Ông chia sẻ, thú sưu tầm đèn cổ của mình bắt đầu rất tình cờ cách đây 18 năm, đến nay bộ sưu tập đã lên đến vài trăm cây, xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới. Cả căn phòng của ông là một “thế giới của ánh sáng”. Nào là các loại đèn có từ thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, và có cả những cây đèn cổ xưa từ các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, châu Âu, châu Mỹ. Tất cả đều được ông cất công tìm kiếm và mua tại Việt Nam.
Thời bây giờ, ít người dùng đèn dầu nên việc tìm mua chúng có nhiều khó khăn, nhưng đôi khi cũng rất thú vị. Lúc thì để dành mãi mà vẫn chưa đủ tiền mua cây đèn ưng ý vì người ta biết ông mê nên “hét giá” quá cao. Khi thì rất tình cờ, ông lại mua được một cây đèn cổ vô cùng quý báu mà giá chẳng là bao vì người ta vứt nó trong đống phế liệu. Giờ đây, bộ sưu tập đèn của vị linh mục này đã có tương đối đủ các loại từ xưa đến nay. Cái xưa nhất là những chiếc đèn đất nung có từ thời văn hoá Đông Sơn. Cái gần nhất cũng rất hiện đại, với đèn thuỷ tinh lớn dùng trong các trang trại ở phương Tây. Và hàng trăm cây đèn được bài trí khắp nơi trong phòng làm việc, phòng nghỉ...
Thế mới thấy được cái tình của một người trót yêu và say mê cái đẹp của những vật dụng thắp lên ánh sáng từ xưa đến nay. Nghe nói nơi đâu có đèn lạ là ông lại tìm đến xem và tìm cách mua về bằng được. Vất vả và tốn kém là vậy, nhưng ông lại cho rằng, đó chỉ là bổn phận của một người muốn gìn giữ một nét văn hoá cho thế hệ con cháu và tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền nhân.
Ánh sáng tượng trưng cho những điều tốt đẹp, ánh sáng đưa người ta đến với những điều chính nghĩa, ánh sáng của đèn còn gợi liên tưởng đến cả một nền học thuật của con người. Phải chăng đó cũng chính là những điều thiêng liêng mà linh mục Nguyễn Hữu Triết muốn gìn giữ.
Đèn dầu
Đèn bằng đồng, gắn trên xe thổ mộ
Đèn Trung Đông
Lê Hải Phúc ảnh Phú Thiện
Câu chuyện về vị linh mục đam mê “sưu tầm ánh sáng” sẽ được chuyển tải trong chuyên đề Sài Gòn tôi yêu, phát sóng lúc 18 giờ chủ nhật 31.10.2010 và phát lại lúc 12 giờ ngày hôm sau, trên kênh VTV4.