Văn hóa nghệ thuật

Tháng cầu cho các Linh Hồn: Người Công giáo tại Việt Nam hướng về tổ tiên.

Cập nhật lúc 08:27 04/11/2011

 

Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).
 
Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô (354 - 430) đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Sau đó, thánh Odilo (962 - 1048) Tu viện trưởng tu viện Cluny (tu viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany) đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói 1030). Về sau lễ Cầu hồn đã được truyền sang nước Pháp; và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo Hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo Hội Rôma.
 
Trong bất cứ một gia đình Việt Nam nào cũng đều có bàn thờ gia tiên, thường là ở phòng khách – nơi trang trọng nhất. Những gia đình khá giả thì có tủ thờ, nơi bài trí bàn thờ gia tiên, có câu đối, có lư hương ngày đêm đèn nhang nghi ngút khói, có cặp lộc bình với vài cành hoa tươi, có đĩa trái cây… đặt trước di ảnh hay bài vị của người đã khuất. Đối với họ, ông bà tổ tiên không chết, nhưng chỉ đi xa, khuất núi…; hay nói đúng hơn, ông bà hiện diện với con cháu một cách khác, thiêng liêng hơn, gần gũi hơn. “Đạo bất viễn nhân” là vậy. Bất cứ trong gia đình có chuyện gì dù to hay nhỏ, lúc con cháu thi cử, lúc công thành danh toại, lúc dựng vợ gả chồng, lúc sinh con đẻ cái, lúc bệnh tật ốm đau… tất cả đều được cẩn cáo với tổ tiên, được tổ tiên chứng giám và chúc phúc. Cuộc sống gia đình có hạnh phúc, bình an, làm ăn phát đạt… cũng chính là nhờ công đức và sự phù trợ của các ngài. Cách sắp xếp bàn thờ, cách định hướng hay việc quyết định thờ cái gì tất cả đều ở tâm hướng thiện. Người Việt Nam mong muốn hướng tới cuộc sống tốt lành, thịnh vượng và bày tỏ sự thành kính của người sống với người đã khuất. Đó là vẻ đẹp văn hoá thấm đẫm chất nhân văn của con người Việt Nam.
 
Người Công giáo, hòa mình vào khối đại đoàn kết dân tộc, mang trong mình những giá trị của đức tin, nhưng không phôi phai hay đứng ngoài những giá trị truyền thống dân tộc. Trong văn hóa Việt Nam, chữ Hiếu luôn được đề cao và trân trọng.
 
Cảm nhận trên là cảm nhận chung của mọi người, nhưng cũng có thể nói đó là một cảm nhận rất Việt Nam; hơn ai hết, người Việt Nam sống trọn vẹn “đạo biết ơn” này. Dẫu cho bao nỗi thăng trầm của lịch sử, bao cuộc kết duyên giữa văn hóa và tín ngưỡng, “Đạo Ông Bà” vẫn là nguồn chảy, là tâm hồn của người Việt Nam. Đặc biệt khi nền văn hóa Khổng Mạnh đến Việt Nam, Đạo Ông Bà lại càng được củng cố, càng bám rễ sâu vào lòng con dân đất Việt. Chữ “Đạo” và chữ “Hiếu” đã giao thoa tạo nên nét độc đáo người dân ôn hoà trọng tình, giàu nghĩa.
 
Phong tục Việt Nam còn gắn liền với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, chúng phát triển sóng đôi và hỗ trợ cho nhau. Đặc biệt việc cúng tế gia tiên, thờ cha kính mẹ..., từ lâu đã là nét tín ngưỡng độc đáo của người Việt. Ý thức được điều này, dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, Giáo hội làm một cuộc hội nhập, một cuộc trở về với các truyền thống văn hóa – tín ngưỡng.
 
Lần đầu tiên trong lịch sử đạo lý, Giáo hội có một lối đánh giá thực sự tích cực về những tôn giáo lớn trên thế giới. Hơn nữa, những tư liệu về Giáo hội (Lumen Gentium), về Truyền giáo (Ad Gentes), và về Giáo hội trong thế giới hôm nay (Gaudium et Spes), công bố ý định cứu độ của Thiên Chúa, ý định này chỉ bị hạn chế bởi quyết định tà ý của lương tâm con người mà thôi. Điều này bao gồm khả thể về một đức tin – khả thị cứu độ (salvitic reveletion - fait) đúng nghĩa vượt ra ngoài những lời mặc khải Kitô giáo.
 
