Văn hóa nghệ thuật

Quan niệm về các tôn giáo của nhà nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

Cập nhật lúc 11:48 01/07/2022
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù lòa và gặp lúc biến loạn nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy thuốc mẫu mực mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.
Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Năm nay vừa chẵn 200 năm ngày sinh của nhà thơ yêu nước, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Nói về lòng yêu nước của ông, nhiều người đã bàn. Tôi muốn xem xét về quan niệm tôn giáo của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trong một gia đình nhà nho và ông cũng theo học các cụ đồ Nho để ứng thí cửa Khổng, sân Trình. Nhưng không may, trên đường đi thi thì mẹ mất năm 1847, ông phải về chịu tang. Do khóc mẹ mà ông bị bệnh và thành mù lòa năm 1848 lúc ông mới 26 tuổi. Ông là người theo nho học nên quan niệm về tôn giáo của ông trước hết là quan niệm của Nho gia.

Khổng Tử (551-479 tr. CN), người đặt nền móng cho tư tưởng Nho giáo, sáng lập học thuyết của mình lúc đầu là học thuyết về đạo đức để trị nước cứu đời. Các thế hệ học trò về sau mới dần xây dựng thành tôn giáo. Khổng Tử tin vào thiên mệnh, tin có Trời, ma quỷ nhưng ông ít bàn đến mà “kính nhi viễn chi”. Khổng Tử nói:

“Người quân tử có ba điều kinh sợ: Kinh sợ mệnh Trời; kinh sợ bậc đại nhân, tức là người có chức phận lớn, đức hạnh cao; kính sợ lời dạy của Thánh nhân. Kẻ tiểu nhân ngu dốt chẳng hiểu mạng Trời, cho nên chẳng kinh sợ, họ khinh ngạo bực đại nhân, họ coi rẻ lời dạy của Thánh nhân” (Luận ngữ, Quý thị 8). 

Đến Mạnh Tử (372-289 tr. CN), mệnh Trời được coi là Đấng Toàn năng:

“Bực thiên tử vui thuận mạng Trời thì có thể bảo tồn cuộc cai trị thiên hạ một cách bền vững. Bực quốc trưởng kính sợ mệnh Trời thì đủ sức gìn giữ nước nhà mình một cách miên trường.

Kinh Thi có chép rằng: Nếu mình biết kính sợ oai Trời, nhơn đó mình có thể bảo tồn địa vị của mình” (Mạnh Tử: Lương Huệ Vương, chương cú hạ 3). 

Các nhà Nho rất đề cao lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu thảo không chỉ là nuôi cha mẹ lúc già yếu vì như thế chẳng hơn gì con người nuôi các loài động vật cả. Khổng Tử nói:

“Đời nay, hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là người có hiếu. Nhưng những thú như chó, ngựa thì người ta cũng nuôi được như vậy. Cho nên nuôi cha mẹ, chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu” (Luận ngữ, Vi chính số 7). 

Đến Mạnh Tử (369-298 tr. CN) lại phát triển quan niệm “Đạo học” của Lão Tử thành “huyền hoặc, tiêu dao du ở chốn vô cùng”. Đạo của ông chính là Thượng Đế sinh thành vạn vật:

“Đạo thì tự bản, tự căn. Hồi chưa có trời đất, Đạo đã có rồi. Đạo sinh ra quỷ, sinh ra trời, sinh ra đất. Ở trước thái cực mà chẳng gọi là cao, ở dưới lục cực mà chẳng gọi là sâu, sinh ra trước trời đất, mà chẳng gọi là lâu, dài hơn thượng cổ mà chẳng gọi là già” (Đại tông sư, Nội thiên).

