài năng nào mà không phải khổ luyện, khổ chế, hy sinh, từ bỏ. Dù cho nhiều người tài năng do trời cho như các nhạc sĩ, ca sĩ, khoa học gia… đã thành danh, ít nhiều nhắc tới tiết chế. Tài năng có sẵn, cũng như hòn ngọc thô, nếu không mài dũa thì không tỏa sáng được hết cỡ.
          Đọc truyện Tàu, phim chưởng cũng vậy, cao thủ đâu phải là đâm chém giỏi nhất thiên hạ, đâu phải phi đao vèo vèo hay ra chiêu là hạ vài chục con rồng vàng khè. Cao thủ là luyện tới mức hòa mình với cái nhỏ nhất của trời đất, là đỡ được một chiếc lá thăng bằng trên đầu mũi kiếm của mình.
          Hãm mình theo Giáo hội Công giáo và các Thánh dạy chúng ta phải ăn chay hãm mình thì mới chiến thắng được chước cám dỗ và sống tự do hạnh phúc trong tình yêu của thuở ban đầu.
          Hãm mình có thể giúp chúng ta sử dụng tự do mà Thiên Chúa ban theo đúng trật tự của nó.Con người chúng ta có sự tự do lựa chọn và đó là món quà cao quý của Đấng Tạo ban cho chúng ta. Thật ra sự tự do không hiện hữu một mình, nhưng nó có thêm một người bạn đồng hành đó là trách nhiệm; do đó chúng ta phải so đo, cân nhắc phải trái, chính vì sự tự do đó mà chúng ta cần phải chiến đấu để những ý nghĩ và hành động của chúng ta mang đến sự sống. “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con là cửa sinh cửa tử; ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15, 16-17)
          Chúng ta phải luôn chọn những hướng đi hay quyết định dẫn chúng ta đến sự sống sâu xa hơn trong Chúa, và khi làm được như vậy là chúng ta biết sử dụng tự do Chúa ban theo trật tự của nó. Trật tự của tự do là chính Chúa Giêsu như Chúa nói” Tôi là cửa, ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,9-10).
          Làm thế nào để đem chúng ta đến sự sống mà Thiên Chúa mong muốn cho mỗi người chúng ta, sự sống mà Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể đã đem đến và mong được cùng chia sẻ với ta. Chúa nói rõ: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga. 14, 6). Và muốn đi qua cánh cửa đó chúng ta cần phải bỏ đi những ý riêng tư của mình và làm theo Thánh ý của Ngài. Theo tự bản thể, sức sống của từng người đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Bởi thế ý riêng của ta, tức là tách rời khỏi Thiên Chúa; không mang lại sức sống chỉ đưa ta đến sự chết. Chúng ta cần sống mỗi ngày theo thánh ý của Ngài.
          Muốn được sống thánh ý của Thiên Chúa và bỏ ý riêng tư của mình, chúng ta cần đến một phương cách, đó là hãm mình. Hãm mình giúp làm cho con người chúng ta biết tĩnh lặng và cảm nhận được sức sống từ Thiên Chúa.
          Để cảm nhận sức sống và hiệu quả của việc hãm mình, chúng ta xem, ý chí nghị lực và lý tưởng của cậu bé Berna Haring sau:
          Gần 12 tuổi, có lần trong một khoảnh khắc lắng đọng, tôi sà lại chỗ mẹ tôi và hỏi: “Mẹ ơi, mẹ nghĩ gì nếu con trở thành một nhà truyền giáo, dù con biết mình phải cố gắng rất nhiều để đạt được điều đó?”. Âu yếm nhìn tôi, mẹ khích lệ: Berna, con của mẹ, không có vị thánh nào từ trên trời rơi xuống cả. Điều mà những người khác làm được thì, với sự trợ giúp của ơn Chúa, con cũng sẽ làm được”. Kể từ giây phút đó, tôi quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ thừa sai của mình.
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
CHÚA GIÁNG SINH GIỮA NHÂN LOẠI HÔM NAY (21/12/2012)
Chúa sẽ chẳng được chào đời (17/12/2012)
Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH : CHÚA NHẬP CUỘC LIÊN ĐỚI VỚI CON NGƯỜI (17/12/2012)
HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA (15/12/2012)
Ca khúc Cánh cửa Đức Tin (14/12/2012)
THIÊN CHÚA ĐỢI CHỜ “Trời cao hãy đổ sương xuống” (11/12/2012)
Yêu thiên nhiên yêu chính mình (30/10/2012)
Ra mắt hợp xướng “BÀI TRƯỜNG CA NĂM THÁNH” (21/10/2012)
Giả hình (02/10/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log