Văn hóa nghệ thuật

Trách nhiệm

Cập nhật lúc 10:37 21/10/2011
Các nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi đột ngột, người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang trên bàn nhâu, có người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình tượng một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.
Chúng ta không thể phủ nhận và không một luận lý nào có thể bênh vực một người trốn trách nhiệm trước một sự kiện thiên tai bất ngờ xảy đến. Dường như luật hàng không và hàng hải quốc tế quy định người phi công và thuyền trưởng chỉ được thoát thân khi người khách cuối cùng đã ra khỏi tàu khi gặp nạn.
Đã là người, ai cũng phải ý thức mình có trách nhiệm. Tự bản thân đã có trách nhiệm với mình: tôi không được làm điều ác mà phải làm điều thiện. Ngoài ra, không ai sống đơn độc, tôi sống có trời, có đất, con người, tức có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, gọi là tam tài. Như vậy, tôi phải có trách nhiệm liên đới. Chỉ có điều: chức vị càng cao, trách nhiệm càng lớn và tất nhiên càng nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn. Với đức tin Kitô giáo dễ nhận ra chân lý này nơi Chúa Kitô,Con người tuyệt vời. “Ai muốn làm lớn, phải là người phục vụ” (Lc 9, 48)
Một lần, Chúa phán với thánh Tê-rê-sa A-vi-la lời này: “Hỡi con, con hãy tin nhận rằng: ai được Cha Ta yêu hơn cả, thì người ấy sẽ gặp nhiều Thánh giá nặng nề hơn cả.”Để minh chứng lời ấy, Thánh Tê-rê-sa, trên đường rong ruổi đi đến thăm các cộng đoàn của Dòng Kín, thường phải nay đây, mai đó. Một hôm vào buổi chiều mùa đông, Bà lạc vào một khu rừng vắng. Sau nhiều giờ phiêu lưu, bà đã tìm ra được tu viện chìm sâu trong rừng. Bà giật chuông, nhưng không ai ra mở cửa. Bà giật mạnh, không may trượt ngã làm gãy chân. Lúc ấy, một nữ tu mới ra mở cửa. Bà than thở với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa làm gì vậy? Con sẽ bị giam ở đây, kông có y sĩ chăm nom, mọi công việc của con bị chậm trễ.Chúa âu yếm trả lời Bà:
- Đó là cách Cha xử với những linh hồn Cha yêu.
Bà chân thật nói với Chúa:
- Chính vì vậy, mà Chúa ít bạn hữu trên mặt đất.
Nếu nói theo xã hội, thế giới này là sàn diễn sân khấu và tất cả chúng ta là những diễn viên. Mỗi người giữ một vai trò độc nhất vô nhị và chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Trách nhiệm là làm đúng việc, dù việc ấy lớn hay nhỏ.
Về ý nghĩa thiêng liêng, theo Kinh Thánh như trong “dụ ngôn những nén bạc”:Quả thế, cũng chư có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ mà giao phó của cải mình cho họ.Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén,tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Khi trở về ,các đầy tớ đến tính sổ với chủ, người thứ nhất đến :
- Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã làm lợi được năm nén khác đây.
Ông chủ khen:
 Khá lắm. Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung tín, hãy vào hưởng phúc lạc với tôi.
Người lãnh hai nén đến thưa:
- Ông chủ giao cho tôi hai nén, tôi cũng làm lợi được hai nén đây.
- Ông chủ mừng:
- Anh khá lắm.Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung tín, hãy vào hưởng phúc lạc với tôi.
Đến lượt người lãnh một nén, với vẻ rụt rè, sợ hãi thưa:
- Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc,gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế tôi đâm sợ mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Đây nén bạc của ông, ông cầm lấy.
- Ông chủ nổi giận:
- Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác, đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà giao cho người đã có mười nén.”(Mt 25, 14-28)
Nén bạc, chính là trách nhiệm chúa giao cho mỗi người tùy khả năng và công việc khác nhau, đồng thời Chúa cũng ban ơn phù trợ cho người thi hành công việc ấy, dù phải đau khổ, thử thách như Thánh nữ Tê-rê-sa trên.
