Nhìn vào vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt luôn tươi cười rạng rỡ này không ai nghĩ đây lại là cô giáo đã gắn bó với mái trường mầm non gần 20 năm. Một thời gian cũng đủ để cô cống hiến những đam mê nghề nghiệp, lòng yêu mến con trẻ của mình cho dù đó là những công việc đòi hỏi sự nhạy bén, kiên trì và khéo léo. Ngay từ thời niên thiếu cô bé Nhung hồi đó luôn mơ ước được chăm sóc những cháu nhỏ cho dù vẫn biết công việc rất khó khăn vất vả. Rồi ước mơ đó đã thành hiện thực khi cô thi đậu đúng chuyên ngành mà mình từng mong ước. Năm tháng qua đi, lớp lớp học trò đã trưởng thành, còn người mẹ hiền này vẫn ngày đêm không ngừng sáng tạo học tập để ngày càng tạo ra môi trường học thật sự thân thiện cho trẻ. Đặc biệt 3 năm trở lại đây khi được Bộ giáo dục và đào tạo phát động phong trào “xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, cô cùng với ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp đã đổi mới cách dạy học, tự tìm tòi sáng kiến, tạo ra nhiều trò chơi bổ ích cho các em thông qua các trò chơi dân gian, những sinh hoạt truyền thống như “khu chợ đồng quê”. Bằng những vật liệu từ thiên nhiên như tre, nứa, các loại hoa quả khô cộng với cách ăn mặc áo bà ba, khăn đống do các cô tự thiết kế, những diễn viên nhí đã tái hiện được bức tranh của khu chợ thôn quê xưa vừa đa dạng về màu sắc nhưng rất gần gủi và nên thơ như những bức tranh đông hồ. Chính hoạt động này giúp các em hiểu được cuộc sống của ông bà xưa và cũng tạo cho các em kỹ năng trong cuộc sống, trao đổi hàng hóa, từ đó giúp các em thêm hiểu và yêu hơn các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Cháu Nguyễn Phan Hoài Phương – trường Mẫu giáo Anh Dương nói :“cô con rất hiên rất vui vẻ rất thương con cô dạy con múa hát, dạy kể chuyện, cho con chơi chợ đồng quê con rất vui và con rất thích.Con đượcđội nón lá, quàng khăn rằn, mặc áo bà ba, bán hoa, con rất là vui được giao lưu với các bạn”.
Đây chỉ là một trong hàng chục chủ đề, chủ điểm cô và đồng nghiệp thực hiện trong các tiết dạy học. Để tránh áp lực và môi trường học nhàm chán thụ động, ngay từ khi được Bộ giáo dục và đào tạo phát động phong trào xây dựng trường học “thân thiện, học sinh tích cực” cô Nhung đã chủ động bàn bạc, lên kế hoạch cụ thể từ chỗ chơi, chỗ học cho các cháu làm sao để mỗi ngày cháu đến trường là một niềm vui thông qua các vật liệu có thật như quả xoài, mít, na vỏ trứng, chai lọ, gỗ…. Mỗi một trò chơi được gắn với một khẩu hiệu như “Vui cùng chú cuội, chị Hằng”, “ Dịu dàng vòng tay yêu thương”, “Tuổi thơ ước mơ kỳ diệu”. Từ đó trẻ có hứng thú tham gia vào các hoạt động vui chơi phù hợp với lứa tuổi, học mà chơi, chơi mà học. Cô giáo Phạm Thụy Mai Nhung – trường Mẫu giáo Ánh Dương thổ lộ: “Bản thân tôi rất là yêu mến trẻ, tôi đã hòa nhập vào với trẻ để tạo vào cái niềm vui thật lớn hơn. Qua đó thì một ngôi trường tôi xem như một gia đình mới của mình, được các đồng nghiệp yêu thương giúp đỡ và chia sẽ những công việc mặc dù công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi cùng yêu thương nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Và đó cũng là phương châm học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tôi”
Để thực hiện tốt mô hình này, cô Nhung đã rất cần mẫn, chịu khó để tạo ra các sản phẩm từ thiên nhiên bằng cách ngoài giờ lên lớp, cô phải vào vườn cây lượm những hoa quả rụng về phơi khô, mua sơn về để tạo ra các vật dụng y như thật. Ngoài ra, cô vẫn thường kết hợp với đồng nghiệp trao đổi, bàn bạc để xây dựng một kế hoạch nào đó hay lên mạng truy cập thông tin, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện tốt việc dạy trẻ kể chuyện thông qua công nghệ thông tin. Nhận xét về cô Nhung, Cô Nguyễn Thị Thúy Phượng – Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Ánh Dương cho biết:
“ Những năm qua, tất cả các giáo viên của trường chúng tôi đều tham gia tích cực phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực. Nhưng điển hình trong trường thì có một giáo viên là cô Phạm Thị Mai Nhung. Cô Nhung đã không ngừng tìm tòi sáng tạo ra các cái nguyên liệu, vật liệu từ thiên nhiên như trái cây khô và các nguyên vật liêu phế liệu bỏ, từ đó cô tạo ra cho các cháu những trò chơi, tiết dạy rất bổ ích và cô đã nhân rộng cho các giáo viên trong trường cùng nhau để thực hiện mô hình này”.
Khắc phục được kiểu học thụ động, nhàm chán để tạo nên một môi trường thân thiện gần gũi với trẻ, để các em đều có cơ hội phát triển tối ưu những tiềm năng sẵn có. Từ đó xây dựng xã hội học tập mà trong đó các em phát triển tốt cả tâm hồn và trí tuệ bằng những việc làm rất gần gũi, thân quen và cả sự tận tụy với nghề của những “người mẹ hiền” như cô Nhung. Chính những đóng góp đó của cô góp phần để trường Mẫu giáo Ánh Dương được Bộ giáo dục công nhận là trường chuẩn quốc gia và trường học thân thiện, cá nhân cô hàng năm đều nhận được giấy khen, bằng khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua của ngành.