Gương điển hình

Giáo dân Phong Ý hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa và đoàn kết trong phong trào thi đua yêu nước

Cập nhật lúc 06:22 17/02/2011

Nằm trên địa bàn xã Cẩm Phong, huyện miền núi Cẩm Thủy của tỉnh Thanh Hóa, thánh đường giáo xứ Phong Ý soi mình bên dòng sông Mã vốn đã đi vào thơ ca Việt Nam. Kiến trúc theo phong cách Gothic với những đường nét đơn giản nhưng ngôi thánh đường vẫn đủ gợi những mỹ cảm sâu sắc trong khách hành hương. Những hàng cây xanh cổ thụ quanh khuôn viên nhà thờ cũng đem lại không khí trong lành để khách hành hương sau những giây phút nguyện cầu có thể vừa dạo bước vừa hít thở không khí trong lành.

Với tổng số hơn 5000 giáo dân, sinh hoạt tôn giáo tại giáo họ sở tại và hơn 20 giáo họ lẻ nằm trải dài trên 5 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa: Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hoá và Mường Lát. Giáo dân Phong Ý cũng rất phong phú và đa dạng với 5 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Dao và Hmông.

Tác giả bài viết này đã phải qua nhiều cung đường với nhiều thời gian mới tới được các giáo điểm thuộc xứ đạo Phong Ý, bởi có một số giáo điểm cách xa thà thờ họ sở tại tới vài trăm cây số. Giáo dân ở đây cho biết, nếu cha xứ muốn đến được các giáo điểm trong một lần mục vụ thì phải đi hết hơn nghìn cây số.

Mặc dù kết cấu dân cư đa dạng, tứ xứ quần cư từ nhiều tỉnh, thành về đây sinh sống, phong tục, tập quán khác nhau nhưng tình yêu của Thiên Chúa đã nối kết họ trong một gia đình giáo xứ Phong Ý rất đoàn kết. Từ sự đoàn kết đó, 5 năm qua, với sự phối hợp giữa Mặt trận và Ban hành giáo xứ Phong Ý, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết dựng văn hóa ở khu dân cư, phát triển kinh tế đã được triển khai với những kết quả quan trọng.
 
 
Xác định đặc điểm cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ yếu, 10 năm về trước, người Công giáo Phong Ý đã xây dựng thành công cánh đồng 50 triệu/ha, đến nay những cánh đồng đó đã được nhân rộng tại nhiều địa phương và đã xuất hiện cánh đồng đạt gần 100 triệu/ha. Nhiều thửa ruộng trước đây chỉ trồng lúa thì nay người dân còn thâm canh thêm vụ đông xuân với các loại rau, củ chất lượng cao.
 
Ở xã Cẩm Phong, một xã có hơn 7 nghìn dân trong đó 30% là người theo đạo Công giáo thuộc họ sở tại Phong Ý, nhân dân đã triển khai mô hình trồng 2 vụ rau 1 vụ lúa, giá trị thu nhập đạt 64 triệu đồng/năm; và mô hình trồng 3 vụ rau, giá trị thu nhập đạt 74 triệu đồng/ha. Đây là những đột phá trong chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đến nay, Cẩm Phong không còn nhà tranh tre dột nát, toàn xã có 390 hộ giàu, chiếm 25%; 850 hộ khá và trung bình, chiếm 50%, còn hơn 300 hộ nghèo, chiếm 20%; 100% số hộ trong xã dùng điện thắp sáng, 97% số hộ có phương tiện nghe nhìn, hơn 70% số hộ có xe gắn máy và điện thoại...
  
Đối với một số gia đình sinh sống trên sông nước, ước mơ bao năm của họ là có đất, có nhà để định cư cho con cái thuận tiện học hành đã thành hiện thực khi chính quyền xã Cẩm Phong cấp đất, nhân dân chung tay góp thêm xây dựng được 96 ngôi nhà để họ chuyển lên định cư ổn định. Giáo dân và nhân dân ở xã Cẩm phong còn xây dựng 15 nhà đại đoàn kết, 3 ngôi nhà tình nghĩa giúp người nghèo; ủng hộ đồng bào bị bão lụt hơn 82 triệu đồng, quyên góp từ các nhà hảo tâm được trên 156 triệu đồng giúp 60 hộ nuôi cá lồng bị lũ cuốn trôi, tặng 3841kg gạo và 195 triệu đồng cho các hộ nghèo, người già neo đơn trong các dịp lễ, tết.
 
Việc học hành của con em giáo xứ cũng được cha xứ quan tâm, khích lệ. Do đó số học sinh cấp 3 và sinh viên đại học là con em Công giáo mỗi năm một nhiều, có 77 em được cấp học bổng và trao quà với tổng số tiền hơn 97 triệu đồng…
 
Cha xứ Phong Ý còn phối hợp với nhóm truyền thông Emmaus của Tổng Giáo phận Hà Nội về tận Phong Ý trao đổi, nói chuyện và chia sẻ về HIV/AIDS cho cộng đoàn giáo dân với gần 1500 người tham dự. Buổi truyền thông giúp giáo dân hiểu rõ về tình hình số người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam, những con đường lây nhiễm và không lây nhiễm, phương pháp phòng tránh... Nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã hăng hái đặt câu hỏi và đưa ra những thắc mắc. Điều này cũng có nghĩa giáo dân đang thật sự quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn tới căn bệnh thế kỷ này. Họ muốn hiểu để tự phòng tránh cho bản thân và họ không còn lo sợ lây nhiễm khi bên cạnh người có HIV, hay khi chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Họ có thể yêu thương và phục vụ nhiều hơn đối với những người anh em của mình đang sống chung với HIV/AIDS.
 
Với những kết quả tốt đẹp trên, đại diện giáo xứ Phong Ý đã vinh dự được tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu những người Công giáo Thanh Hóa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khóa 2 (2010-2015). Những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước đó cũng là biểu lộ sinh động đời sống đạo- đời của đông đảo giáo dân Phong Ý theo tinh thần Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Giáo dân Phong Ý đã quy tụ trong tình yêu của Thiên Chúa và đoàn kết dưới mái nhà chung Mặt trận Tổ quốc cùng nhân dân xây dựng quê hương, xứ đạo.
An Luých
Thông tin khác:
Tiếp tục con đường dấn thân và phục vụ (20/01/2011)
VŨ HỒNG HỢP – ANH THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ (09/01/2011)
Linh mục Vinh (08/01/2011)
Có một người con Công giáo như thế! (08/01/2011)
Đảng viên người Công giáo tâm huyết hoạt động phong trào (06/01/2011)
Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt (21/12/2010)
Nơi trú ngụ của những “thiên thần” bất hạnh (10/12/2010)
MỘT NÔNG DÂN CÔNG GIÁO SÁNG CHẾ MÁY PHÁT ĐIỆN (06/12/2010)
Trở về Ba Làng (30/11/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log