Mặt trước bia, tượng chân dung nhà thơ và hình ảnh và tư liệu về cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Mặt trước bia, tượng chân dung nhà thơ và hình ảnh và tư liệu về cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Nguyễn Đình Chiểu có cái nhìn về tôn giáo khác lạ. Toàn bộ tác phẩm nói về vấn đề này được nói đến trong truyện thơ nôm Dương Từ- Hà Mậu. Đây là một trong 3 tác phẩm lớn nhất của ông để lại là Lục Văn Tiên, Ngư Tiều vấn đáp Nho y diễn ca và Dương Từ- Hà Mậu. Dương Từ- Hà Mậu có 3460 câu, chỉ thua kém chút ít so với cuốn Ngư Tiều vấn đáp Nho y là 3642 câu. Theo một nhà giáo cho biết: “Khi cụ Đồ Chiểu ở lại Tân Thuận Đông, tổng Duy Hoà Hạ trong hai, ba năm ở nhà ông Nhiêu Lê Quang Hạ, kêu là Nhiêu Cơ. Ở đấy, muốn vui lòng ông bạn, lên tiếng bênh vực đạo Nho, cụ Đồ Chiểu đọc quyển Dương Từ Hà Mậu cho ông Nhiêu Cơ chép”1

Nếu trong truyện Lục Vân Tiên được nhiều người thuộc nhất có những câu thơ mộc mạc có phần dễ dãi: “Tôi bèn nổi giận một khi/ Vật chàng xuống đó, bẻ đi một giò”. Thì trong Dương Từ- Hà Mậu có những câu thơ tuyệt hay không thua kém bất cứ tác giả đương thời nào:

“Xiết bao gió chớp mưa luồn
Chắt sầu làm gối, nấu buồn làm cơm”
2 

Vậy nhưng tác phẩm này rất ít người biết và cũng ít được xuất bản. Tân Việt là nhà xuất bản đầu tiên giới thiệu Dương Từ- Hà Mậu năm 1964. Sau đó vài nhà xuất bản có giới thiệu như Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1980, Nhà xuất bản Long An năm 1989. Lý do, nó ít được phổ biến là vì có nội dung bài xích Phật giáo, Công giáo. 

Trước khi xem quan điểm của Nguyễn Đình Chiểu với Phật giáo, Công giáo, chúng ta hãy xem quan niệm của ông về Nho giáo như thế nào? Theo Nguyễn Đình Chiểu, đạo Nho là trên hết, là đầu mối sinh ra tất cả sinh linh, vạn vật trên đời:

“Nay ta cứ gốc mà phăng 
Theo đường nhân nghĩa, chi bằng đạo Nho
Trời sinh có một đạo Nho
Ngàn nghề, muôn nghiệp đều từ ấy ra”
3.

Thậm chí, đạo Tiên của Lão Tử, đạo Phật, đạo Trời cũng nằm trong đạo Nho. Trong khi đạo Tiên chỉ nhằm chu du, dạo chơi. Chỉ có đạo Nho mới giúp lợi nước, ích mình:

“Đạo Tiên cũng ở trong hằng đạo Nho
Đạo Tiên theo bậc nhàn du
Dạo chơi non nước chẳng cần công danh
Đạo Nho lo việc kinh dinh
Giúp trong nhà nước, cho minh vương thường”.


Theo Nguyễn Đình Chiểu, cứ theo đạo Nho là đủ cho mọi người, mọi nhà:

“Cứ theo một đạo Nho ta
Giữ câu lễ nghĩa, mọi nhà an vui…
Cho hay muôn nước đều nhờ
Đạo ông Khổng Tử làm bờ chăn dân
Trong đời biết chữ nhân luân
Biết đường trị loạn muôn phần chờ mong”


Với Công giáo, Phật giáo, Nguyễn Đình Chiểu phê phán gay gắt. Ông cho rằng, nước ta vốn đã nhiều mê tín, dị đoan nay lại còn thêm các tôn giáo ở phương Tây du nhập vào nữa:

“Dị đoan xưa đã bời bời
Lại thêm đạo Phật, đạo Trời lăng nhăng
Thói đời nhiều việc băng xăng 
Đố ai biết đặng đạo hằng quy ta
Đua chen kính chuộng đạo tà
Một câu quả báo, muôn nhà đều tu”.

Ông đặt câu hỏi: Sao đạo của dân tộc mình không theo mà lại theo đạo ngoại để mồ mả cha ông hoang tàn:
“Cớ sao mình ở nước Trung
Lòng theo nước ngoại còn mong đợi gì
Ông bà mồ mả bỏ đi
Gốc mình chẳng kính, lại vì gốc ai?
Cửa nhà làng xóm cách già
Phận gần chẳng đoái, đoái hoài phận xa”.