Giáo hội nhắc nhở: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Thì ra giữa lòng dân tộc, Tin mừng vẫn có thể trổ hoa, kết trái; không phải là “có thể” nữa, nhưng là “phải” sinh hoa kết trái, phải sống động ngay giữa lòng dân tộc.
 
Với tinh thần cởi mở và đối thoại, Hội thánh nhìn nhận và tôn trọng mọi giá trị tích cực tiềm tàng trong các nền văn hóa và các tôn giáo khác. Nền tảng để Giáo hội trân trọng sâu sắc các tôn giáo mà thần học gia Rahner cho rằng rất quan trọng về mặt đạo lý, được các nghị phụ Công đồng Vatican II tóm tắt như sau:
 
Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân lý, Chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng “là đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn; và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình.
 
Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách trân trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo”.
Những chỉ dẫn trên nói chung về việc trân trọng giá trị các nền văn hóa và tôn giáo, nhưng cũng có thể áp dụng cụ thể cho việc thờ cúng tổ tiên mà chúng đang bàn tới. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội ngày nay là vấn đề hội nhập văn hóa. Làm sao để Tin mừng của Đức Kitô không dập tắt đi những di sản văn hóa, tôn giáo của các dân tộc; nhưng trái lại, Tin mừng phải là nguồn nước thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo, phải là ánh sáng các dân tộc (Lumen Gentium), là ánh sáng trần gian (Ga 8,12).
 
Tin mừng và văn hoá tuy khác biệt nhưng không hề mâu thuẫn và cũng không tách rời nhau. Cá không thể thiếu nước, cũng vậy không thể tách rời Tin mừng ra khỏi văn hóa được. Tin mừng và văn hóa phải giao thoa và hoà điệu với nhau. Đức Giêsu đã được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong một nền văn hóa cụ thể. Ngài cũng có một quê hương, một nơi “chôn nhau cắt rốn” như tất cả mọi người. Ngài nói, suy nghĩ, ứng xử theo văn hóa Do Thái; và cũng có thể nói chính nền văn hóa ấy đã hình thành nên một con người Giêsu, một phong cách Giêsu.
 
Qua dòng thời gian, Giáo hội đã không tránh khỏi cơn cám dỗ tách yếu tố văn hóa ra khỏi Tin mừng, hay là loan báo Tin mừng mang tính cách rập khuôn theo một nền văn hóa Tây phương nhất định. Bài học quá khứ cho chúng ta nhận ra rõ ràng hơn rằng văn hoá là địa hạt sống còn qua đó con người gặp gỡ được Tin mừng. Văn hoá không phải là Tin mừng, nhưng không thể đem Tin mừng đến với con người mà không thông qua nền văn hóa của họ. Đức Phaolô VI nói: “Việc tách biệt Tin mừng ra khỏi văn hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc rao giảng Tin mừng lẫn nền văn hoa”.[5] Việc rao giảng Tin mừng luôn bao hàm hai yếu tố cho và nhận. Trước khi loan báo nước hằng sống cho người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã xin chị nước uống tự nhiên!
 
Trong vũ điệu của văn hoá và Tin mừng, chúng ta phải trân trọng từng nốt nhạc, từng cử điệu là những giá trị tinh tuý của nền văn hoá, là truyền thống các tôn giáo; từ đó mới có thể khởi đầu một cuộc đối thoại, cùng nhau nỗ lực tìm về chân thiện mỹ, tìm ra đâu là chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
 
Tuy nhiên, trước viễn cảnh một thế giới đa phức tôn giáo, đặc biệt là với Á châu, nơi mà Đức thánh cha Gioan Phaolô II đang hy vọng một “mùa gặt đức tin bội thu”,[6] thì việc loan báo Tin mừng gặp không ít khó khăn, những nỗ lực hội nhập văn hóa mới chỉ là các bước chập chững khởi đầu. Lời mời gọi của Thầy Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) vẫn là một mệnh lệnh khẩn thiết. Chúng ta phải rao giảng Tin mừng như thế nào, đó vẫn là thách đố cho Giáo hội, cho mỗi người chúng ta hôm nay. Thiết nghĩ, một cuộc trở về với bản sắc dân tộc có thể gợi mở một hướng đi cho công cuộc truyền giáo hôm nay.
 
