Nhà thờ xứ Trung Lao toạ lạc trên địa bàn thôn Trung Lao, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định được khởi công xây dựng năm 1888 và hoàn thành năm 1898. Kiến trúc nhà thờ được làm theo lối cổ, chú trọng phát triển bề rộng, ít vươn lên tầm cao, không gian bên trong khi nào cũng ôn hòa, mát mẻ.
Nhà thờ có chiều dài 50m, rộng 16m, gồm 11 gian, được xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ hình vẩy rồng, còn gọi là ngói Nam. Toàn bộ nội thất cung thánh đường đều được làm từ lõi gỗ lim. Cột của nhà thờ là những thân gỗ lim có đường kính từ 70cm đến 80cm được để mộc mạc, không trang trí. Các vì kèo, xà khóa, xà cân nâng đỡ cây long cốt được chạm trổ rất công phu với hoa văn hoa lá, nét chạm mạnh mẽ nhưng lại rất uyển chuyển, tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát. Cây long cốt được sơn màu đỏ, khắc niên đại xây dựng nhà thờ bằng chữ Hán. Tường nhà thờ được trang trí hoa văn theo kiểu tứ quý với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nội điện tôn trí tượng Đức mẹ Maria cùng các vị thánh trên một bệ thờ lộng lẫy với hai màu vàng, đỏ. Bệ thờ là một công trình điêu khắc hết sức công phu, được trau chuốt tới những chi tiết nhỏ nhất. Gam màu nóng của bệ thờ kết hợp với gam màu nâu của gỗ khiến cho nội điện có một vẻ đẹp hoành tráng nhưng cũng rất uy nghiêm nên khi bước vào, chúng ta có cảm giác ấm áp, bình an. Đã hơn một trăm năm trôi qua, nhà thờ Trung Lao vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu, chưa phải trùng tu một lần nào.
Với diện tích đất nông nghiệp 0,7 sào/người, người dân thôn Trung Lao đã ý thức được đất chật người đông nên phải đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học, đưa giống lúa mới vào gieo trồng để tăng nhanh năng suất. Năng suất lúa bình quân năm 2009 đạt hơn 140tạ/ha. Ngoài lúa người dân còn thâm canh cây vụ đông như bí xanh, dưa chuột, cà chua, nhiều hộ đã thu nhập 7-8 triệu đồng từ cây vụ đông. Nhiều gia đình còn đẩy mạnh chăn nuôi lợn, gà bằng phương pháp công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Đặc biệt, xứ Trung Lao đã có hơn 200 hộ làm nghề mộc và kinh doanh đồ gỗ với số vốn hàng tỷ đồng, giải quyết nhiều việc làm với thu nhập hàng triệu đồng/tháng, tiêu biểu như hộ ông Vũ Đình Duyên, Vũ Đình Mão.... Theo số liệu điều tra, Trung Lao có 25% hộ giàu, 50% hộ khá, 20% hộ trung bình, 5% hộ nghèo.
Kinh tế phát triển, người dân có thêm điều kiện để hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo. Linh mục Lê Ngọc Hoàn đã ủng hộ 5 triệu đồng để xây dựng nhà cho hộ nghèo, giáo dân ủng hộ hàng chục triệu đồng và hàng trăm ngày công. Thôn Trung Lao đã hoàn thành việc thay thế nhà tranh tre bằng nhà kiên cố. Linh mục xứ thường nhắc nhở giáo dân cảnh giác, phòng ngừa tệ nạn xã hội. Chính quyền, mặt trận tổ quốc đã tổ chức họp bàn giữa xóm đội, ban hành giáo để phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy định, quy ước về hoạt động tôn giáo, về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm tạo sự thống nhất để tổ chức thực hiện tới từng thôn xóm, từng gia đình, đồng thời cũng giải đáp kịp thời những thắc mắc, kiến nghị chính đáng của giáo dân. Ban hành giáo đã phối hợp với ban công tác mặt trận hoà giải những mâu thuẫn trong khu dân cư, hạn chế vi phạm pháp luật. Ban hành giáo xứ, họ đã kí cam kết thực hiện 3 tự: “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”. Những gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, hoặc phạm tội được cộng đồng giáo xứ, giáo họ gặp gỡ, khuyên nhủ nên đã cảm hoá, ngăn chặn không để phát sinh. Nội dung các phong trào “Thôn xóm bình yên, gia đình thuận hoà”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cái thảo hiền” đều được đưa ra bàn bạc và được các gia đình đăng kí thực hiện và hàng năm đều đưa ra bình chọn, biểu dương những tập thể cá nhân tiêu biểu thực hiện phong trào. Họ nhà xứ và 3 họ lẻ đã được công nhận là xứ, họ tiên tiến, nhiều hộ Công giáo được tặng bằng khen Gia đình Côn giáo gương mẫu. Giáo xứ Trung Lao được tặng giấy khen của UBND huyện và của UBMTTQ tỉnh.