Ở đây, chủ điểm lạm bàn hôm nay, một vấn đề nhạy cảm, có thể nhiều ý kiến khác nhau. Thực vậy, thông thường tham lam là ích kỷ, chiếm đoạt bất công, nhưng ý kiến khác cho rằng tôi lấy của nhà giàu cho những người nghèo khổ, bất hạnh…Chúng ta không bàn theo luận lý triết học ngụy biện, chỉ giới hạn ngôn từ và hành động thực tế trong cuộc sống xã hội đời thường.
Đức Giêsu lên án tham lam: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 16).
Qủa thật, chuyện một đầy tớ nọ rất, được vua tin cẩn, khi muốn nghỉ việc sau nhiều năm phục vụ. Ông đến gặp vua và trình bày ý định của mình. Vua hứa ban cho ông bất cứ điều gì ông xin như món quà chia tay, Ông về nhà bàn với vợ.
Hôm sau, ông trở lại và xin có phép thần thông biến tất cả những gì ông đụng tới thành vàng. Vua nói với ông:
- Anh có chắc đó là điều anh muốn không? Tất nhiên tôi cho anh, nhưng có thể nó sẽ không tốt như anh nghĩ.
- Thưa, không như vậy đâu, đó là điều cả tôi và vợ tôi muốn.
Ông được như ý, ông thử ngay tất cả những thứ quanh ông. Ông chạm vào mũ ông và nó trở thành vàng. Ông chạm vào bàn, cũng xảy ra tương tự. Ông vui sướng chạy về nhà và nói với vợ cách ông có thể làm tiền bất cứ lúc nào và nhiều như ông muốn. Rồi ông bảo bà ra chợ mua tất cả những đồ ăn ngon và nấu một bữa thiết đãi vua và hoàng hậu.
Bị kích thích bởi mùi thơm của những miếng thịt nướng và những mùi thơm khác, ông ngồi xuống bên miếng thịt gà quay. Khi ông chụp lấy nó, miếng thịt biến thành vàng. Ông thử những thức ăn khác, nhưng tất cả đều trở thành vàng như ông mong ước.
Ông chết đói…
Trên một trang mạng điện tử, tôi đọc thấy một tựa đề: Tham lam là gì? Rất nhiều cư dân mạng bình luận, đến “bình loạn”, người nói thế này, người nói thế khác, tựu trung, tính chất xấu, độc hại. Tôi chú ý một ý kiến, có thể tổng hợp các ý kiến. Người này nói rằng: “ Sai hết rồi! Ngắn gọn thế này; “Cái biến con người trở nên tham lam và ích kỷ, chính là bản năng của con người”. Tôi phải ngạc nhiên và đáng bi quan, chẳng lẽ nhân phẩm con người bị hạ thấp ngang bằng con chó khi tuyên bố: “Cái bản chất của con người vì là con người nên phải tham lam, ích kỷ, chó thì sủa…còn con người thì gian ác”. Có ý kiến có vẻ “triết gia” hơn khi kết luận: “Vì đa số người giàu có lại rất ích kỷ, con người ai cũng càng ngày càng ích kỷ thì làm sao tiến lên chủ nghĩa Cộng sản được?”
Ăn xài thoải mái, ai mà chẳng tham, nhưng đúng như câu ông bà thường nói, lòng tham không đáy.
Đọc tuổi trẻ cười, không phải vui mà cười, cũng không buồn mà cười, mà cười thật buồn: “Anh Cử Ròm mang nỗi niềm hóa đơn ra hỏi một anh chủ cửa hàng ở Đắc Nông, hỏi anh có bao giờ ghi thêm vào hóa đơn đỏ cho khách không. Anh chủ cửa hàng như được cơn xả giận: “anh tưởng bọn tui thích ghi như thế lắm à, ghi mà run thấy bà chứ bộ. Có người làm hai mươi mấy triệu bắt tui ghi thành năm mươi mấy triệu. Ăn gì mà khủng khiếp, lỡ có chuyện gì mình dễ bị vạ lây lắm!”. Nghe xong, Cử Ròm chắc phải tá hỏa tam tinh, nên phải xuống bút phê: “Xem ra lời anh chủ cửa hàng nói cũng có lý, vì “Hóa đơn mà biết nói năng, mấy thằng gian dối hàm răng chẳng còn”.
Qua chuyện đáng cười trên TTC, mình nghĩ đây mới là việc làm “vừa và nhỏ” mà ăn vầy, còn việc lớn “vĩ mô” ăn cỡ nào mới “ngang tầm cao mới”!