Chúng ta đang bàn về tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên với ý hướng trở về nguồn tìm lại bản sắc dân tộc và hội nhập Tin mừng vào đó. Những bài học lịch sử còn ghi lại tâm thức của lương dân khi họ được nghe rao giảng Tin mừng, đó là một tâm thức nghi kỵ, phản kháng vì Kitô giáo không cho họ thờ kính chính tổ tiên của mình. Ngày nay, những cảm thức như vậy có lẽ không còn nữa, lương – giáo tôn trọng và hiểu nhau hơn. Giáo hội nỗ lực đem Tin mừng hội nhập vào các nền văn hóa, trân trọng và đón nhận tất cả những cái hay, nét đẹp của các truyền thống văn hóa – tín ngưỡng. Tuy nhiên chúng ta không quá ngây thơ chuyển từ cực này sang cực khác, không phải bất cứ nét văn hoá nào cũng có thể đưa vào Kitô giáo, cần phải sáng suốt, nhạy bén và chọn lọc. Đây là một điều nan giải cho tiến trình hội nhập văn hoá của Giáo hội; làm sao một mặt vẫn giữ được căn tính của mình, bảo vệ những nét tinh ròng của đạo lý; mặt khác luôn cởi mở, đối thoại, và đón nhận những tinh hoa từ các nền văn hóa và tín ngưỡng khác.
 
“Đạo Ông Bà” thiết tưởng chính là cốt lõi tinh tuý của tâm hồn người Việt Nam. Chúa có dạy điều gì khác đâu, đó cũng là yêu cha kính mẹ. Phụng vụ Giáo hội cũng dành ngày mồng hai tết để cầu cho tổ tiên, và đặc biệt dành nguyên tháng mười một để cầu nguyện, tưởng nhớ đến các linh hồn. Hơn nữa, hằng ngày trong mọi thánh lễ, Giáo hội đều có lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Sự trùng phùng hội ngộ giữa Kitô giáo và Đạo Ông Bà của người Việt Nam là điều khả thi lắm. Từ một thái độ cung kính, một tấm lòng thành khi cúng tế gia tiên, đến một tinh thần cầu nguyện sâu xa cho tiên tổ của mình trong những giờ kinh, trong thánh lễ Misa, đó chẳng phải là điều đáng mong lắm sao?
 
Đồng hành cùng văn hóa dân tộc, người Công giáo đã và đang làm cho văn hóa Kitô giáo của mình trở nên thật gần gũi, thân thương và gắn bó với văn hóa dân tộc. Tháng 11 hằng năm luôn là dịp Giáo hội Công Giáo mời gọi con cái mình hướng về các bậc tổ tiên, những người đã được Chúa gọi về đời sau, để tưởng nhớ, cầu nguyện và hiệp thông với họ. Trong Ngày này, người Công Giáo dâng Thánh Lễ để cầu xin Thiên Chúa Nhân Từ thứ tha tội lỗi cho người quá cố nói chung.Việc cầu cho người thân đã qua đời là việc cần thiết, vừa cho linh hồn người chết được cứu thoát khỏi Luyện ngục, vừa cho người sống được tỏ lòng hiếu thảo đền ơn.Đó là nét đẹp của sự gặp gỡ. Đó là nét đẹp của niềm sẻ chia, sự đồng cảm. Đó là nét đẹp của tình liên đới, của tình nghĩa chân thành. Hãy biết tận dụng tháng 11 này để tích luỹ ơn ích thiêng liêng mà cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Hãy làm việc bác ái, hy sinh và cầu nguyện giúp các ngài vượt qua cuộc thử thách trước toà phán xét của Thiên Chúa. Ước gì những hy sinh và lời cầu nguyện chân thành của chúng ta là lễ vật đẹp nhất để dâng về Thiên Chúa và dâng kính tổ tiên.
Nam Sơn
Thông tin khác:
Trách nhiệm (21/10/2011)
Người Kitô hữu dấn thân trong hành trình phục vụ (22/09/2011)
LƯƠNG TÂM (16/09/2011)
Ngày Tết Trung Thu: Chúa Giêsu yêu thương trẻ em (12/09/2011)
Hãy tha thứ! (07/09/2011)
Cách mạng tháng 8 với các Giám mục người Việt (31/08/2011)
Văn học Công giáo ở Việt Nam (phần I) (24/08/2011)
Lời “cảm ơn” đâu dễ nói! (16/08/2011)
Ký sự Xuân Bích một nhà (12/08/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log