Mà kết cục không phải như đã truyền tụng là đi tu để được lên Niết Bàn, lên Thiên Đàng. Khi Dương Từ, Hà Mậu được cho lên chiêm ngưỡng cảnh tiên bồng thượng giới đã ngạc nhiên không thấy bóng vị Hòa thượng hay người Hòa Lan nào ở đấy:

“Rằng: đi năm cửa Thiên Đàng
Cớ chi không thấy Hòa Lan người nào?
Cũng không Phật Tổ ra vào?
Hay là còn ở nơi nào nữa chăng?”


Hóa ra cũng chỉ là lừa gạt dân chúng mà thôi.

 Với Phật giáo, Nguyễn Đình Chiểu phê phán khá nặng lời. Ông cho rằng:

“Ta nghe Phật ở phương Tây 
Vốn người mọi rợ, luân thường chẳng ưa
Lại nghe tam đại đời xưa
Dân an, nước trị, Phật chưa bày hình
Đến năm đời Hán Vĩnh Bình
Sứ qua Thiên Trúc, rước kinh Phật về”. 


Điểm này, ông có chút lầm lẫn. Đức Phật cũng ở phương Đông cùng với người Việt Nam thôi. Hoặc cho Đức Phật là người mọi rợ, thấp kém. Không phải, Đức Cổ đàm Tất Đạt Đa (Gautama Siddhattha) sinh năm 563 trước Công nguyên là Thái tử, con vua Tịnh Phạm (Shuddhodana). 
Dưới cái nhìn của Nguyễn Đình Chiểu các sư tăng trông bề ngoài đạo mạo, đoan trang nhưng cũng có lối sống buông thả lăng nhăng:

“Miệng thì niệm chú Nam mô
Mắt xem gắm ghé mấy cô đi chùa
Áo cơm khỏi tốn tiền mua
No lòng, ấm cật lại thêm thói xằng
Tham căn sắc dục để bằng
Lòng lang, dạ cáo lăng nhăng trọn đời”


Xem ra họ phần đông là “trốn việc quan đi ở chùa” muốn nương nhờ cửa Phật để được ăn, ở, mặc miễn phí mà thôi:

“Kể từ sống ở dương gian
Sợ làm tốn sức tìm đường đi tu
Vô chùa làm chước cạo đầu
Trốn vua theo Phật, trông cầu rảnh tay”.


Mượn lời một nhà tu hành theo đạo Tiên, Nguyễn Đình Chiểu chê trách những ai u mê không lo cứu nước, cứu nhà mà lại đi theo Phật giáo:

“Trên thời nghiêng nước nghiêng thành
Dưới thời nhà cửa tan tành vẹo xiêu
Phật linh mấy cứu ai nào?
Người nay sao phải lòn vào Thích gia?


Xem ra, đám “trốn vua đi ở chùa” này, gia đình chẳng được cậy nhờ mà quốc gia cũng không thể trông đợi gì nếu cả nước toàn sãi với tăng:

“Áo cơm còn nợ sờ sờ
Lá rau, con cá đều nhờ lộc vua
Trốn xâu, trốn thuế vô chùa 
Trong đời những vãi thời vua nhờ gì?”.


Với đạo Công giáo, Nguyễn Đình Chiểu gọi dưới nhiều cái tên như đạo Trời, đạo Hòa Lan, đạo Gia Tô, đạo Tây. Những tên gọi này chỉ đạo Công giáo cũng khá phổ biến lúc bấy giờ. Người ta lấy những người truyền đạo ở phương Tây nên gọi là đạo Tây. Lấy cách phiên dịch của Trung Quốc gọi đạo này là Gia Tô. Còn tên gọi Hòa Lan có mấy cách giải thích vì những nhà truyền giáo Hà Lan (Holand) hay bán vải có hình hoa khoai lang nên gọi là đạo Hoa Lang hoặc nhầm người Bồ Đào Nha là người Hà Lan. 