Tuy nhiên, những người ấy có nghe lời Đức Giêsu cảnh báo: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”(Lc 12, 20-21)
Ông bà còn nói câu thật hay, thật đúng, tham thì thâm. Nói đến đây, tôi lại nhớ chuyện con chó “thả mồi bắt bóng”. Có một chú chó nọ, chôm đâu được miếng thịt to thật to, chắc là trong đám cưới, đám tiệc của ai đó, chạy nhanh về nhà. Nhưng khi nó chạy qua cây cầu vắt ngang sông, chợt trông thấy một con chó khác, ngậm miếng thịt lớn hơn miếng của nó, nó liền nhảy tỏm xuống sông chộp cho bằng được. Xuống đến nơi, con chó kia chẳng thấy, mà miếng thịt to thịt nhỏ trên miệng cũng mất luôn và thân cũng toi mạng! Đúng là “mất cả chì lẫn chài”.
Con người có thể diệt lòng tham? Nhà Phật chủ trương diệt ngã, diệt ngã là trừ tham, sân, si. Các vị tăng ni phật tử ăn chay niệm phật nhằm diệt dục. Tuy nhiên, muốn diệt dục, phải vô ngã, mà vô ngã thì mất nhân tính. Tính tham không đi riêng rẽ, nhưng đi liền sân, si, hoặc tham nhũng với ích kỷ. Cũng giống dòng thác lũ cuồn cuộn, chặn nó thì bị tàn phá, chỉ còn phương án xả lũ, khai kênh, mở rạch chuyển hóa nó.
Người Kitô giáo có thể chấp nhận quan điểm tham lam đã thành bản năng nơi con người và đã nằm trong Mười giới răn của đạo, thứ mười: chớ tham của người. Tuy nhiên, chỉ là thất bại sau khi nguyên tổ loài người sa ngã. Nhưng đã được Đức Kitô hủy diệt bằng sự chết và Phục sinh vinh hiển, cờ chiến thắng tung bay khắp thế gian. Biết bao người tín hữu trở thành chứng nhân cho công lý và yêu thương quên mình để phục vụ tha nhân, nhất là những người cùng khổ: như thánh Phanxicô Assisi từ bỏ giàu sang, quyền quý, danh vọng trở thành người nghèo hèn mọn của Đức Kitô. Người bạn của Phanxicô hỏi ngài vì sao nên nông nỗi này? Người trả lời vì Chúa Kitô. Và hỏi: vàng bạc xa hoa ngày xưa đâu rồi? – của ma quỷ tôi đã trả nó rồi.
Ngoài ra, vì yêu Chúa, theo gương Chúa, không những người Kitô hữu không làm điều lề luật cấm mà còn cho đi cả những của cải họ có một cách chính đáng. Như Chúa đã khen người thanh niên xin theo Chúa trong Tin Mừng, anh đã giữ tất cả các giới răn, nhưng chỉ còn thiếu một điều là anh hãy về bán tất cả của cải mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi”. Lòng tham đã bóp chết anh: “nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10, 20-22).
Trên đời, có hai cái tham như hai vòng “kim cô” xiết chặt con người, đó là tình và tiền, như người ta triết lý vặt với nhau : “Đời chỉ là năm chữ T: tình, tiền, tù, tội, tử”. Quả thực, vua Henry VIII nước Anh, thế kỷ XVI, đã bỏ tù và giết chết quan chưởng ấn Thomas More có thế giá, chỉ vì ngăn cản vua ly dị hoàng hậu Catherine để cưới vợ khác. Vua chỉ nghe tiếng tham ái tình và lôi kéo thành một quốc giáo Anh giáo, ly khai giáo hội Công giáo, Gioan Tẩy giả đã là chứng nhân đầu tiên ngay từ thế kỷ đầu Kitô giáo đối với vua Hê-rô-dê muốn chiếm thêm vợ của anh mình.
Ca sĩ Hoàng Châu thường rên rỉ với bài hát “Người đàn ông tham lam”
Chỉ khi con người biết mình lầm lạc trên đường tìm hạnh phúc trần gian mới nhận ra rằng: “Nếu cuối cùng Đức Khôn Ngoan là Thiên Chúa, thì không có gì thiết yếu cho cuộc sống Ki-tô hữu hơn là có được Đức Khôn Ngoan”(Kn 8, 1-21b).