Các xã hội dân sự đã đề ra biết bao luật lệ, hiến pháp quy trách nhiệm cho từng cá nhân cũng như tập thể trong mọi lĩnh vực:
Điển hình, ngày nay thế giới bàn nhiều trách nhiệm chính trị. Trách nhiệm chính trị lại được xác lập dựa trên sự tín nhiệm. và bất tín nhiệm là loại chế tài duy nhất. Tuy nhiên, đây là loại chế tài mang tính”xa xỉ”: nó chỉ phát huy tác dụng trong một hệ thống chính trị có lương tâm.
Như trên, chúng ta vừa thấy: tuy là trách nhiệm, nhưng phải đi liền với lương tâm. Và thông thường, khi một người thực thi trách nhiệm nhằm đưa tới lợi ích cho người khác, ngược lại, một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ gây bất lợi hay tổn hại cho một cá nhân hoặc tập thể.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn quốc tế, các hội nghị, hội thảo, các tham luận, chất vấn… đã phản ánh nhiều hành vi tiêu cực do thiếu trách nhiệm của những nhân vật này, nhân vật nọ.
Cụ thể, theo cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, hiện cả nước có khoảng 27.000 (chiếm 6-7% tổng số) trẻ em phải lao động trong điều kiện tồi tệ, chính quyền chưa thực sự vào cuộc.
Hoặc “xà xẻo” “vốn vay xóa đói giảm nghèo… đã bị tổ Tiết kiệm vay vốn “cứa” từ 500 -800 ngàn đồng” bỏ túi riêng. (Diễn đàn Trách nhiệm xã hội Việt Nam).
Chúng ta đã nghe, đọc, và suy ngẫm để biết sống “tốt đạo đẹp đời” bằng Lời Chúa trong Tin Mừng thánh Mát-Thêu: Người cha có hai con trai. Ông sai con thứ nhất đi làm vườn nho. Nó chống đối ra mặt, thẳng thừng trả lời:
- Con không đi !
Người cha sững sờ như chết lặng. Nhưng cũng ngạc nhiên, nó nhận lỗi liền, đi làm ngay, tận tình làm xong công việc.Rồi ông đến bảo đứa thứ hai :
- Con cũng đi làm cho cha.
Nó lễ phép, nhỏ nhẹ thưa cha:
- Dạ, vâng: con đi ngay đây !
Cuối cùng nó chẳng làm gì hết !
Bài học thật sống động như đang diễ ra hằng ngày trong nhiều gia đình và xã hội. Người ta rất sợ những lời hứa hẹn “chót lưỡi đầu môi”. Bởi vì còn xem lại uy tín của người đó thế nào, quyền hạn tới đâu. Người con thứ hai trong Tin Mừng hứa, vâng vâng, dạ dạ, mà không làm, chính là kẻ “chót lưỡi đầu môi”, “ngôn hành bất nhất”.Họ hứa cẩu thả, không suy nghĩ xem mình có khả năng thực hiện điều mình hứa không?. Những con người như thế, thoạt nhìn người ta tưởng họ là những người tốt, nhưng đó lại là những con người thiếu trách nhiệm, dối trá, sẽ gây đau khổ , thất vọng cho người mong chờ lời hứa của họ được thực hiện.
Tuy nhiên, trên đời này, nói tới trách nhiệm phải nói mối tương quan liên đới, giống chuyện cười châm biếm sau:
“…Người đời thường đổ thừa xằng bậy đều do cái lưỡi :”cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Nhưng tao nghĩ một mình cái lưỡi thì không làm nên chuyện gì! Mầy ngẫm lại coi phải không Tư Nông?
Tư Nông suy nghĩ hồi lâu, không hiểu ông cụ muốn nói gì.
Tư lư một hồi, ông tiếp: cái lưỡi chỉ làm nên chuyện bậy nếu có…”cái tai” không biết phân biệt tốt xấu, giả thật. Cái tai khoái nghe nói nịnh, cái tai ham nghe lời tâng bốc ngọt ngào…Cứ trách mấy ông” làm báo cáo báo cáo hay”Tại sao không chê mấy ông cứ nghe báo cáo thành tích ảo. Để biến một công ty làm ăn rệu rạo thua lỗ triền miên thành một công ty làm ăn phát đạt thì phải có cái tai biết suy xét.
Cái tai chính trực thì lời đường mật đâu có vô nổi, phải không mầy?
Sau một hồi nghe thuyết giảng, Tư Nông đáp lời:

Bác Hai nói nghe cũng…có lý! (Tuổi Trẻ , 21/3/91)

Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Người Kitô hữu dấn thân trong hành trình phục vụ (22/09/2011)
LƯƠNG TÂM (16/09/2011)
Ngày Tết Trung Thu: Chúa Giêsu yêu thương trẻ em (12/09/2011)
Hãy tha thứ! (07/09/2011)
Cách mạng tháng 8 với các Giám mục người Việt (31/08/2011)
Văn học Công giáo ở Việt Nam (phần I) (24/08/2011)
Lời “cảm ơn” đâu dễ nói! (16/08/2011)
Ký sự Xuân Bích một nhà (12/08/2011)
Khiêm nhường (24/06/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log