Trong các tôn giáo ở Việt Nam bấy giờ, theo Nguyễn Đình Chiểu thì Công giáo là xa lạ nhất chứ không gần gũi như đạo Nho, đạo Tiên, đạo Phật:

“Đạo Tiên, đạo Phật, đạo Nho
Cớ sao chẳng mộ, bo bo đạo Trời?”.


Mà cái đạo này có chi tốt đẹp đâu. Đạo này chẳng thờ cha, kính mẹ, chẳng thờ cúng tổ tiên, chẳng kính trên nhường dưới: 

“Nói rằng theo đạo năm đời
Trong khi nào thấy có lời chi hay
Đọc kinh xem lễ làm gì?
Ơn cha chẳng đoái, còn ghi đạo nào?...
Ông bà cha mẹ bỏ đi
Gốc mình chẳng kính, lại vì gốc ai?”


Nói đạo Công giáo không thờ ông bà tổ tiên thế kỷ XIX là đúng vì trước Công đồng Vatican II (1962-1965), Giáo hội chưa cho phép mà đây là tôn giáo độc thần. Ở Tòa Thánh, cuộc tranh cãi giữa hai dòng Đaminh và dòng Tên về nghi lễ phương Đông khởi nguồn từ Trung Quốc dai dẳng gây thiệt hại nặng nề cho các vùng truyền giáo trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Mãi đến năm 1939, Tòa Thánh mới cho phép người Trung Hoa được thờ cúng tổ tiên bằng hương hoa. Còn Việt Nam chậm hơn mãi đến năm 1969 mới được phép. Đạo Công giáo buộc tín hữu đọc kinh sáng tối nhưng theo Nguyễn Đình Chiểu chẳng thấy lợi lộc nào:

“Hôm mai luống những đọc kinh
Amen Đức Chúa có linh chăng là?”

Cho nên ông ủng hộ việc nhà vua ra lệnh cấm đạo:
“Tấn vương dụ xuống khắp kinh
Cấm theo đạo Phật, đạo Trời chẳng nên
Từ đấy trăm họ đều truyền
Bao nhiêu tả đạo đều truyền đốt kinh”. 


Mà vua đã có lệnh cấm, cùng với kinh nghiệm của bản thân nên các tín đồ đều quyết tâm bỏ đạo tà mà trở về đạo chính:

“Cùng nhau bàn bạc một lời
Đã ưng bỏ đạo Phật, Trời theo Nho
Theo Nho nên hưởng phúc to
Phấn vinh dồi mặt, nào lo phận hèn”.


Như vậy quan niệm của nhà Nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu có chỗ cực đoan, chưa chuẩn xác. Lý do một phần do ông xuất thân là nhà Nho, về sau lại bị khiếm thị nên không có cơ hội đọc nhiều, đi nhiều. Nhưng quan trọng nhất là lòng yêu nước của ông cháy bỏng. Cứ cái gì của Tây là đốt, là phá chứ chưa phân biệt được đâu là cơ sở dân sự, đâu là cơ sở quân sự: “Hỏa mai làm bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

Bởi vậy, Nguyễn Đình Chiểu mãi là nhà thơ yêu nước của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX.
———————
1. Theo nhà giáo Nguyễn Văn Nghĩa, báo Việt Nam Sài Gòn ngày 14/11/1936.
2. Nguyễn Đình Chiểu: Dương Từ- Hà Mậu, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1980.
3. Các câu trích sau đều dẫn từ Dương từ- Hà Mậu, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.1980.

 
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Vương cung thánh đường đầu tiên ở Hoa Kỳ (27/06/2022)
Tấm lòng của cha (18/06/2022)
Phóng viên báo Người Công giáo Việt Nam vươn khơi cùng giáo dân (17/06/2022)
20 truyện tình đẹp nhất trong Kinh Thánh (15/06/2022)
Bảo tàng nghệ thuật Assis Chateaubriand - Masp (13/06/2022)
Chủng viện Minh Hòa: Dấu ấn của một Đà Lạt bình yên (12/06/2022)
Chúa hóa bánh ra nhiều (11/06/2022)
Nhà thờ Mộ Ðức Trinh nữ Maria (10/06/2022)
Sự gắn kết Ba Ngôi (04/06/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log